Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI): Cần đặt lợi ích chung của vùng lên trên lợi ích của địa phương trong liên kết phát triển logistics

11:12, 03/12/2022

Đông Nam bộ là vùng phát triển kinh tế sớm, lớn nhất cả nước, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp biến nơi đây trở thành trọng điểm về dịch vụ logistics của cả nước. Tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ logistics là rất lớn song hiện vẫn còn nhiều yếu tố kìm hãm, làm nghẽn nhịp phát triển cả về chất lượng, số lượng doanh nghiệp (DN) trong ngành.

Đông Nam bộ là vùng phát triển kinh tế sớm, lớn nhất cả nước, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp biến nơi đây trở thành trọng điểm về dịch vụ logistics của cả nước. Tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ logistics là rất lớn song hiện vẫn còn nhiều yếu tố kìm hãm, làm nghẽn nhịp phát triển cả về chất lượng, số lượng doanh nghiệp (DN) trong ngành.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn. Ảnh: V.Gia
Ông Nguyễn Thanh Tuấn. Ảnh: V.Gia

Xung quanh vấn đề này, tại Hội thảo Logistics vùng Đông Nam bộ - Chia sẻ và góc nhìn từ chuyên gia vừa được tổ chức, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) đã chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần những góc nhìn của mình.

* Lợi thế và tiềm năng lớn, nhưng phát triển chưa đúng tầm

* Là đơn vị nghiên cứu về logistics, ông đánh giá như thế nào về vị thế, vai trò lĩnh vực này của khu vực Đông Nam bộ hiện nay?

- Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh, thành: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Vùng này đóng góp đến 32% GDP, hơn 44% thu ngân sách (năm 2020) và là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất.

Không chỉ giữ vai trò là đầu tàu kinh tế, vùng Đông Nam bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng của đất nước, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container của cả nước. Đóng góp của vùng Đông Nam bộ thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho các vùng kinh tế khác để tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, logistics vùng Đông Nam bộ vẫn còn nhiều tồn đọng, hạn chế, đòi hỏi phải có sự khắc phục kịp thời.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, tính đến năm 2021, vùng Đông Nam bộ có khoảng 14,8 ngàn DN cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số DN logistics cả nước. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11 ngàn DN, Bình Dương gần 1,7 ngàn DN và Đồng Nai có hơn 1,2 ngàn DN. Các DN cung ứng dịch vụ logistics chủ yếu là DN vận tải hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải, đại lý giao nhận, vận chuyển... TP.HCM có sự đa dạng hơn về các dịch vụ logistics, tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.

* Cụ thể là những điểm nghẽn nào, thưa ông?

- Có thể thấy rõ những hạn chế này khi Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra các điểm nghẽn phát triển vùng.

Đó là mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; nguồn nhân lực logistics chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa DN sản xuất - xuất nhập khẩu và DN logistics hiệu quả thấp; chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng.

* Trong lĩnh vực logistics thì hạ tầng giao thông là điều tối quan trọng. Theo ông, giao thông trong khu vực đã thực sự đáp ứng nhu cầu hay chưa?

- Thực trạng cho thấy, toàn vùng hiện chỉ có tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào hoạt động. Các dự án quy hoạch đường vành đai và trục giao thông kết nối đang chậm triển khai. Tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Về đường thủy, vùng có 6 tuyến nội địa, tuy nhiên nhiều cầu vượt sông trên các tuyến chính không bảo đảm tĩnh không, khoang thông thuyền (cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước).

Với TP.HCM, các tuyến vành đai kết nối với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ chưa được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông, vận chuyển hàng hóa hai chiều. Hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 chưa hoàn chỉnh; thường xuyên tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, các ga hàng không đã hết công suất. Sân bay Long Thành đang trong quá trình xây dựng phải mất vài năm nữa mới hoàn thiện.

* Cần sự “chung tay’ của các địa phương

* Để khắc phục những hạn chế, việc liên kết vùng trong phát triển logistics cần chú ý đến điểm nào?

- Việc kết nối hạ tầng vùng là bài toán khó, đòi hỏi các địa phương phải cùng chung tay, phát huy tiềm lực của địa phương mình, cùng với đó là đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng thuận lợi nhất.

Theo chúng tôi, cần tính đến lợi ích chung của cả vùng hơn là lợi ích của địa phương. Có chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó, tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai xung quanh TP.HCM và các dự án hạ tầng lớn khác tại các địa phương. Cơ quan quản lý nhà nước ban hành cơ chế huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đất đai... để có ngân sách phát triển hạ tầng và có các chính sách thúc đẩy việc liên kết vùng, một cơ chế đặc biệt và sự phối hợp giữa các tỉnh.

Các địa phương cần bắt tay với nhau để có chính sách ưu đãi thu hút các DN logistics lớn đầu tư vào vùng, từ đó thu hút các DN chủ hàng, tạo nên hệ sinh thái dịch vụ lớn, chất lượng.

Đông Nam bộ là khu vực hoạt động logistics nhộn nhịp nhất cả nước nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển
Đông Nam bộ là khu vực hoạt động logistics nhộn nhịp nhất cả nước nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển

* Về phía DN, ông có khuyến nghị gì?

- Trước hết là phải chú trọng nâng cao công tác đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực. Tăng cường ứng dụng công nghệ để số hóa dữ liệu hành trình vận chuyển, áp dụng tự động hóa trong lĩnh vực logistics từ khâu vận chuyển, dịch vụ cảng, kho bãi, vận tải... Hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ.

Đồng thời, DN cần đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ với nhau và giữa các nhà cung cấp dịch vụ với nhà sản xuất, xuất nhập khẩu.

* Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh Việt Nam (Logistics Competitiveness Index - LCI) đang được xây dựng, xin ông chia sẻ thêm về điều này?

- Hiện nay, Bộ chỉ số năng lực logistics quốc tế chỉ đánh giá năng lực ở phạm vi quốc gia là hướng ra bên ngoài, phục vụ cho xuất khẩu hơn là hướng vào bên trong. Giữa các tỉnh, thành với nhau, sự phát triển logistics như thế nào cũng chưa có một chỉ số nào công bố. Việt Nam có đưa ra các tiêu chí thống kê về logistics nhưng trong đó chưa nói hết được tất cả các yếu tố, khía cạnh và nói lên hiệu quả, sự so sánh giữa các tỉnh, thành.

Việc chưa có bộ chỉ số chung để đánh giá là lý do mà Hiệp hội DN dịch vụ logistics (VLA) có đề xuất chủ trì xây dựng bộ chỉ số chung cho tất cả các tỉnh, thành ở Việt Nam, đánh mức độ cạnh tranh giữa các tỉnh, thành. Dự án có sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu gồm: Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam và Dream Incubator (DI). Đến hiện tại đã đưa ra được bộ chỉ số gồm 40 chỉ số khá kỳ vọng.

Đối với các DN, họ sẽ dựa trên việc đánh giá của bộ chỉ số này để xem xét lựa chọn đầu tư tại các tỉnh, thành được đánh giá cao hơn. Trong đó, địa phương nào có chi phí logistics thấp hơn là lợi thế. Đối với các địa phương, bộ chỉ số sẽ được sử dụng tham gia phản biện chính sách với chính quyền địa phương để cải thiện, phát triển ngành dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh. Từ đó, giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tốt hơn, đồng thời cũng là một cách để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh chung.

* Xin cảm ơn ông!

 Văn Gia (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích