Báo Đồng Nai điện tử
En

'Cuộc đua' chuyển cấp bằng điểm số

09:04, 07/04/2023

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa học sinh các bậc học sẽ kết thúc năm học 2022-2023. Chính vì thế, thời điểm này, nhiều học sinh cuối cấp đang dồn sức chuẩn bị cho thi hết học kỳ, đồng thời chuẩn bị cho "cuộc đua" chuyển cấp.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa học sinh các bậc học sẽ kết thúc năm học 2022-2023. Chính vì thế, thời điểm này, nhiều học sinh cuối cấp đang dồn sức chuẩn bị cho thi hết học kỳ, đồng thời chuẩn bị cho “cuộc đua” chuyển cấp.

Cô trò Trường THCS Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) trong một tiết ôn tập chuẩn bị cho thi học kỳ II và lớp 10 THPT. Ảnh: C.Nghĩa
Cô trò Trường THCS Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) trong một tiết ôn tập chuẩn bị cho thi học kỳ II và lớp 10 THPT. Ảnh: C.Nghĩa

“Cuộc đua” chuyển cấp thực sự căng thẳng ở lớp 5 lên lớp 6 và lớp 9 lên lớp 10, đặc biệt là ở địa bàn TP.Biên Hòa khi số lượng học sinh đông, trong khi khả năng tuyển sinh của các trường THCS và THPT công lập lại chỉ có hạn.

* “Nhắm” trường có tiếng

Năm học này, con của chị Vũ Nguyễn Thu Hà sẽ hoàn thành chương trình lớp 5 tại Trường tiểu học Thống Nhất (P.Thống Nhất). Mong muốn của chị sẽ đăng ký cho con xét tuyển vào Trường THCS Trần Hưng Đạo vì đây là ngôi trường công lập có chất lượng dạy và học tốt và gần nhà.

Vì mong muốn con sẽ đủ điểm xét tuyển vào Trường THCS Trần Hưng Đạo nên chị Hà đã dành rất nhiều sự quan tâm đến chuyện học của con, nhất là về điểm số vì sợ ảnh hưởng đến điểm xét tuyển. Chị Hà cho biết: “Ngoài học chính khóa ở trường, tôi còn cho con học thêm toán, tiếng Việt, tiếng Anh ở nhà giáo viên và ở trung tâm Anh ngữ để củng cố điểm số, chắc suất xét tuyển”.

Năm học sắp tới cũng là năm thứ 2 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Bửu Long) chỉ xét tuyển vào lớp 6 bằng học bạ thay vì kiểm tra đầu vào. Chính vì vậy, rất nhiều phụ huynh đặt mục tiêu cho con mình phải phấn đấu có “điểm số đẹp” để có thể trúng tuyển vào ngôi trường này. Anh Phạm Trường Giang, phụ huynh có con học tại Trường THCS Tân Bửu (P.Bửu Long) chia sẻ: “Tôi động viên con cố gắng học để vào Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm vì trường dạy tốt, cơ sở vật chất vừa mới vừa đẹp”.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm Nguyễn Nguyễn Thị Phương cho hay: “Những năm trước còn ở cơ sở cũ trường tuyển sinh học sinh nhiều phường ở TP.Biên Hòa bằng hình thức kiểm tra đầu vào. Từ khi chuyển qua cơ sở mới, trường chỉ tuyển sinh trong phạm vi P.Bửu Long và bằng học bạ. Chất lượng giảng dạy của trường đã được khẳng định nên năm học nào phụ huynh cũng rất quan tâm và mong muốn cho con mình được trúng tuyển vào học”.

* Áp lực điểm số

Do áp lực về tuyển sinh nên nhiều trường THCS ở Biên Hòa đều áp dụng hình thức tuyển sinh theo tuyến như trong hướng dẫn của Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa. Quy trình xét tuyển học bạ là lấy điểm kiểm tra cuối năm của 2 môn Toán, Tiếng Việt lớp 1 và 2 cộng với 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh cuối năm lớp 3 và 4 cộng với 5 môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Sử - Địa và Tiếng Anh lớp 5. Các trường sẽ căn cứ vào điểm số trung bình của mỗi học sinh sau khi cộng điểm, em nào điểm cao hơn sẽ đậu cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Áp lực tuyển sinh một số địa phương khá lớn

Đồng Nai là tỉnh có số lượng học sinh đông thứ 5 cả nước, đặc biệt là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, áp lực tuyển sinh rất lớn. Do đó, đối với bậc tiểu học và THCS, tùy vào tình hình của mỗi địa phương sẽ đưa ra hình thức tuyển sinh phù hợp, đảm bảo công bằng. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá học sinh, cần phải khách quan và thực chất. Phụ huynh không vì thế mà tạo áp lực quá lớn cho chính con em mình.

Vì áp lực tuyển sinh nên nhiều trường ở TP.Biên Hòa buộc phải áp dụng hình thức xét tuyển. Hình thức xét tuyển bằng học bạ đã vô tình đẩy học sinh vào cuộc đua điểm số ngay từ khi bước chân vào lớp 1, đồng thời tạo cho các em áp lực học tập không hề nhỏ. Không chỉ có trường công lập mới xét tuyển bằng học bạ, một vài năm trở lại đây không ít trường tư thục cũng chuyển qua xét tuyển bằng học bạ khi “cung” vượt quá “cầu”.

Anh Trương Văn Khang (ở P.Trung Dũng) cho hay: “Các trường công lập xét tuyển vào lớp 6 bằng điểm số ghi học bạ nên phụ huynh buộc phải kèm cho con học bằng cách này cách khác để có điểm số đẹp. Thậm chí có học kỳ điểm của con xuống dốc một chút là kỳ sau tôi lại phải tạo thêm áp lực cho con “cải thiện” điểm cho bằng được”.

Giáo viên một trường THCS công lập tại P.Trảng Dài thì cho hay, điểm số là vấn đề khá “nhạy cảm”, đôi khi không chỉ có học sinh mới phải chịu áp lực mà giáo viên cũng chịu áp lực không kém. Đánh giá đúng với lực học của học sinh mà kết quả không như mong muốn của phụ huynh thì phụ huynh sẽ buồn. Cá biệt có phụ huynh gọi điện, thậm chí đến tận nhà xin giáo viên “nâng tay” để con có học bạ đẹp sau này dễ xét tuyển khi học hết THCS. Có phụ huynh con bị điểm kém vì không cố gắng học lại đổ lỗi cho giáo viên, xin cho con được chuyển sang lớp khác.

* Nhiều trường tư cũng xét tuyển học bạ

Không chỉ có “cuộc đua” về điểm số ở bậc tiểu học, nhiều học sinh bậc THCS cũng đang phải “chạy đua” để thi lên lớp 10. Nhiều em còn phấn đấu có học bạ đẹp ở các môn như Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để trong trường hợp nếu thi vào lớp 10 công lập không đậu thì vẫn có thể xét tuyển vào các trường THPT tư thục có hình thức xét tuyển bằng học bạ cho chắc chắn cơ hội trúng tuyển.

Em Nguyễn Thị Thanh Trúc, học sinh Trường THCS Thống Nhất (P.Thống Nhất) cho hay: “Em dự định sẽ thi vào lớp 10 Trường THPT Trấn Biên năm học sắp tới nên đã cố gắng học, đặc biệt là ở năm học lớp 9 này. Em cũng tính phương án nếu thi vào lớp 10 trường công lập không đạt, em sẽ xét tuyển vào một trường tư thục gần nhà bằng học bạ. Tuy nhiên xét học bạ cũng phải có điểm tương đối thì mới có cơ hội”.

Những năm gần đây, khi nhu cầu đăng ký vào lớp 10 vượt quá khả năng tuyển sinh được giao, nhiều trường THPT tư thục đã có cơ hội “sàng lọc” hồ sơ thông qua kết quả học bạ. Cụ thể, các trường đều chọn tiêu chí đầu vào là các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, bên cạnh đó là tiêu chí phụ hạnh kiểm. Có trường tư thục thậm chí còn tổ chức kiểm tra đầu vào bằng cả 3 môn thay vì tin 100% vào điểm số học bạ.

Hiệu trưởng một trường tư thục tại TP.Biên Hòa chia sẻ: “Có nhiều học sinh xét tuyển vào trường sở hữu học bạ với điểm số rất đẹp, nhưng khi nhà trường tổ chức kiểm tra đầu vào lại không đạt. Điều đó cho thấy kết quả học tập chưa thực sự thật chất. Vì vậy, nhà trường tiến hành kiểm tra đầu là cách đánh giá khách quan và công bằng hơn cả cho tất cả các thí sinh”.


Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH: Sẽ đảm bảo đủ trường lớp cho học sinh

Hiện năm học 2022-2023 chưa kết thúc nhưng Sở GD-ĐT đã có rà soát và chuẩn bị phương áp tuyển sinh cho các lớp đầu cấp. Trong đó, bậc TH-THCS sẽ do Phòng GD-ĐT các địa tự quyết định chỉ tiêu dựa trên tình hình thực tế. Còn đối với bậc THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ do Sở GD-ĐT giao chỉ tiêu.

Về cơ bản, Sở GD-ĐT sẽ đảm bảo đủ trường lớp cho học sinh, đồng thời có sự phân luồng phù hợp, theo năng lực của học sinh, đặc biệt là với học sinh sau khi đã hoàn thành bậc THCS.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Á Châu (thuộc Hệ thống giáo dục Á Châu, TP.Biên Hòa) HỒ THỊ LÂM: Khẳng định uy tín thông qua chất lượng dạy và học

Niềm tin ngày càng cao của phụ huynh với hệ thống giáo dục tư thục, trong đó có Hệ thống giáo dục Á Châu, đã thúc đẩy chúng tôi không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học cùng các dịch vụ tốt. Chúng tôi cảm thấy tự hào vì mang lại những triết lý giáo dục mới làm thay đổi quan niệm của phụ huynh, nhất là tạo ra mỗi trường học tập hiện đại, giúp học sinh tự tin và năng động hơn.

Thành Nam (ghi)


Công Nghĩa

Tin xem nhiều