Báo Đồng Nai điện tử
En

Trà Phú Hội tỏa hương...

08:03, 04/03/2023

Nhơn Trạch là vùng đất mang nhiều đặc trưng của vùng sinh thái ngập mặn, giao hòa giữa vùng đồng bằng sông rạch và cửa biển Đồng Nai. Những đặc trưng của đất và nước hòa quyện đã tạo nên những sản vật phong phú, có bề dày văn hóa, trong đó nổi bật là trà Phú Hội.

Nhơn Trạch là vùng đất mang nhiều đặc trưng của vùng sinh thái ngập mặn, giao hòa giữa vùng đồng bằng sông rạch và cửa biển Đồng Nai. Những đặc trưng của đất và nước hòa quyện đã tạo nên những sản vật phong phú, có bề dày văn hóa, trong đó nổi bật là trà Phú Hội.

Anh Nguyễn Huy Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) bên gốc trà Phú Hội gần nửa thế kỷ. Ảnh: Nhật hạ
Anh Nguyễn Huy Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) bên gốc trà Phú Hội gần nửa thế kỷ. Ảnh: Nhật hạ

Nổi danh xứ trà

Phú Hội là một xã thuộc H.Nhơn Trạch, xưa thuộc tổng Thành Tuy, H.Long Thành, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Tên Phú Hội có từ thời khai thiên lập địa, gửi gắm niềm tin về hội tụ và giàu có. Đây vốn là làng cổ được hình thành khá sớm trong lịch sử khai khẩn của Đồng Nai, mang trong mình bản sắc văn hóa, kiến trúc cảnh quan tiêu biểu cho cuộc sống làng Việt vùng Đông Nam bộ.

Theo anh NGUYỄN HUY SANG, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội, để đa dạng hương vị, lá trà được ướp với nhiều loại lá như lá trà Phật (một loại cây thuộc họ húng quế), lá ren, lá dứa, bông lài… trước khi đóng gói. Thông thường 5kg lá trà tươi sẽ thu được 1kg trà khô.

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức: Ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Thìn 1808, thì tổng Thành Tuy, huyện Long Thành, trấn Biên Hòa có 29 thôn ấp, trong đó có thôn Phú Mỹ và ấp Phước Lộc (sau đổi thành Mỹ Hội). Đến ngày 1-1-1928 chính quyền thuộc địa quyết định sáp nhập hai làng Phú Mỹ, Mỹ Hội thành Phú Hội và tên gọi này ổn định cho đến ngày nay.

Phú Hội có hai dạng địa hình chính là bán sơn địa gò đồi và vùng trũng thấp với hệ thống kênh rạch chằng chịt ven sông Đồng Môn. Người dân Phú Hội gắn liền với hai hình thái canh tác nông nghiệp là vườn cây ăn trái, trồng trà ở vùng đất cao và trồng lúa nước tại các khu vực đất thấp. Phú Hội cũng từng là xứ đô hội với hệ thống kênh, rạch vừa cung cấp nước sinh hoạt, cho sản vật tôm cá vừa hình thành vùng dân cư sông nước “trên bến dưới thuyền”. Với hàng trăm năm lịch sử, ngoài lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhiều công trình tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật có giá trị, Phú Hội còn nổi tiếng với những vườn cây ăn trái và đặc biệt là trà. 

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, từ trạch trong tên Nhơn Trạch có lẽ bắt nguồn từ nghĩa đen là vùng đất ruộng ngập nước, dầm thấm bốn mùa. Xen kẽ vào đó là những rẻo… thừa của núi đất đỏ bazan ăn ra dọc theo đường Phước Thiền - Thành Tuy Hạ tạo nên một lõm trung du khá đột ngột. Bởi vậy ở Phú Hội xưa là vùng đất trồng trà.

Theo Địa chí Đồng Nai: “Không rõ, trà ở xứ Đồng Nai xuất hiện từ khi nào”, còn theo Gia Định thành thông chí: “Cây trà mọc cao từ ngang đầu người đến hàng chục mét, được trồng ở các vùng gò đồi, lá và thân đều có thể dùng nấu nước. Lá trà được hái về, vò, ủ kín, hạ thổ, nấu bằng siêu. Khi rót, siêu nước trà được giơ cao, dòng trà rót mạnh xuống tô nổi bọt trắng đục. Thế là trà ngon...”.

Nếu trà được sản sinh từ những mặn mòi của vùng đất rừng giồng nối liền Rừng Sác này thì góp nên hương vị đặc trưng của trà Phú Hội không thể thiếu dòng nước Mạch Bà. Cũng bởi vậy mà “Nước Mạch Bà - Trà Phú Hội” đã trở thành lời giới thiệu, lời rao duyên dáng về sản vật đặc trưng của Nhơn Trạch.

