Tiếp nối bộ tranh truyện Danh nhân đất Đồng Nai, NXB Đồng Nai tiếp tục ra mắt các em thiếu nhi bộ tranh truyện Huyền thoại xứ Đồng Nai (5 tập).
Tiếp nối bộ tranh truyện Danh nhân đất Đồng Nai, NXB Đồng Nai tiếp tục ra mắt các em thiếu nhi bộ tranh truyện Huyền thoại xứ Đồng Nai (5 tập). Đây là những câu chuyện huyền thoại hấp dẫn về đất và người xứ Đồng Nai xưa nằm trong tủ sách Đất và người Đồng Nai (nhiều tập) mà NXB Đồng Nai sẽ thực hiện trong thời gian tới để phục vụ các em học sinh. Bộ tranh truyện ra mắt như một món quà ý nghĩa chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21-4.
2 tập trong bộ truyện Huyền thoại xứ Đồng Nai |
* Xứ Đồng Nai xưa
Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất quần cư của con người cách đây hàng ngàn năm. Những di chỉ khảo cổ học ở Hàng Gòn, Bình Đa, Suối Chồn, Cái Vạn… cho thấy người xưa ở vùng đất này đã có cuộc sống vật chất và tinh thần rất phong phú. Từ thế kỷ XVII, người Việt đã có mặt cùng với các dân tộc anh em khai phá, mở mang bờ cõi vùng đất mới phương Nam của Tổ quốc.
Năm 1698 trở thành mốc lịch sử quan trọng đối với vùng đất Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Đó là khởi điểm cho một vùng đất được chính thức hóa trong sự quản lý của một thể chế nhà nước thời các chúa Nguyễn. Sự có mặt của lưu dân Việt trước năm 1698 ở vùng đất Đồng Nai - Gia Định là cơ sở quan trọng cho việc các chúa Nguyễn thực thi kế hoạch mở mang bờ cõi về phía Nam.
Trong những lớp di dân đến khai khẩn, người Việt đến Đồng Nai khá sớm. Xứ Đồng Nai của một thời với muôn ngàn khó khăn đối với những người di dân thuở khai khẩn được thể hiện đậm nét qua câu ca:
Đồng Nai xứ sở lạ lùng
Dưới sông sấu lội, trên rừng
cọp um
Trên mảnh đất này, cha ông ta đã lao động, đấu tranh với thiên nhiên, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh để biến rừng hoang thành đồng ruộng phì nhiêu, xóm làng trù phú. Những câu chuyện huyền thoại về thời mở cõi của bao thế hệ tiền nhân xứ Đồng Nai xưa gắn liền với nhiều địa danh, làng nghề mà hôm nay vẫn còn dấu tích. Đó là thác Trị An, miễu Ông Chồn, chùa Hóc Ông Che, núi Ông Trịnh và núi Thị Vải, làng nghề gốm ven sông Đồng Nai…
* Thêm hiểu, yêu và tự hào về đất và người Đồng Nai
Truyện Thuần phục cọp dữ cứu dân kể về câu chuyện ở chốn rừng sâu Hóa An trước kia là nơi rừng thiêng nước độc, có nhiều thú dữ hoành hành. Nơi rừng sâu ấy từng có con cọp tinh chuyên bắt người đi rừng, trở thành nỗi kinh hoàng của người dân. Sư Huệ Lâm đã dựng chùa Hóc Ông Che để chữa bệnh cho dân nghèo; tập hợp môn sinh, ngày đêm luyện tập để trừ họa cứu dân. Trong một trận quyết chiến kéo dài cả ngày lẫn đêm, người thầy võ dũng cảm đã thuần phục được cọp dữ cứu dân làng. Câu chuyện cho thấy lối sống hài hòa, thuận theo tự nhiên của cha ông ta thời mở cõi. Con người và thiên nhiên có thể sống chan hoà, nhân ái cùng nhau. Chùa Hóc Ông Che còn có tên gọi là Hiền Lâm sơn tự nay tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc địa phận P.Hóa An, TP.Biên Hòa. Tên gọi dân gian hàm chỉ đây là ngôi chùa ở chốn rừng sâu. Đây là cơ sở tín ngưỡng gắn liền với chuyện tích buổi đầu khai phá xứ Đồng Nai xưa.
Trong bộ truyện tranh này, các em thiếu nhi sẽ gặp lại họa sĩ Kim Khánh với những nét vẽ tài hoa, sinh động được rất nhiều bạn đọc nhỏ tuổi nhiều thế hệ say mê qua các bộ truyện đã gắn liền với tên tuổi của NXB Đồng Nai như: Cô tiên xanh, Trạng Quỷnh hay Cậu bé Rồng. |
Truyện Truyền thuyết thác Trị An kể về mối tình chung thủy, sắt son của đôi trai gái khác sắc tộc đã vượt qua những luật tục ràng buộc để được sống trọn vẹn bên nhau. Câu chuyện còn mang đậm dấu ấn của một thời mở cõi với những cộng đồng tộc người đã có công khai khẩn, mở mang vùng đất này. Thác Trị An nằm ở địa phận H.Vĩnh Cửu, cách TP.Biên Hòa 36km là ngọn thác cuối cùng của sông Đồng Nai. Ngày xưa, thác Trị An được xem là thác đẹp nhất sông Đồng Nai.
Truyện Sự tích núi Ông Trịnh và núi Thị Vải không chỉ giải thích cho các em về tên gọi của hai ngọn núi mà còn giúp các em hiểu được những khát vọng sống tự do, bình đẳng và hạnh phúc của con người trong xã hội xưa. Địa danh núi Ông Trịnh và núi Thị Vải nằm ở địa phận H.Long Thành, tỉnh Biên Hòa xưa (nay thuộc P.Tân Phước, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là điểm đến du lịch thu hút nhiều du khách muốn khám phá và thăm viếng chốn linh thiêng.
Gắn với địa danh miễu Ông Chồn là truyện kể của người Chơro. Đó là Sự tích miễu Ông Chồn. Câu chuyện ca ngợi sức lao động bền bỉ, siêng năng, không ngại gian khó của người Chơro cũng như ca ngợi tình nghĩa thủy chung, son sắt của đôi vợ chồng chàng Chồn. Di chỉ miễu Ông Chồn hiện nằm trên ngọn núi phía Tây Bắc, xã Phú Lý, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Qua những dấu tích còn lại của miễu Ông Chồn có thể thấy những nét đặc trưng văn hóa của xứ Đồng Nai xưa.
Khác với 4 tập truyện huyền thoại gắn liền với những địa danh về đất và người Đồng Nai xưa, truyện Chàng Út nàng Sen lại là câu chuyện cổ tích thế sự không chỉ ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt một lòng của chàng Út, nàng Sen mà còn giúp các em hiểu được sự hình thành và phát triển của những làng nghề gốm ven sông Đồng Nai và vì sao nhiều làng gốm ven sông lại có thứ đất quý làm đồ gốm nổi tiếng và vang danh một thời.
Mỗi câu chuyện huyền thoại hấp dẫn đều có những bài học giúp các em hiểu được ý nghĩa nhân văn của từng câu chuyện cũng như những dấu tích còn lại của xứ Đồng Nai xưa qua bao thăng trầm của lịch sử. Nhiều địa danh xưa vẫn còn sức sống trường tồn trong mạch chảy của cuộc sống hôm nay. Trong quá trình thực hiện bộ tranh truyện Huyền thoại xứ Đồng Nai, NXB Đồng Nai đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, sự gợi mở từ PGS-TS Huỳnh Văn Tới, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc NXB Đồng Nai...
Nguyễn Ngọc Kim