Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 2 thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 2 thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc.
Thi công dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: P.Tùng |
Mỗi giai đoạn cụ thể, liên quan đến các thể chế quản lý mà các đơn vị hành chính này có những đổi thay về địa giới. Lịch sử phát triển của Biên Hòa - Đồng Nai từ mốc lịch sử năm 1698 đến nay, tên gọi Long Thành khá ổn định so với các tên gọi đơn vị hành chính còn lại.
Chắc chắn với sự có mặt của cộng đồng người Việt, người Hoa đến đây sinh sống trước đó, cùng với những yếu tố xã hội, chính trị, chúa Nguyễn Phúc Chu có những cơ sở thuận lợi để Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập bộ máy hành chính ban đầu với tên gọi là phủ Gia Định. Địa giới phủ Gia Định khá lớn, bao gồm nhiều tỉnh, thành của Đông Nam bộ và những vùng phụ cận. Các cấp hành chính dưới phủ là dinh, huyện, tổng.
Tên gọi Long Thành xuất hiện gắn với đơn vị hành chính cấp tổng, có thể được ghép từ chữ đầu của hai làng Long Vĩnh, Thành Tuy được hình thành khá sớm. Long Thành có ý nghĩa ước vọng về sự thịnh vượng của một vùng đất. Năm 1808, khi vua Gia Long sắp đặt hành chính chung cho vùng đất Gia Định, đổi trấn Gia Định thành Gia Định thành. Các đơn vị trực thuộc được nâng lên: huyện Phước Long thành phủ, các tổng Long Thành, Phước Chánh, Phước An, Bình An được nâng lên thành huyện. Huyện lỵ Long Thành đặt tại thôn Phước Lộc, tương ứng với TT.Long Thành ngày nay.
Thời các vua Nguyễn, vùng đất Nam Kỳ có những thay đổi: nhiều huyện, phủ, tổng mới được thành lập với sự tách, nhập địa giới nhưng H.Long Thành vẫn ổn định. Cùng với sự phát triển của làng thôn, xã, ấp, các đơn vị hành chánh trực thuộc H.Long Thành có những thay đổi. Tổng Long Vĩnh chia làm tổng Long Vĩnh Thượng (17 thôn, hộ), Long Vĩnh Hạ (11 thôn, phường, ấp). Tổng Thành Tuy chia làm tổng Thành Tuy Thượng (12 thôn) và Thành Tuy Hạ (13 thôn, ấp). H.Long Thành có giai đoạn thuộc phủ Phước Tuy.
Khi thực dân Pháp chiếm Đông Nam bộ theo Hòa ước Nhâm Tuất (năm 1862), chính quyền thực dân từng bước cải tổ hành chính để quản lý. Tên gọi Long Thành được giữ trong cơ cấu hành chính ban đầu của Pháp: khu Thanh tra Long Thành (năm 1862), địa hạt Long Thành (năm 1866), hạt Tham biện Long Thành (năm 1867). Đến năm 1871, tên gọi Long Thành không còn trong cơ cấu hành chính quản lý của chính quyền thực dân khi Pháp ra nghị định giải thể hạt Thanh tra Long Thành và sáp nhập vào hạt Thanh tra Bà Rịa, sau đó chuyển qua hạt Thanh tra Biên Hòa… Tổng Long Vĩnh Hạ của Long Thành trước đây được cắt chuyển vào hạt Tham biện Sài Gòn vào năm 1876. Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định đổi các hạt tham biện ở Nam Kỳ thành tỉnh, hiệu lực thi hành bắt đầu vào năm 1900. Đến năm 1925, chính quyền thực dân thành lập Q.Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa (4 tổng: Bình Lâm Thượng, Long Vĩnh Thượng, Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ).
Cuộc khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Biên Hòa thành công, chính quyền cách mạng đổi Q.Long Thành thành huyện. Thực dân Pháp tái chiếm và thiết lập chính quyền tay sai vào năm 1947, Q.Long Thành thành lập lại gồm 2 tổng Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ.
