Các khu du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh chú trọng khai thác những đặc sản độc lạ hoặc mang dấu ấn địa phương, sản phẩm chăn nuôi an toàn tại nhà vườn như: gà đen, gà rừng, chim trĩ, vịt trời, heo lai rừng… phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của du khách.
Các khu du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh chú trọng khai thác những đặc sản độc lạ hoặc mang dấu ấn địa phương, sản phẩm chăn nuôi an toàn tại nhà vườn như: gà đen, gà rừng, chim trĩ, vịt trời, heo lai rừng… phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của du khách.
Chế biến món gà đen nướng tại Khu sinh thái Phong Phú (xã Thanh Sơn, H.Tân Phú). Ảnh: B.Nguyên |
Theo đó, ngay cả những khu du lịch vùng sâu, vùng xa cũng có nhiều món ngon, độc, lạ được nuôi trồng sạch tại nhà vườn phục vụ du khách, tạo điểm nhấn để thu hút thực khách ghé thăm.
Về vườn ăn đặc sản
Thời gian qua, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch vườn phát triển nhanh trên địa bàn Đồng Nai. Các mô hình du lịch này không chỉ khai thác những lợi thế sẵn có như vườn trái ngon, hoa cảnh đẹp mà ngày càng chăm chút về ẩm thực phục vụ du khách. Trong đó, các món đặc sản giá cao trước đây chủ yếu cung cấp về các nhà hàng, quán ăn sang trọng tại các thành phố lớn nay được các nhà vườn đưa vào thực đơn.
Ngày nay, du khách thích thú đi du lịch vùng quê, về vườn vì được thưởng thức nhiều món ngon được nuôi, trồng tại chỗ. Trong đó, những đặc sản như: heo lai rừng, chim trĩ, gà rừng… thường được nuôi thả tự nhiên trong vườn, trong rẫy, ăn thức ăn rau cỏ ngoài thiên nhiên nên có chất lượng thơm ngon, an toàn.
Khu sinh thái Phong Phú (xã Thanh Sơn, H.Tân Phú) thu hút đông người dân địa phương và du khách khắp nơi tìm đến vì ở đây phục vụ nhiều món đặc sản “không đụng hàng” như: gà đen nướng, chim trĩ tiềm ớt hiểm, thuốc bắc, heo rừng xào lăn, heo rừng nấu mẻ…
Du lịch nông nghiệp là sự kết hợp giữa dịch vụ du lịch và sản xuất nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến công việc nhà nông, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. |
Món mới được thực khách ưa chuộng nhất tại khu du lịch này phải kể đến đặc sản gà đen nướng. Gà đen có đặc điểm giống với tên gọi của nó từ lông, da, thịt, nội tạng đến xương đều có màu đen. Trọng lượng giống gà này thường chỉ hơn 1kg/con; thịt gà rất thơm, dai, da giòn, xương nhỏ nên thực khách thưởng thức một lần là ấn tượng. Thường đầu bếp ướp sẵn, khi khách gọi mới đem gà nướng trên lò than rồi đưa lên bàn ăn còn thơm nức, nóng hổi.
Anh Văn Thành Toàn, chủ vườn hoa Bốn Mùa tại xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) cho hay, ngoài nhu cầu đến đây để ngắm hoa, vui chơi, giải trí, du khách cũng rất thích thú khi được thưởng thức những món ăn ngon, độc đáo. Chính vì vậy, ngoài trồng hoa và vườn cây ăn trái, ở đây có thực đơn với nhiều món đặc sản nhà vườn như gà rẫy, heo lai rừng… để phục vụ du khách. Thời gian tới, vườn hoa Bốn Mùa sẽ liên kết với các hộ làm vườn tại địa phương nhằm hình thành chuỗi dịch vụ khép kín từ tham quan, ăn uống đến mua sắm để phục vụ khách du lịch.
Chị Lê Thị Ngọc Loan, hướng dẫn viên du lịch tại Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ (Vườn quốc gia Cát Tiên) chia sẻ, du khách rất thích thú với những món ăn dân dã mang tính địa phương. Du khách ưa chuộng không chỉ vì đây là những món ăn ngon mà vì tin tưởng đây là thực phẩm sạch khi biết heo lai rừng người dân địa phương nuôi thủ công, cho ăn bằng cám gạo, cám bắp trộn cây chuối hột, rau cỏ trong vườn; gà cũng thả nuôi tự nhiên trong rẫy. Họ không chỉ đến thưởng thức tại chỗ mà có nhu cầu đặt hàng thường xuyên món ngon này về sử dụng.
Đáp ứng nhu cầu nhanh, tiện dụng
Nắm bắt nhu cầu thưởng thức đặc sản an toàn của thực khách ngày nay, nhiều hộ nông dân đang chuyển hướng chăn nuôi để chế biến đặc sản có lợi nhuận cao. Các khu du lịch, hộ kinh doanh đặc sản cũng làm sản phẩm chế biến sẵn để tiện lợi cho thực khách sử dụng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, chủ Khu sinh thái Phong Phú (xã Thanh Sơn, H.Tân Phú) chia sẻ, trước khi đầu tư khu du lịch sinh thái, ông có thú vui nuôi chim, thú cảnh. Khi thấy nhu cầu thị trường về các mặt hàng này tăng lên, ông lập trại nuôi và chuyên cung cấp giống ra thị trường. Khi Khu sinh thái Phong Phú đi vào hoạt động, ông quan tâm sưu tầm thêm nhiều món đặc sản độc, lạ phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách. Hiện nay, Khu sinh thái Phong Phú đang liên kết với nhiều hộ nông dân tại địa phương mở rộng mô hình nuôi con đặc sản theo hình thức cung cấp con giống và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Theo ông Nguyễn Thanh Phong: “Trước đây, các món đặc sản như chim trĩ chủ yếu cung cấp vào các nhà hàng, quán ăn tại những đô thị lớn. Nhưng ngày nay, cùng với mô hình du lịch sinh thái, du lịch vườn không ngừng được mở rộng khắp nơi, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng đặc sản ngay tại các vùng quê cũng tăng nhanh”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Phúc, chủ hộ kinh doanh các sản phẩm đặc sản nhà vườn tại xã Phú Hòa (H.Định Quán) cho hay, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ các món đặc sản ngon, an toàn ngày càng lớn. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiện lợi của người tiêu dùng, cơ sở làm các món ướp sẵn theo công thức riêng và đưa vào cấp đông. Người mua về chỉ cần xả đông, đem xào hoặc nấu lên là thưởng thức được ngay. Trong đó, các món chế biến theo cách dân dã như: heo rừng xào lăn, heo rừng nấu mẻ, lẩu chim trĩ… đang là sản phẩm thế mạnh của cơ sở.
Bà Hồng Phúc chia sẻ thêm: “Chim trĩ thời xưa là món ngon dành cho vua chúa vì rất bổ dưỡng. Hiện nay, đây chưa phải là món ăn phổ biến nên nhiều bà nội trợ sẽ bối rối trong cách chế biến. Tôi làm món chim trĩ tiềm ớt hiểm cùng các gia vị như táo tàu, kỷ tử được ướp sẵn, bán kèm với nước lẩu pha chế sẵn, thực khách chỉ nấu lên là được thưởng thức ngay món ngon bổ dưỡng”.
Hiện nuôi chim trĩ, nhím, gà Đông Tảo, gà rừng, gà thảo mộc… đang thu hút được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Mô hình này đang cho lợi nhuận tốt vì có đầu ra là các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng từ miền quê đến các khu đô thị lớn. |
Bình Nguyên - Ngọc Liên