Về vị thế tự nhiên, ở góc nhìn văn hóa, cố GS Trần Quốc Vượng xác định, Đông Nam bộ là vùng "Địa kinh tế - chính trị - văn hóa" có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.
Về vị thế tự nhiên, ở góc nhìn văn hóa, cố GS Trần Quốc Vượng xác định, Đông Nam bộ là vùng “Địa kinh tế - chính trị - văn hóa” có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.
Giáo dục truyền thống cho học sinh phổ thông. Ảnh: Lâm Cón |
Theo Nghị quyết 53/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận 27/KL-TW của Bộ Chính trị khóa XI “cần phải huy động tối đa nguồn lực cho phát triển của vùng Đông Nam bộ”.
* Mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội
Trong các nguồn lực được huy động, cần chú ý đến nguồn lực văn hóa. Nguồn lực văn hóa được hiểu là hệ thống các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể cấu thành sức mạnh trong phát triển. Các nguồn lực ấy có giá trị chung của đất nước và bản sắc của vùng Đông Nam bộ cần được nhận diện đầy đủ và phát huy tối đa.
Gọi là “địa kinh tế” do Đông Nam bộ có địa hình dốc thoải, nối cao nguyên Di Linh với đồng bằng Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ. Sinh thái đa hệ: núi - đồi - rừng - vườn - sông - biển. Hệ thống sông Đồng Nai dòng chảy nội sinh, nước lành quanh năm đủ cho sinh hoạt cộng đồng và phát triển các khu công nghiệp. Giao thông thuận lợi cả về không - thủy - bộ. Thổ nhưỡng giàu phù sa; khí hậu mưa nắng ôn hòa; tài nguyên mặt nước, lòng đất, đủ cho khai thác, phát triển công nghiệp. Có thể nói, đây là vùng “đất lành”, hội đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, thuận cho phát triển kinh tế, cũng thuận cho giao thương và giao lưu văn hóa.
Với các đặc điểm về “địa kinh tế - chính trị - văn hóa” chính là nguồn lực lợi thế của phát triển vùng Đông Nam bộ, nếu phát huy đầy đủ, hợp lý sẽ là động lực thúc đẩy Đông Nam bộ phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, bản sắc. |
Đông Nam bộ cũng là vùng “địa chính trị”. Đây là nơi khởi đầu, cũng là trung tâm định cư, tích hợp và tiếp biến văn hóa của lớp cư dân Việt “tiền khai canh” ở Nam bộ. Đông Nam bộ là nơi diễn tập tiền Cách mạng Tháng Tám, khởi đầu Nam bộ kháng chiến, nhiều sự khởi đầu sáng tạo trong kháng chiến chống xâm lược; cũng là nơi có nhiều “bi kịch” trong giải quyết mâu thuẫn giữa phép nước và lòng dân, giữa nếp cũ và đổi mới.
Về mặt “địa văn hóa”, Đông Nam bộ có những đặc điểm đáng lưu ý: Giao thoa văn hóa nhiều nguồn khác nhau; chủ nhân văn hóa do hội nhập, cộng cư từ người tại chỗ - người Việt - người Hoa; thể hiện tính cộng đồng ở 2 loại công xã: công xã buôn làng (vùng núi) và công xã xóm làng (miệt vườn), giao lưu mật thiết với nhau, không xung đột; tính chất mở, làng mở, mở lòng với đặc điểm ứng xử văn hóa hỗn dung, hòa nhập, tích hợp, tiếp biến với nhiều dòng mạch văn hóa; trong phát triển có tính bền vững và cũng nhiều nguy cơ mai một.
Về di sản văn hóa, đây cũng là nguồn lực tài nguyên quý hiếm ở Đông Nam bộ. Theo GS Trần Quốc Vượng, có một nền “cổ văn minh” từng tồn tại và phát triển rực rỡ ở Đông Nam bộ. Nền văn minh cổ ấy có họ hàng với văn minh Phù Nam - Óc Eo - Chămpa; niên đại từ thời đá cũ; hưng thịnh thời sơ kỳ kim khí có niên đại vài ngàn năm trước với các địa danh: Cầu Sắt, Dốc Chùa, Suối Chồn, Cái Lăng, Cái Vạn, Bưng Bạc, Giồng Phệt…
Các nhà khảo cổ thống nhất cho rằng, có một trung tâm - công trường luyện kim (đồng, sắt) từ vài ngàn năm trước đây không chỉ để sử dụng nội vùng, còn để giao thương với các vùng khác trong không gian rộng lớn hơn.
GS Trần Quốc Vượng đã vẽ sơ đồ giao lưu văn hóa - kinh tế giữa Đông Nam bộ với Tây nguyên, Sa Huỳnh, Tây Nam bộ; không gian văn hóa ở Đông Nam bộ phản ảnh cấu trúc: thánh địa Cát Tiên - sông Đồng Nai, thành Biên Hòa - cảng thị Cần Giờ. Đó là cấu trúc chung của các nền văn cổ Việt Nam: núi (thánh địa) - sông (thành) - biển (cảng thị). Vậy nên, trong quy hoạch phát triển ở Đông Nam bộ hiện nay, cần chú ý tính liên ngành, liên khu vực trong không gian văn hóa rộng lớn hơn địa giới hành chính hiện hành, có cấu trúc tích hợp các thành tố văn hóa xưa và nay, thuộc các vùng miền núi - miệt vườn - miệt biển, của các chủ thể bản địa và người Việt - Kinh, Hoa, Hẹ hội nhập từ thế kỷ XVII.
Hệ thống di sản văn hóa lịch sử cách mạng đa dạng trên địa bàn cũng là nguồn lực quan trọng trong tài sản văn hóa cần kết nối liên vùng của miền Đông gian lao, anh dũng.
Phát huy nguồn lực di sản văn hóa chính là việc nghiên cứu đầy đủ, xác minh khoa học, bảo vệ trường tồn, đánh thức các giá trị đã có trong đời sống hiện tại, hướng đến tương lai, quảng bá hình ảnh của đất nước, thu hút du khách, đóng góp hương sắc vào di sản văn hóa nhân loại.
* Gìn giữ giá trị văn hóa
Trong hành trình phát triển, Đông Nam bộ là một trong những trung tâm định cư đầu tiên, cũng là trung tâm văn hóa đầu tiên được người Việt thiết lập ở phương Nam; đơn vị hành chính nhiều lần thay đổi nhưng chỉ thay đổi ở bộ máy cầm quyền; cơ sở kinh tế, văn hóa ở xã, thôn không bị xáo trộn; đời sống văn hóa luôn mang tính liên vùng không bị chia cắt hoặc lệ thuộc vào địa giới hành chính. Chiến sự liên miên tàn phá làm văn hóa cổ truyền biến dạng, đồng thời cũng tiếp biến với văn hóa Âu Tây theo hướng văn minh hóa, kỹ thuật hóa.
Lịch sử hình thành và phát triển Đông Nam bộ tạo ra nguồn lực mang tính quy luật của sự kết tinh và tiếp biến trong phát triển; đó là sự gìn giữ, duy trì, bảo vệ các giá trị cốt lõi, tiếp thu cái mới trong giao lưu văn hóa ngoại vùng, ngoại quốc, dễ hội nhập mà khó xa cội quên nguồn.
Nguồn nhân lực để phát triển văn hóa ở Đông Nam bộ có đặc điểm là đa nguồn cư dân, đa dòng mạch văn hóa.
Quá trình hình thành cộng đồng dân tộc ở Đông Nam bộ thực chất là quá trình hợp cư bởi các đợt di dân qua các thời kỳ. Làng ở Đông Nam bộ là làng khai phá, không khép kín trong lũy tre làng, tổ chức hành chính - xã hội đơn giản, không phân biệt ngụ cư, dễ tiếp nhận thành viên mới và cũng dễ thay đổi cơ cấu.
Chính tính chất hợp cư từ nhiều dân tộc, nhiều đợt di dân với mục đích và lý do khác nhau đã hình thành sắc thái đa nguồn văn hóa của Đông Nam bộ với đặc tính cởi mở, đa hệ, hỗn dung, dễ thâm nhập những nhân tố mới nhưng khó phai mờ những yếu tố cội nguồn.
Các nguồn lực về tài vật ở Đông Nam bộ có ưu thế lớn bởi nơi đây kinh tế phát triển, dễ làm ăn, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, nguồn thu ngân sách lớn nên nguồn lực tài lực đầu tư từ trong dân cũng như từ ngân sách đều thuận lợi. Vì vậy, phát huy nguồn lực tài vật trong dân, của dân là lợi thế cũng là đặc điểm trong chính sách đầu tư, phát triển.
Về nguồn ngoại lực, cũng vậy, Đông Nam bộ có lợi thế về phát triển kinh tế, ngoại giao, hội nhập nên nguồn ngoại lực dồi dào, đa dạng, phong phú. Nếu khéo huy động sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để phát triển văn hóa văn hóa ở Đông Nam bộ nhanh vươn đến mục tiêu giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Nguồn lực để phát triển văn hóa ở Đông Nam bộ dồi dào, hội đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, giàu giá trị và tiềm năng, đang có nhiều di sản và lợi thế; giàu bản sắc của vùng Đông Nam bộ với những đặc điểm: khả năng giao lưu, kết tinh văn hóa từ nhiều dòng, nhiều lớp, gìn giữ được yếu tố cốt lõi của cội nguồn, tiếp thu nhanh tinh hoa văn hóa của nhân loại, phóng khoáng trong cư xử, khoan dung, rộng mở trong sinh hoạt xã hội; năng lực ứng xử nhạy bén, dễ thích ứng với cái mới, năng động linh hoạt trong phát triển, áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong thời đại kỹ thuật số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Huỳnh Văn Tới