Tháng 5-1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập mới các tỉnh, thành ở miền Nam, Q.Long Thành (gồm 3 tổng, 21 xã, 112 ấp) thuộc tỉnh Biên Hòa.
Ngày 9-9-1960, chính quyền Sài Gòn cắt phần đất phía Đông Nam của Q.Long Thành thành lập Q.Nhơn Trạch.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), về phía cách mạng có sự phân chia, bố trí chiến trường. Từ năm 1945-1951, Long Thành là một huyện thuộc tỉnh Biên Hòa. Từ năm 1951 trở đi, Long Thành là một huyện thuộc tỉnh Bà - Chợ (sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn). Sau năm 1954, H.Long Thành được sáp nhập lại vào tỉnh Biên Hòa (từ năm 1954 đến tháng 9-1960).
Trong kháng chiến chống Mỹ, Long Thành là đơn vị hành chính cấp huyện do chính quyền cách mạng phân chia gắn với các sự kiện: thuộc tỉnh Thủ Biên (tháng 9-1960 - tháng 7-1961), trực thuộc tỉnh Biên Hòa (năm 1961 và năm 1964, từ năm 1972-1975), tỉnh Bà - Biên (sáp nhập tỉnh Bà Rịa và Biên Hòa, năm 1963), tỉnh Biên Hòa nông thôn (1965), tỉnh Long - Bà - Biên (sáp nhập tỉnh Long Khánh, Bà Rịa, Biên Hòa từ tháng 12-1966 đến năm 1967), thuộc Phân khu 4 (tháng 10-1967 - tháng 5-1971), thuộc Phân khu Bà Rịa - Long Khánh (năm 1971 - tháng 10-1972).
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, H.Long Thành (trên cơ sở sáp nhập Long Thành, Nhơn Trạch) là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Đồng Nai. H.Long Thành có 26 xã và 1 thị trấn.
Ngày 23-6-1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/1994/NĐ-CP thành lập H.Long Thành (tách H.Nhơn Trạch). Long Thành có 19 đơn vị hành chính gồm TT.Long Thành và các xã Lộc An, Long An, Long Phước, Tân Hiệp, Phước Thái, Phước Bình, An Phước, Tam An, Tam Phước, Phước Tân, An Hòa, Long Hưng, Long Đức, Bình Sơn, Bình An, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn.
Năm 2010, Nghị quyết số 05 NQ/CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính liên quan tỉnh Đồng Nai, toàn bộ 10.899,27ha diện tích tự nhiên và 92.796 nhân khẩu của các xã An Hòa, Long Hưng, Phước Tân, Tam Phước của H. Long Thành cắt chuyển trực thuộc TP.Biên Hòa.
Trồng rau công nghệ cao trong nhà màng tại Nông trường Long Thành của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco. Ảnh: Huy Anh |
Ngày 10-4-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị định số 673/NQ-UBTVQH14 về việc giải thể, thành lập, điều chỉnh địa giới tỉnh Đồng Nai, H.Long Thành điều chỉnh diện tích một số xã (Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn) và giải thể xã Sông Trầu để thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Từ hai làng cổ Long Vĩnh, Thành Tuy, tên gọi Long Thành gắn với các thiết chế hành chính thuộc vùng đất Đồng Nai - Gia Định, ổn định trong thời gian dài và trở thành đơn vị hành chính cấp huyện. H.Long Thành có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế động lực Đông Nam bộ, trong quy hoạch phát triển của địa phương và liên vùng hiện nay, cùng với dự án trọng điểm quốc gia cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều tuyến giao thông quan trọng xuyên vùng là những cơ sở thuận lợi để Long Thành phát triển mạnh mẽ.
Mỗi tên gọi của các đơn vị hành chính gắn liền với sự phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. |
Phan Đình Dũng