Báo Đồng Nai điện tử
En

Hệ lụy của trào lưu

07:12, 10/12/2022

Bất động sản lâu nay luôn là kênh đầu tư "hot" nhất đối với người dân do nhiều yếu tố: sinh lời cao, tương đối dễ nắm bắt thông tin, kiến thức, tính phổ biến cao so với những kênh đầu tư khác như: chứng khoán, trái phiếu, dầu, vàng hay tiền kỹ thuật số.

Bất động sản lâu nay luôn là kênh đầu tư “hot” nhất đối với người dân do nhiều yếu tố: sinh lời cao, tương đối dễ nắm bắt thông tin, kiến thức, tính phổ biến cao so với những kênh đầu tư khác như: chứng khoán, trái phiếu, dầu, vàng hay tiền kỹ thuật số. Chính vì vậy, số lượng người đầu tư vào kênh này luôn áp đảo so với các kênh đầu tư khác. Trong vòng 20 năm qua, thị trường bất động sản có nhiều lần trồi sụt, nhiều đợt sóng lên xuống dẫn đến nhiều hệ lụy cho nhà đầu tư và ảnh hưởng cả đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Đất ven hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu) được nhiều người mua với giá khá cao. Ảnh: H.Giang
Đất ven hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu) được nhiều người mua với giá khá cao. Ảnh minh họa: H.Giang

Trong đó, điểm yếu cốt lõi nằm ở chỗ rất nhiều người đầu tư theo trào lưu mà thiếu sự suy xét, tham khảo, thậm chí thiếu kiến thức nên đôi khi bị “dẫn dắt” bởi nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Trào lưu đầu tư “căn hộ khách sạn”, “ căn hộ nghỉ dưỡng”… cách đây 3-4 năm, trào lưu đầu tư đất dự án ở các đô thị mới, trào lưu đầu tư đất “view” sông, đất sào, đất rẫy… trong vài năm nay cho thấy khá nhiều người dễ dàng bỏ tiền đầu tư cho những sản phẩm mà gần như nhu cầu thực rất thấp. Chẳng hạn, 1-2 năm nay, tại Đồng Nai, nhiều nhà đầu tư săn lùng đất “view sông”, “view hồ”, đất rẫy cà phê, rẫy trái cây… tại các huyện xa như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ… Những mảnh vườn tự nhiên đội giá lên nhiều lần so với trước khiến nhiều người càng hứng thú săn lùng, xuống tiền đầu tư. Từ giá vài trăm triệu/1.000m2 đất nông nghiệp, chỉ cần có “view” đẹp, trong 1-2 năm qua giá có thể tăng lên 5-7 lần, thậm chí chục lần. Nhiều người thậm chí còn săn lùng đất đai ở các tỉnh, thành khác như: Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Kon Tum… tạo thành những cơn sốt đất “view đẹp” diễn ra liên tục. Các văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai tại nhiều địa phương đông đột biến, hồ sơ sang tên “chất đống”. Người nọ đồn đại đến người kia, sốt đất lên đến đỉnh điểm vào cuối 2021 và từ 2022 bắt đầu hạ nhiệt, thậm chí nhiều nơi, đất đai gần như ngừng giao dịch. Tiếp đó, ngân hàng siết tín dụng, trái phiếu bất động sản thanh khoản thấp, đất đai mua dễ nhưng bán khó… đã tạo nên “hiệu ứng domino” khiến thị trường gần như “đóng băng”.

Những “cơn sốt” đất theo trào lưu này kéo theo nhiều hệ lụy bởi nó không căn cứ theo nhu cầu thực của thị trường mà do tâm lý muốn có lời nhanh, thậm chí tạo ra cầu “ảo” để thu hút nhà đầu tư, bán đất nền chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý… Khó khăn từ thị trường bất động sản nhanh chóng lan sang các lĩnh vực khác, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Chính phủ vừa qua đã phải tìm nhiều biện pháp “giải cứu” thị trường bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư, song tình hình vẫn đang rất khó khăn và theo nhiều dự đoán, những khó khăn này sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2023.

Kim Ngân

Tin xem nhiều