Tỉnh Bình Định được xem là nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ quốc ngữ với 2 điểm đến là cơ sở truyền giáo Nước Mặn và Nhà in Làng Sông (nằm trong khuôn viên Tiểu chủng viện Làng Sông) ở xã Phước Thuận, H.Tuy Phước.
Tỉnh Bình Định được xem là nơi lưu dấu hành trình đầu tiên của chữ quốc ngữ với 2 điểm đến là cơ sở truyền giáo Nước Mặn và Nhà in Làng Sông (nằm trong khuôn viên Tiểu chủng viện Làng Sông) ở xã Phước Thuận, H.Tuy Phước.
Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận, H.Tuy Phước, tỉnh Bình Định) có sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc cổ châu Âu và cảnh làng quê Việt Nam gần gũi. Ảnh: B.Nguyên |
Các giáo sĩ Dòng Tên đến và lập cơ sở tại Nước Mặn được xem là bắt đầu quá trình phôi thai, hình thành chữ quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII. Hơn 200 năm sau, nhà in Làng Sông ra đời, là một trong 3 nhà in đầu tiên của nước ta in chữ quốc ngữ. Với giá trị văn hóa, lịch sử đó, Tiểu chủng viện Làng Sông và Nhà in Làng Sông trở thành điểm nghiên cứu văn hóa, điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.
* Trung tâm truyền bá chữ và văn học quốc ngữ đầu tiên
Theo bài viết Nhà in Làng Sông - Trung tâm truyền bá chữ quốc ngữ và văn học quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam của tác giả Nguyễn Thanh Quang (in trong sách Chữ Quốc ngữ từ Nước Mặn đến Làng Sông nhân kỷ niệm 400 năm chữ quốc ngữ của nhóm tác giả GS Phan Huy Lê, Nguyễn Thanh Quang, linh mục Võ Đình Đệ, TS Trương Anh Thuận do NXB Đồng Nai phát hành), Tiểu chủng viện Làng Sông được thành lập trong khoảng thời gian từ sau năm 1841 và trước năm 1850. Qua nhiều lần tu sửa, đến năm 1925, Tiểu chủng viện này được khởi công xây cất kiên cố bằng tường xây, mái ngói thay thế những ngôi nhà tranh cũ.
Nhà in Làng Sông được Giám mục Eugène Charbonnier Trí thành lập năm 1868 trong khuôn viên Tiểu chủng viện Làng Sông. Năm 1904, Giám mục Damien Grangeon Mẫn tái thiết. Ấn phẩm cuối cùng của Nhà in Làng Sông in vào tháng 12-1953. Như vậy, sau gần một thế kỷ hoạt động, Nhà in Làng Sông đã có những đóng góp quan trọng trong việc truyền bá chữ quốc ngữ và văn học quốc ngữ vào nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.
Trong đó, dưới thời Giám đốc Paul Maheu, linh mục từng học về in ấn tại Hong Kong (1904-1913 và 1919-1927) là thời kỳ cực thịnh của Nhà in Làng Sông. Với người quản lý giỏi kỹ thuật in ấn, hệ thống máy được trang bị mới, khổ in rộng, một số lượng sách báo rất lớn đã được nhà in ấn hành.
Thông qua tờ tin của Nhà in Làng Sông, Giáo phận đã rao truyền việc thành lập trường Quốc ngữ, mỗi địa hạt ít nhất một trường; kêu gọi, khuyến khích tất cả trẻ em trong và ngoài bổn đạo đến trường, trong đó giúp đỡ học trò nghèo được đi học. Ngoài hệ thống trường công lập của nhà nước, theo thống kê trong Mémorial de Qui Nhơn tháng 2-1927, địa phận Đông Đàng Trong có tất cả 60 trường Quốc ngữ do giáo phận lập. Riêng tỉnh Bình Định chiếm hơn một nửa là 31 trường với các môn học như: Tập viết, bài đọc quốc ngữ, bài đọc thường thức, chính tả, từ vựng, toán số học, đo lường, hình học, thường thức, địa lý, lịch sử, đạo đức, hội họa. Nhà in Làng Sông đáp ứng sách học quốc ngữ cho hệ thống trường Quốc ngữ Đông Đàng Trong lúc bấy giờ.