Theo nhiều người dân địa phương, trà Phú Hội chỉ ngon khi được pha với nước Mạch Bà, như là sự hòa quyện không rời, lẽ dĩ nhiên khi kết hợp tinh hoa giữa đất - trời. Mạch Bà là một hệ thống mạch nước ngầm chảy qua địa bàn xã Phú Hội đã góp phần hình thành nên những miệt vườn cây ăn trái và cây trà. Bên cạnh đó còn có những đoạn lộ thiên được dùng để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Gọi Mạch Bà bởi nơi đây có mạch nước ngọt rất lớn, từ mạch nước ấy sinh ra nhiều mạch con, mạch cháu…Mạch nước lúc thì rướn mình lên khỏi lòng đất, lúc thì chạy ngầm rả rích khắp vùng, tưới tắm nên nhưng đồi chè xanh tốt và vị ngọt thanh đặc trưng của trà Phú Hội.

Khác với trà Thái Nguyên, Lâm Đồng hay những dòng trà danh tiếng vùng rẻo cao miền Bắc, trà Phú Hội không chát đầu, ngọt hậu mà có vị ngon rất riêng biệt. Vị ngọt của trà không đậm gắt mà nhẹ nhàng, dịu mát. Lá trà tươi khi hãm với dòng nước Mạch Bà cho ra màu vàng xanh đẹp mắt, còn lá trà khô khi pha có màu đỏ nâu.

Người dân địa phương vẫn giữ nguyên cách chế biến trà truyền thống. Trà được thu hoạch vào mỗi buổi sáng sau đó được phơi nắng từ 1-2 giờ cho héo. Trà đã héo được vò bằng tay cho xoắn lại rồi đem phơi nắng từ 6-8 giờ cho thật khô. Tiếp đó trà khô được đem sấy (sao) trên bếp lửa than rồi rải đều để nguội. Công đoạn sao trà cũng lắm công phu, đòi hỏi người sao phải có kinh nghiệm, không để quá cháy cũng không quá non, giữ được dưỡng chất và hương vị của trà.

Gìn giữ nét xưa

Thời hưng thịnh diện tích trồng trà Phú Hội lên đến cả trăm hecta, trà được người dân trồng độc canh hoặc xen canh trong các vườn cây ăn trái. Trước năm 1975, ở Phú Hội có các cơ sở chế biến trà quy mô lớn và hàng trăm hộ gia đình rang, ướp trà theo kiểu thủ công.

Với những nỗ lực bảo tồn sản vật quý của quê hương anh hùng cùng mạch nguồn truyền thống vẫn chảy, tin rằng trà Phú Hội sẽ mãi tỏa hương.

So với trước đây, diện tích trồng trà ở Phú Hội đã giảm đi rất nhiều nhưng vẫn giữ được những gốc trà cả trăm năm tuổi. Cây trà đang góp phần mang đến đời sống kinh tế ổn định cho người dân địa phương cũng như giữ gìn nét văn hóa độc đáo, lâu đời của Nhơn Trạch.

Anh Nguyễn Huy Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội, cũng là người khởi xướng Tổ hợp tác Trồng và kinh doanh trà Phú Hội với mong muốn phục hồi vùng trồng thứ trà danh tiếng trên quê hương mình. Anh Sang kể, từ thuở khai hoang lập ấp đã có cây trà rồi. Thời bà của anh đã trồng và pha trà uống mỗi ngày. Lớn lên với vị trà phảng phất trong những câu chuyện buồn vui của gia đình, làng xóm, anh yêu vị trà và mong muốn bảo tồn nghề trồng và kinh doanh trà Phú Hội trên bản đồ trà Việt Nam. Anh cũng tích cực vận động người dân giữ nghề trồng, ướp trà truyền thống, phục hồi lại giống và diện tích trà tại Phú Hội. Đến nay, diện tích trà của tổ hợp tác khoảng 8ha với 32 hộ dân trồng và chế biến. Trà Phú Hội được nhiều người tìm mua và trở thành thức quà quê mang đậm nét đặc trưng của một làng quê còn sót lại trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Nhơn Trạch.

Không chỉ là đặc sản, trà còn là nét đặc trưng của đời sống văn hóa người dân làng Phú Hội, gắn bó từ bao đời và chứng kiến những đổi thay của xứ miệt vườn. Trong mỗi căn nhà ở Phú Hội, bên những bình trà nóng là những câu chuyện, tâm tình, những sẻ chia của người thân, xóm làng. Các hội hè đình đám hay sửa lễ dâng lên tổ tiên đều không thể thiếu trà. Đặc biệt, trà còn được chọn làm sính lễ trong ngày trọng đại của mỗi người. Tiếng thơm trà Phú Hội còn lan xa khắp mọi miền đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài với mong muốn thưởng thức dư vị quê hương.

Những cây trà hàng chục năm tuổi vẫn vươn mình xanh tươi, ẩn mình trong những vườn cây ăn trái và sự bình yên của làng quê Phú Hội. Ngoài kia, Nhơn Trạch vẫn đang chuyển mình đổi thay từng ngày nhưng có lẽ sự xô bồ, vồn vã của nhịp sống đô thị không làm mất đi hương vị của trà Phú Hội.

Thùy Trang - Thảo Nguyên

Tin xem nhiều