Báo Đồng Nai điện tử
En

Các loài chim nước tại Việt Nam: Tuyệt đẹp và đáng nâng niu

11:06, 02/06/2023

Lần đầu tiên tại Việt Nam có cuộc thi và triển lãm ảnh Các loài chim nước tại Việt Nam diễn ra tại TP.HCM từ ngày 27-5 đến 10-6, mang đến cho người xem hình ảnh tuyệt đẹp và giá trị về các loài chim nước định cư lẫn các loài chim di cư đến Việt Nam, trong đó có ảnh chụp tại Đồng Nai.

Lần đầu tiên tại Việt Nam có cuộc thi và triển lãm ảnh Các loài chim nước tại Việt Nam diễn ra tại TP.HCM từ ngày 27-5 đến 10-6, mang đến cho người xem hình ảnh tuyệt đẹp và giá trị về các loài chim nước định cư lẫn các loài chim di cư đến Việt Nam, trong đó có ảnh chụp tại Đồng Nai.

Giao lưu Á-Âu - giải nhất của Lê Đức Hiền
Giao lưu Á-Âu - giải nhất của Lê Đức Hiền

Tại triển lãm về các loài chim nước ở Việt Nam do cộng đồng Vui Nhiếp ảnh, Canon - Lê Bảo Minh, Wildtour và BirdLife phối hợp tổ chức, giới đam mê nhiếp ảnh, quan tâm môi trường thiên nhiên cũng như công chúng nói chung lần đầu tiên được chiêm ngưỡng loạt ảnh quy tụ hơn 40 tác phẩm từ 27 tác giả từ Nam chí Bắc.

* Những tác phẩm kỳ công

Các tác phẩm đều rất đáng trân trọng bởi không chỉ phản ánh sự đam mê săn tìm các khoảnh khắc đẹp về các loài chim đẹp, quý hiếm trong thế giới tự nhiên của các nhiếp ảnh gia, mà còn phần nào thể hiện trình độ chụp ảnh chim hoang dã trong giới nhiếp ảnh Việt Nam.

Ông NGUYỄN HOÀI BẢO, giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và cũng là một tay máy chụp chim, chia sẻ: “Những nhiếp ảnh gia chúng tôi chụp ảnh chim để hiểu hơn về thiên nhiên, từ đó trân quý hơn về môi trường chúng ta đang sống”.

Trên hết, nói như nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Trường Sinh, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi, thì “mỗi tấm ảnh chụp được là sự thể hiện tình cảm thực sự của người chụp đối với loài chim nước, để giới thiệu cho người xem, khi người xem cảm nhận được và thấy yêu quý loài chim này thì người ta sẽ không giết nó, bảo vệ nó… Chim sẽ ở với chúng ta mãi mãi!”.

Xem và chấm giải từ hàng trăm tác phẩm ảnh chụp các loài chim nước, NSNA Trường Sinh - chia sẻ: “Chụp loài chim này ở Việt Nam không dễ như ở những nước mà các loài động vật hoang dã được bảo vệ và ý thức người dân chấp hành triệt để. Ở Việt Nam những loài chim này đang bị săn bắt đến cạn kiệt! Chúng rất sợ con người! Nếu để chụp thật đẹp thì không khó, người ta chỉ cần bắt nhốt nó vào… một cái lồng rồi chụp. Nhưng chụp hoàn toàn ngoài tự nhiên là rất khó. Vì thế chỉ có những ai thật sự yêu thiên nhiên, yêu loài chim nước thì người đó mới lặn lội xuống nước, chui rúc trong các bụi cây… để có được những hình ảnh tự nhiên về những loài chim nước còn sót lại trên những đầm lầy, đồng ruộng ngập nước, ao hồ tự nhiên… Đó mới là sự đáng quý!”.

