Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuẩn thị trường cao cấp

09:03, 11/03/2023

Ông PETER PRINS, Giám đốc Công ty Land Food Water, Cố vấn trưởng dự án Nâng cao chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam là người có nhiều đóng góp cho việc nâng chất lượng trái cây Việt Nam. Mong muốn của ông là giúp nông dân sản xuất trái cây tại Việt Nam có thể đưa sản phẩm xuất khẩu vào những thị trường cao cấp.

Ông PETER PRINS, Giám đốc Công ty Land Food Water, Cố vấn trưởng dự án Nâng cao chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam là người có nhiều đóng góp cho việc nâng chất lượng trái cây Việt Nam. Mong muốn của ông là giúp nông dân sản xuất trái cây tại Việt Nam có thể đưa sản phẩm xuất khẩu vào những thị trường cao cấp.

Ông Peter Prins
Ông Peter Prins

Dự án Nâng cao chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam do Chính phủ Hà Lan tài trợ với các hoạt động đào tạo, hỗ trợ công nghệ và thực hành trên đồng ruộng… để sản phẩm trái cây Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn thị trường quốc tế đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã.

Hỗ trợ nông dân từ sản xuất

* Xin ông chia sẻ thêm về dự án Nâng cao chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam?

- Dự án viện trợ cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để triển khai vào thực tế tại 4 tỉnh gồm: Bình Thuận, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp. Mục tiêu nâng cao chất lượng 3 loại trái cây là thanh long, xoài, bưởi da xanh để có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Chúng tôi liên kết các đối tác của Hà Lan và Việt Nam để cùng nhau thực hiện mục tiêu này.

Qua khảo sát tại Đồng Tháp, Ban Quản lý dự án đã chọn 1 hộ nông dân trồng xoài ở xã Hòa An, TP.Cao Lãnh có đủ điều kiện tham gia dự án và mời 25 nông dân trồng xoài làm nòng cốt tiếp cận phương pháp canh tác. Qua gần 1 năm hoạt động, dự án đã mang lại cho nông dân nhiều kiến thức bổ ích, nhất là những kỹ thuật cần thiết về quản lý trồng xoài theo quy trình. Dự án đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho trên 100 nông dân tích cực tham gia tại 4 tỉnh; mở 1 lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật của hội nông dân và ngành Nông nghiệp tham gia. Ví dụ, chương trình Ngày công nghệ trái cây sáng tạo vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp là dịp để nông dân trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, đồng thời quảng bá những lợi ích mà dự án mang lại cho người nông dân trồng xoài; tăng cường mối quan hệ, hợp tác giữa người sản xuất với các đối tác, nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào; tiếp cận với các doanh nghiệp (DN), HTX đã có kinh nghiệm xuất khẩu.

Ở mỗi tỉnh, chúng tôi tập hợp đội ngũ nông dân để thực hiện mô hình trồng, hướng dẫn cho nông dân về tưới tiêu, sử dụng phân bón và quản trị dịch hại. Mục tiêu là mang lại giá trị gia tăng cao, chi phí sản xuất thấp.

Theo ông NGUYỄN HOÀNG BẢO, phụ trách sản phẩm, nhánh khoa học cây trồng của Công ty TNHH Bayer Việt Nam (TP.Biên Hòa), vấn đề lo lắng nhất của người tiêu dùng là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây. Mặt khác, áp lực dịch hại tại Việt Nam rất lớn. Giải pháp đưa ra là phải chọn loại thuốc an toàn, phù hợp với cây trồng. DN rất quan tâm đưa ra các giải pháp giúp nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, quản lý tốt dịch hại để giảm tần suất phun thuốc giúp cho trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây cũng là những nội dung chính khi DN tham gia dự án Nâng cao chất lượng cây ăn quả nhiệt đới Việt Nam. Thời gian tới, Bayer sẽ giới thiệu những mô hình sản xuất cây ăn trái của Đồng Nai tham gia dự án trên.

* Vì sao trong các cuộc hội thảo ông hay nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp cải tạo cho đất khỏe?

- Đối tác dự án của chúng tôi có phòng kiểm nghiệm đất tại khắp các quốc gia trên thế giới để thực hiện việc kiểm tra, phân tích kỹ mẫu đất. Mới đây, họ đã đầu tư phòng kiểm nghiệm đất tại Việt Nam. Vì dân số thế giới ngày càng tăng, cần sản xuất nhiều hơn để tăng sản lượng nông sản. Trong tổ chức sản xuất, không quản lý được thì người tiêu dùng sẽ không tiếp cận được sản phẩm tốt.

 Ngoài ra, việc sử dụng phân bón thông minh hơn cũng rất quan trọng vì phân bón là yếu tố tốn khá nhiều chi phí nên việc biết được cây trồng cần sử dụng phân bón nào sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Tiếp theo, nông dân cần có giải pháp giúp cho đất màu mỡ, cây cối phát triển tốt. Đây là mục tiêu của dự án và cũng là yêu cầu trong chương trình phát triển bền vững của LHQ. Cải tạo cho đất khỏe sẽ giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên nước, đất được tái tạo, tăng năng suất, chất lượng nông sản và ngăn được các rủi ro về xuất khẩu.

Khắc phục điểm yếu khâu bảo quản

* Điểm yếu về khâu thu hoạch, bảo quản ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu trái cây của Việt Nam, thưa ông?

- Các nhà nhập khẩu trái cây nhiệt đới của Hà Lan đưa trái cây Việt Nam đến EU bằng máy bay và tàu thủy. Vận chuyển đến các thị trường xa bằng tàu mất khoảng 4 tuần. Trong thời gian đó, 20% trái cây hao hụt do thối rữa. Tôi rất thích trái thanh long của Việt Nam và luôn trăn trở khi nhiều lô hàng thanh long nhập khẩu đến cảng ở EU đã bị hư hỏng mất gần một nửa. Tôi từng hỏi DN nhập khẩu về giải pháp cho vấn đề này nhưng họ thường không quan tâm mà sẽ tìm đối tác có sản phẩm tốt hơn.

Cùng với tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, chúng tôi đang thực hiện chương trình nâng cao chất lượng trái thanh long. Người trồng cung cấp nước và phân bón dựa trên cảm tính của họ nên thường cung cấp quá nhiều. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng trái cây và tăng chi phí sản xuất. Qua quá trình triển khai dự án, chúng tôi muốn cung cấp cho người trồng cái nhìn rõ nét về mối quan hệ giữa bón phân, tưới tiêu và chất lượng của trái cây.

Các nhà vườn đã thực hiện tốt khâu nuôi trồng để cho trái ngon nhưng cũng phải chú trọng làm tốt các khâu thu hoạch, bảo quản. Trong đó, chú trọng khâu quản trị tổng hợp, cụ thể có hệ thống làm lạnh và đóng gói tốt hơn. Phát hiện nấm mốc kịp thời cũng có thể giúp phân loại trái cây tốt và trái cây bị ảnh hưởng. Các kỹ thuật phân tích mới mang lại nhiều triển vọng.

Các chuyên gia của dự án Nâng cao chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam làm việc với nông dân tại tỉnh Long An. Ảnh: NVCC
Các chuyên gia của dự án Nâng cao chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam làm việc với nông dân tại tỉnh Long An. Ảnh: NVCC

* Xin ông chia sẻ thêm về câu chuyện hợp tác trong mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam vào EU?

- Tôi đã nghiên cứu về DN xuất khẩu trái cây tại Việt Nam và DN nhập khẩu của EU để nắm rõ yêu cầu của thị trường. Đó là những yếu tố rất quan trọng vì người tiêu dùng EU rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm và canh tác bền vững… Sau dịch Covid-19, những thách thức, yêu cầu của thị trường này ngày càng gia tăng.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức khóa tập huấn tiếp cận thị trường EU chuyên sâu cho các DN và HTX có định hướng xuất khẩu tham gia. Trong khóa học này, chuyên gia từ các công ty tại Hà Lan sẽ tập huấn cho các DN, HTX Việt Nam về các điều kiện tham gia thị trường. Phần sau của khóa học dự kiến sẽ đưa các học viên sang Hà Lan để gặp gỡ trực tiếp các đơn vị nhập khẩu và đối tác logistics để kết nối.

Dự án cũng dự định sẽ mở lớp nâng cao cho các DN xuất khẩu, cung cấp thông tin về chất lượng, tiêu chuẩn của thị trường EU. Tôi mong là thời gian tới có nhiều DN quan tâm, liên hệ để tham gia các lớp này.

* Xin cảm ơn ông!

Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hà Lan - Việt Nam. Hà Lan đã và đang tiếp tục là đối tác của Việt Nam với những sản phẩm, công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với cam kết thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và rau, hoa, trái nói riêng theo chuỗi giá trị bền vững và ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu.

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều