Hiện nay, có bến đò nào còn hoạt động không sau khi bến phà An Hảo (TP.Biên Hòa) được thay bằng chiếc cầu An Hảo vô cùng tiện lợi? Xin thưa ngay rằng, còn - đó là bến đò Kho và bến đò Long Kiểng.
Hiện nay, có bến đò nào còn hoạt động không sau khi bến phà An Hảo (TP.Biên Hòa) được thay bằng chiếc cầu An Hảo vô cùng tiện lợi? Xin thưa ngay rằng, còn - đó là bến đò Kho và bến đò Long Kiểng.
Bến phà An Hảo, bến phà quy mô nhất ở TP.Biên Hòa khi còn hoạt động. Ảnh: HOÀNG LỘC |
Bến đò Kho từ cuối đường Đỗ Văn Thi ở cù lao Phố (P.Hiệp Hòa) qua P.Bình Đa, kết nối với đường Trần Quốc Toản. Bến đò Long Kiểng cũng từ cù lao Hiệp Hòa qua P.Tam Hiệp, bến phía Tam Hiệp gần khu vực Trường THPT Tam Hiệp.
Theo các lão ông ở cù lao Phố và thư tịch, đọc Long Kiểng là do kỵ húy Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh.
Mặc dù 2 bến đò còn hoạt động nhưng lượng khách qua lại giảm mạnh sau khi có cầu An Hảo, nhất là bến đò Kho. Qua cầu An Hảo chỉ đi một đoạn vành đai Khu công nghiệp Biên Hòa 1 dọc sông Cái là đến bến phía đường Trần Quốc Toản. Cả hai bến đều là bến đò ngang qua sông Cái. Chi tiết khác là phía đường Trần Quốc Toản bên Bình Đa, bến đò nằm trong khu dân cư vào con hẻm, người lạ khó tìm thấy nếu không được chỉ dẫn rõ.
Mặc dù bến đò là đặc trưng văn hóa vùng sông nước, Hiệp Hòa là cù lao, nhưng ai cũng mong có cầu thay cho các bến đò. Như bến phà An Hảo được thay thế bằng cầu An Hảo theo đường Đặng Văn Trơn, tạo thuận lợi rất lớn trong việc kết nối giao thông có thể nói là đòn bẩy phát triển cù lao Phố, xứng danh một thời Nông Nại Đại Phố…
Ngoài ra, Biên Hòa còn 1 bến đò còn đang hoạt động nữa là bến đò Trạm qua cù lao Rùa (xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Mặc dù còn đang hoạt động nhưng cù lao Rùa đã có chiếc cầu phía Bình Dương bắc qua, nhiều người chọn đi hướng này theo đường Bùi Hữu Nghĩa, qua cầu Ông Tiếp để sang vùng Tân Ba và đến Thạnh Hội. Đường bộ bao giờ cũng thuận lợi, nhanh hơn, nhất là khi có phương tiện cơ giới.
Trước khi đến bến đò Trạm theo đường Huỳnh Văn Nghệ, P.Bửu Long còn có bến đò Xóm Lá vượt sông Đồng Nai qua P.Tân Hạnh, nay ít người đi.
Bên cạnh đó, có những bến đò hoàn toàn biến mất, như bến đò Lò Lu, có bến phía bên P.Hóa An dọc sông Đồng Nai. Bến đò gần làng nghề truyền thống làm lu, hũ, gốm mỹ nghệ. Bến phía bên này gần chợ Biên Hòa. Dễ hiểu là khi xe gắn máy, xe ô tô quá nhiều, dễ sắm thì mọi người chọn đường bộ, vừa nhanh, vừa an toàn hơn. Không phải ai cũng ưa đi đò, do sợ sông nước.
Trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua Biên Hòa, còn một con đò dọc, từ cầu Ghềnh đến chợ Biên Hòa để cho người đi chợ Biên Hòa, nhưng đã ngưng hoạt động tầm nửa thế kỷ.
Nay giờ cao điểm, đối diện với tình trạng kẹt xe ở cầu Hiệp Hòa, ai cũng mong sớm có cầu Thống Nhất nối đường Võ Thị Sáu ở P.Thống Nhất với P.Hiệp Hòa để ra hướng cầu An Hảo. Dân Hiệp Hòa còn mong có cầu ngay bến đò Kho để tăng tốc phát triển.
Trần Chiêm Thành