Sức sống (Gà lôi nước Ấn Độ) - giải nhì của Vũ Minh Tuấn
Sức sống (Gà lôi nước Ấn Độ) - giải nhì của Vũ Minh Tuấn

* Thêm yêu quý thiên nhiên

NSNA Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đánh giá: “Cuộc thi Các loài chim nước tại Việt Nam tạo ra sân chơi mới cho những nhiếp ảnh gia yêu thích chụp chim và đặc biệt đề cao việc bảo tồn các loài chim quý hiếm. Tôi rất thích tác phẩm Mòng bể (đồng giải ba) của tác giả Nguyễn Quốc Toàn (tức Lý Gia Đại) chụp hình ảnh chú chim cổ còn dính những sợi cước vừa thoát khỏi lưới đánh bắt như một thông điệp cần chung tay bảo vệ các loài chim thiên nhiên”.

Cánh chim đảo xa (Chim điên chân đỏ) chụp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam - ảnh triển lãm của Phạm Hồng Phương
Cánh chim đảo xa (Chim điên chân đỏ) chụp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam - ảnh triển lãm của Phạm Hồng Phương

Một điều rất lý thú là ông Lê Đức Hiền - tác giả đoạt giải nhất cuộc thi Các loài chim nước tại Việt Nam - năm nay đã 70 tuổi. Cụ ông ở Hà Nội này vẫn đam mê chụp ảnh chim ở độ tuổi thất thập cổ lai hy. Bức ảnh giải nhất mang tựa Giao lưu Á - Âu của ông Đức Hiền chụp tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), bắt được khoảnh khắc loài cò thìa Á Âu (Eurasian Spoonbill) trong lần hiếm hoi di cư sang Việt Nam trú đông đã “gặp gỡ” loài cò thìa mặt đen (Black-faced Spoonbill - thuộc giống loài có nguy cơ tuyệt chủng cao - EN) sinh sản ở vùng Đông Á và thường di cư về Đông Nam Á trú đông. Cả hai con chim cùng loài cò thìa này gặp nhau cùng lúc, cùng địa điểm, “giao lưu trò chuyện” với nhau bằng cách giương chiếc mỏ dài trong cùng một khung hình tại Việt Nam là hết sức hiếm hoi và độc đáo.

Cuộc chiến lãnh thổ (cò bợ) - ảnh triển lãm của Hồ Khắc Luận
Cuộc chiến lãnh thổ (cò bợ) - ảnh triển lãm của Hồ Khắc Luận

* Ý thức bảo vệ muôn loài

Nhiếp ảnh gia Thuần Võ, một trong những người sở hữu bộ sưu tập ảnh chim quý hiếm hàng đầu Việt Nam và rất tâm huyết với phong trào chụp ảnh chim tự nhiên, bày tỏ hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục có những cuộc thi ảnh chuyên đề về chim rừng Việt Nam hay tất cả các loài chim hoang dã nói chung được tổ chức, triển lãm rộng rãi và có thể in thành sách.

Đàn le nâu (Lesser Whistling Duck) do tác giả Thuần Võ chụp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ở rừng Mã Đà, H.Vĩnh Cửu (Ảnh không dự thi)
Đàn le nâu (Lesser Whistling Duck) do tác giả Thuần Võ chụp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ở rừng Mã Đà, H.Vĩnh Cửu (Ảnh không dự thi)

Ông Thuần cũng cho biết: “Bộ ảnh Các loài chim nước tại Việt Nam sẽ tiếp tục triển lãm trong thời gian tới tại Thảo cầm viên TP.HCM, các trường học, cơ sở giáo dục tại nhiều tỉnh thành nhằm giúp cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, sinh viên học sinh… chiêm ngưỡng, cảm nhận những khoảnh khắc, nét đẹp tự nhiên hiếm có từ nhiều loài chim ít gặp ở Việt Nam và các loài chim di cư nằm trong Sách đỏ. Qua đó, mọi người thêm yêu thiên nhiên và nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã nơi cộng đồng”.

 Cò ruồi làm tổ - ảnh triển lãm của Dương Tuấn Vũ
Cò ruồi làm tổ - ảnh triển lãm của Dương Tuấn Vũ

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều