Nhằm đối phó với công luận quốc tế lên án việc thực hiện chính sách ngu dân để dễ trị tại các thuộc địa, từ đầu thế kỷ XX, bọn thực dân cầm quyền ở Việt Nam bắt đầu mở ra các hình thức phát triển giáo dục. Hơn thế nữa, Chính phủ Pháp còn trao huân chương, huy chương cho những người có công trong lĩnh vực này.
Nhằm đối phó với công luận quốc tế lên án việc thực hiện chính sách ngu dân để dễ trị tại các thuộc địa, từ đầu thế kỷ XX, bọn thực dân cầm quyền ở Việt Nam bắt đầu mở ra các hình thức phát triển giáo dục. Hơn thế nữa, Chính phủ Pháp còn trao huân chương, huy chương cho những người có công trong lĩnh vực này.
Thầy giáo Hồ Văn Tam |
Ở tỉnh Biên Hòa, thầy giáo Hồ Văn Tam là người được trao Médaille d’Honneur et la discipline de I’Indochine (Huy chương Danh dự và kỷ luật của Đông Dương), Médaille de I’instruction Publique de I’Indochine (Huy chương Giáo dục). Đặc biệt, Viện Hàn lâm Pháp còn trao cho ông Palme de I’Académie (Huân chương bội tinh với Nhành Dương Liễu).
20 con cháu trong gia tộc đều làm nghề giáo
Thầy Hồ Văn Tam sinh năm 1905 tại làng Bình Trước, Q.Châu Thành, tỉnh Biên Hòa trong một gia đình sinh sống bằng công việc ruộng đồng. Cha thầy Tam là ông Hồ Văn Ngói (sinh năm 1875) - một nông dân đặc sệt, chưa bao giờ ôm sách đến trường, nên hoàn toàn không biết một chữ bẻ đôi nhưng luôn mong muốn các con của mình được học hành đến nơi đến chốn. Để vun đắp ước mơ làm rạng rỡ tổ tiên bằng con đường chữ nghĩa của con cháu, ông Ngói dồn sức làm việc ngày đêm nên mất năm 1924, lúc mới 49 tuổi, để lại đàn con 7 người toàn là trai cho vợ là bà Trần Thị Hương, nhỏ hơn ông 5 tuổi.
Ông Hồ Văn Tam có 5 người con, thì hết 4 người là giáo viên… |
Gánh nặng trên vai, bà Hương (sinh năm 1880) vẫn cùng các con tiếp tục hiện thực giấc mơ của chồng. Người con cả - Hồ Văn Thể (sinh năm 1903) sau khi đậu bằng Certificat d’Etudes Primaires Franco-Indigènes (Sơ đẳng tiểu học) liền thi vào Trường Ecole Technique Saigon. Học đến năm thứ 2 thì cha mất, trò Thể phải về Biên Hòa phụ mẹ nuôi các em. Trò Thể trở thành thầy giáo đi dạy học và xoay xở kiếm tiền để cho các em tiếp tục con đường học vấn.
Trò Hồ Văn Tam sau khi đậu Sơ đẳng tiểu học lên Sài Gòn học thêm 4 năm lấy 2 bằng: Diplome d’Etudes Primaires supérieures Franco-Indigènes (Thành chung) và Brevet élémentaire (Sư phạm sơ cấp).
Trò Hồ Văn Công (sinh năm 1908) học Trường Chasseloup Laubat đậu Tú tài Pháp. Những người con còn lại của ông Ngói như: Hồ Văn Tâm (sinh năm 1913), Hồ Văn Leo (sinh năm 1915), Hồ Văn Mên (sinh năm 1920), Hồ Văn Thế (sinh năm 1922) đều được các anh lớn tiếp tục nuôi cho ăn học đến nơi đến chốn.
Trong cuốn sách 310 năm giáo dục - đào tạo Biên Hòa Đồng Nai (NXB Đồng Nai, 2010), nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Quang Huy nhận xét: “Xưa nay, ở Đồng Nai không hiếm những gia đình “công thành danh toại”. Nhưng với gia đình ông Hồ Văn Ngói, sự đặc biệt không phải ở chỗ chức tước hay giàu sang. Người cha - lão nông tri điền, song các con một thời lại là những người giàu chữ nghĩa nhất làng Bình Trước (TP.Biên Hòa ngày nay), đóng góp nhiều công sức cho quê hương, nhất là đối với sự nghiệp trồng người”.
Theo đó, tính ra trong “đại gia đình” ông Hồ Văn Ngói - Trần Thị Hương có hơn 20 người là con, cháu làm nghề giáo. Trong đó ông Hồ Văn Thể có 3 trong số 5 người con là giáo viên.
Đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục Biên Hòa
Thầy giáo Hồ Văn Tam được đánh giá là “người có đóng góp to lớn nhất cho sự nghiệp giáo dục ở Biên Hòa”. Là một trong số rất hiếm những người cùng lúc đậu cả 2 bằng Thành chung và Sư phạm, năm 1926 Hồ Văn Tam rời Sài Gòn về lại Biên Hòa nhận việc. Thầy được về Trường Phước Thiền ở Q.Long Thành (nay thuộc địa bàn H.Nhơn Trạch) dạy lớp Nhứt (Cours supérieur). 2 năm sau, thầy giáo Tam được rút về dạy tại Ecole Primaire complémentaire (Trường tiểu học tỉnh Biên Hòa). Suốt 20 năm chuyên dạy lớp Nhứt, đến năm 1948 thầy Tam được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng rồi sau đó kiêm nhiệm thêm chức vụ Thanh tra tiểu học và tiếp đến là Phó ty Giáo dục tỉnh Biên Hòa. Trong vai trò này, vào năm 1950 thầy giáo Hồ Văn Tam đã ra sức vận động nhà cầm quyền cho xây thêm 3 trường học mới ở Biên Hòa với danh nghĩa là École des Quartiers (Trường địa hạt) gồm: Trường sơ cấp Đồ Chiểu ở khu vực Phước Lư - Hãng Dầu (nay là trụ sở Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai), Trường sơ cấp Trịnh Hoài Đức, Trường sơ cấp Nguyễn Khắc Hiếu.
Năm 1954, thầy Hồ Văn Tam lại thuyết phục thành công việc đổi tên trường Ecole Primaire complémentaire thành Trường tiểu học Nguyễn Du. Với nỗ lực to lớn và bằng sự kiên trì vận động của nhà giáo Hồ Văn Tam, lần đầu tiên một trường trung học công lập được ra đời ở Biên Hòa được đặt theo tên danh nhân lịch sử Việt Nam là Ngô Quyền. Trường trung học Ngô Quyền được xem là có mặt sớm nhất ở miền Đông Nam bộ.
Đến năm 1962, khi nghỉ hưu, nhà giáo Hồ Văn Tam đã dạy dỗ cho rất nhiều thế hệ học trò ở Biên Hòa. Trong số đó có rất nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực xã hội.
Tham gia cứu quốc và kiến quốc
Trong số những người con của lão nông Biên Hòa Hồ Văn Ngói không chỉ có Hồ Văn Tam thành danh trong lĩnh vực giáo dục, người con cả của ông Ngói là thầy giáo Hồ Văn Thể là người đã hiến ngôi nhà và mảnh đất của mình ở cạnh suối Linh, ấp Vĩnh Cửu, xã Tam Hiệp để Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa mở Trại du kích khai giảng lớp đào tạo cán bộ chính trị, quân sự (tiền thân của Trường Quân chính Quân khu 7) chỉ 3 ngày sau khi quân Pháp quay lại nổ súng đánh chiếm Sài Gòn và Xứ ủy ra lời kêu gọi toàn dân Nam bộ nhất tề đứng lên kháng chiến. Sau đó, thầy giáo Thể trở thành Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến xã Tam Hiệp.
Một người con khác của ông Ngói là Hồ Văn Leo tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, tập tành làm báo với những nhân vật tên tuổi như Dương Bạch Mai, Nguyễn Hửu Thế… tại Báo Le Peuple (Dân chúng). Năm 1945, ông Leo trở lại Biên Hòa thành lập Quận ủy Châu Thành và được cử làm Bí thư Quận ủy đầu tiên.
Hai người anh của ông Leo là Hồ Văn Công và Hồ Văn Tâm cũng đều tham gia cách mạng từ những năm 1930, khi còn đang học tại Sài Gòn. Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Hồ Văn Tâm trở thành Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến tỉnh Tây Ninh; sau đó ông làm Trưởng ban Do thám tối cao quân sự miền Đông và tiếp tục hoạt động trong mạng lưới tình báo chiến lược.
Người con út của ông Ngói là Hồ Văn Thế, khi cha mất chỉ mới 2 tuổi, được các anh nuôi dưỡng, cho ăn học, sau khi đậu Thành Chung qua Bến Cát (Bình Dương) học Trường Canh nông. Sau đó lên học Trường Nông lâm súc Bảo Lộc. Ở xứ sương mù này, Hồ Văn Thế bắt đầu tham gia cách mạng. Vào năm 1945 lịch sử, ông Thế xuất hiện tại chính quê nhà trong vai trò lãnh đạo Thanh niên Cứu quốc tham gia cướp chính quyền tỉnh Biên Hòa. Xét ra, có thể xem Hồ Văn Thế (1922-1996) là Bí thư Tỉnh đoàn đầu tiên của Biên Hòa - Đồng Nai. Đặc biệt, ông Thế thông thạo 4 ngoại ngữ Pháp, Anh, Nga, Đức, từng là Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary và sau năm 1975 là Chủ tịch Hội đồng Trọng tài kinh tế TP.HCM...
Lê Biên Hùng