Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự học, vươn lên thoát nghèo

08:06, 03/06/2023

Thuộc diện hộ cận nghèo, được chính quyền địa phương cấp nhà tình thương nhưng ông Đặng Ngọc Quảng (ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) đã từ chối. Ông Quảng cho rằng mình còn sức khỏe, còn có thể cùng vợ làm việc để nuôi các con ăn học.

Thuộc diện hộ cận nghèo, được chính quyền địa phương cấp nhà tình thương nhưng ông Đặng Ngọc Quảng (ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) đã từ chối. Ông Quảng cho rằng mình còn sức khỏe, còn có thể cùng vợ làm việc để nuôi các con ăn học.

Đại diện Ban chấp hành Hội Khuyến học tỉnh và H.Trảng Bom đến thăm gia đình ông Đặng Ngọc Quảng. Ảnh: H.Yến
Đại diện Ban chấp hành Hội Khuyến học tỉnh và H.Trảng Bom đến thăm gia đình ông Đặng Ngọc Quảng. Ảnh: H.Yến

Với tinh thần tự lực, không ngại khó, ngại khổ, ông đã cùng vợ nuôi các con ăn học thành tài; kinh tế cũng dần khấm khá.

* Tự vươn lên làm giàu

Ông Quảng quê gốc ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1976, cả gia đình ông vào Đồng Nai để làm kinh tế mới. Khi đó, ông Quảng mới lên 10 tuổi. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông tham gia nghĩa vụ quân sự. Khi hoàn thành nghĩa vụ, ông xuất ngũ rồi lập gia đình và sinh được 3 người con.

Hai vợ chồng ông luôn chăm chỉ làm ăn nhưng do có ít đất canh tác nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh kể: “Nhà ông Quảng có 3 anh em nhưng chỉ có 1 mẫu rẫy, 3 gia đình chia nhau để làm. Riêng gia đình ông Quảng rất nghèo, được địa phương đưa vào diện hỗ trợ nhà tình thương nhưng ông Quảng từ chối, ông tự lực cánh sinh và nuôi dạy các con”.

Các gia đình của anh em ông Đặng Ngọc Quảng đều là những gia đình hiếu học. Dòng họ Đặng Ngọc là một trong 5 dòng họ học tập tiêu biểu của xã Hưng Thịnh.

Để có đủ tiền lo cho các con ăn học, ngoài làm rẫy, vợ ông Quảng đi rửa trái cây thuê. Bản thân ông thì làm đủ nghề, cả chạy xe ôm và chăn bò. Vừa làm vừa tích cóp mua thêm vườn rẫy để mở rộng canh tác. Nhờ chịu khó học hỏi, siêng năng làm việc mà kinh tế gia đình ông dần dần ổn định, vươn lên. Hiện nay, ông bà có 2 mẫu rẫy. Trong đó, 7 sào trồng bưởi da xanh cho thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm; 1,3 mẫu trồng điều, cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, ông Quảng làm thêm nghề mua bán nông sản theo thời vụ còn vợ ông thì mua bán bắp luộc. Gia đình ông không chỉ vươn lên thoát nghèo thành công, có nhà cửa khang trang, vững chắc mà còn bắt đầu có của ăn, của để.

* Gia đình hiếu học tiêu biểu

Muốn vươn lên thoát nghèo nếu chỉ có sự siêng năng là chưa đủ. Bản thân ông Quảng phải không ngừng tự học hỏi thêm kiến thức, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức để nâng cao kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi.

Đối với cây bưởi, ông Quảng quyết tâm trồng bưởi sạch, không sử dụng thuốc hóa học. Ông ra tận miền Trung để mua bánh dầu đậu phộng (phần bã của hạt đậu phộng và vỏ sau khi ép dầu) để làm phân bón cho cây. Nhờ đó, vườn bưởi của ông luôn cho năng suất cao và chất lượng tốt, bán được giá…

Đối với việc chăn nuôi bò, có thời điểm đàn bò của ông lên đến 20 con, là nguồn thu nhập chính để ông nuôi các con học đại học. Cách đây 2 năm, khi 2 người con đầu đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và người con trai út đậu Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), ông mới bán hết đàn bò này để tập trung cho vườn rẫy và việc buôn bán.

Ông Đặng Ngọc Quảng chăm sóc vườn bưởi da xanh
Ông Đặng Ngọc Quảng chăm sóc vườn bưởi da xanh

Bản thân ông Quảng hiện là Phó bí thư Chi bộ ấp, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học. Vì vậy, ông tham gia nhiệt tình các hoạt động khuyến học; chia sẻ kiến thức, giúp đỡ người dân trồng, chăm sóc bưởi, sầu riêng, tiêu thụ nông sản.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương cho biết: “Ông Quảng tham gia các công tác của địa phương rất nhiệt tình, nhất là hoạt động lo học hành cho con em. Ông tích cực đóng góp và vận động xây dựng cho quỹ khuyến học ấp được hơn 300 triệu đồng để lo cho con em trên địa bàn. Khi kinh tế của gia đình càng phát triển thì ông đóng góp ngày càng nhiều”.

Ông Quảng chia sẻ: “Trước đây tôi từ chối nhận nhà tình thương là vì thấy mình còn sức khỏe, còn khả năng làm việc được; thứ hai nữa là mình từ chối để cố gắng vươn lên. May mắn là các con của tôi đều chăm ngoan, học giỏi. Ngoài giờ học còn biết phụ giúp cha mẹ làm ăn”.

Không chỉ vươn lên thoát nghèo, ông Quảng còn giúp đỡ cho nhiều gia đình khác trong ấp. Năm 2022, ông được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trước đó, năm 2018, gia đình ông Quảng được Hội LHPN H.Trảng Bom tặng danh hiệu “Gia đình tiêu biểu nuôi dạy con tốt”.

Hải Yến

Tin xem nhiều