Ở lĩnh vực văn học quốc ngữ, Nhà in Làng Sông đã in một số lượng lớn tác phẩm của các cây bút nổi tiếng Nam bộ lúc bấy giờ như: Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, 30 đầu sách của Lê Văn Đức gồm nhiều thể loại: Tây hành lược ký, Đi săn bắt cướp (tuồng), Tìm của báu (tiểu thuyết), Chúa hài nhi ở thành Nazarét (kịch), Du lịch Xiêm…
Số lượng sách quốc ngữ in tại Nhà in Làng Sông lên đến hàng ngàn bản. Theo thống kê của Thư viện Quốc gia (Hà Nội) hiện đang lưu giữ 241 đầu sách của Nhà in Làng Sông, hầu hết là sách quốc ngữ, một số ít tiếng Pháp, quyển sớm nhất in năm 1910, quyển muộn nhất in năm 1944.
Cơ sở nhà in cùng một số kiến trúc khác của Tiểu chủng viện Làng Sông từng bị phá hủy trong chiến tranh sau này được phục dựng lại. Nhà in phục dựng lại hiện được sử dụng làm Nhà trưng bày giới thiệu những hình ảnh, tư liệu cũng như những ấn phẩm của nhà in xưa.
* Biểu tượng văn hóa của Bình Định
Tiểu chủng viện Làng Sông (còn gọi là Lòng Sông đọc theo người địa phương) là nơi đào tạo các tu sinh trước khi họ học lên tiếp tại đại chủng viện để trở thành linh mục. Tiểu chủng viện được xây dựng trên một gò đất cao nằm giữa vùng đồng lúa bát ngát, lối vào chính là hai hàng cây sao hơn trăm năm tuổi rợp bóng mát. Khung cảnh làng quê Việt Nam yên bình kết hợp với lối kiến trúc Gothic châu Âu cổ kính, lãng mạn tạo nên nét độc đáo, ấn tượng của Tiểu chủng viện Làng Sông.
Nhà trưng bày giới thiệu những hình ảnh, tư liệu của Nhà in Làng Sông. Ảnh: B.Nguyên |
Ông Nguyễn Hoàng Nhân, hướng dẫn viên tổ chức tour du lịch cho đoàn khách đến tỉnh Bình Định cho biết, nhà thờ Làng Sông là điểm du lịch mới, có nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc hấp dẫn du khách. Ở đây mỗi mùa một vẻ nhưng đều có vẻ đẹp “không đụng hàng” từ mùa lúa non hay thời điểm lúa chín vàng. Đặc biệt vào mùa mưa, Tiểu chủng viện nổi bật trên cánh đồng nước mênh mông bao quanh. Ông Nguyễn Hoàng Nhân chia sẻ: “Sau những trận mưa lớn, khuôn viên nhà thờ ngập nước trở thành tấm gương lớn phản chiếu khiến công trình kiến trúc cổ kính, lãng mạn này càng thêm lung linh, ấn tượng. Tôi thường tổ chức cho đoàn khách tham quan nhà thờ Làng Sông vào buổi chiều yên ả, gió thổi mát rượi. Đây cũng là nơi lý tưởng để du khách ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp”.
Theo một nữ tu sĩ tại Tiểu chủng viện Làng Sông, mỗi ngày nhà thờ mở cửa từ 7 giờ đến 11 giờ 30 và 14 giờ đến 17 giờ 30. Khách có thể tự do vào tham quan nhưng phải tuân thủ một số nội quy như ăn mặc lịch sự, giữ yên lặng... Khu trưng bày Nhà in Làng Sông không mở cửa đón khách, du khách nào muốn tham quan cần liên hệ trước với nhà thờ để có người hướng dẫn.
Theo thống kê trong Mémorial de Qui Nhơn năm 1922, Nhà in Làng Sông đã in 18 ngàn tờ báo định kỳ, 1 ngàn bản sách các loại, 32 ngàn ấn phẩm khác. Riêng Báo Lời thăm có 2 số/tháng, mỗi số ra 1,5 ngàn bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của Nhà in Làng Sông trong năm lên đến gần 63,2 ngàn ấn phẩm với trên 3,4 triệu trang in. |
Bình Nguyên