Công trình Văn hóa nguyên thủy của nhà khoa học nổi tiếng Edward Tylor (1832-1917) là một trong số các công trình nghiên cứu văn hóa học đầu tiên, có vị trí đặc biệt, có giá trị đặt nền móng cho khoa học về văn hóa.
Công trình Văn hóa nguyên thủy của nhà khoa học nổi tiếng Edward Tylor (1832-1917) là một trong số các công trình nghiên cứu văn hóa học đầu tiên, có vị trí đặc biệt, có giá trị đặt nền móng cho khoa học về văn hóa.
Trong bản dịch của Huyền Giang, do Tạp chí Văn hóa nghệ thuật ấn hành vào năm 2000, công trình Văn hóa nguyên thủy có đến 1030 trang, trong đó có nhiều chương mục viết về thuyết vật linh và vấn đề linh hồn, ma quỷ.
Chẳng hạn, ở chương XVI bàn về Thuyết vật linh, Edward Tylor cho rằng: “một trong những học thuyết tôn giáo quan trọng nhất của con người - niềm tin vào sự tiếp tục tồn tại của linh hồn sau khi chết”. Theo tác giả, việc những bộ lạc nguyên thủy coi những hình ảnh của người chết hiện lên trong giấc mơ hay trong ảo giác là linh hồn của họ đang lưu lại ở những người sống không những giải thích được lòng tin tương đối phổ biến của người hoang dã vào sự tiếp tục tồn tại của linh hồn sau khi thân thể đã chết, mà còn đem lại chìa khóa để mở ra nhiều suy luận về tính chất của sự tồn tại ấy.
Lòng tin vào cuộc sống tương lai chia làm 2 phần chủ yếu. Một là, học thuyết về sự di chuyển của linh hồn. Và hai là, học thuyết về sự tồn tại độc lập của linh hồn cá nhân trong cuộc sống tương lai sau khi thân thể đã chết.
Edward Tylor cho rằng, theo những quan điểm triết học của các xã hội nguyên thủy, có thể định nghĩa “linh hồn như một thực thể ê-te tiếp tục sống sau khi thân thể đã chết”; “Gần như ở khắp những vùng tín ngưỡng vật linh rộng lớn, chúng ta đều thấy rằng người sống nhiệt thành mời người chết về trong những trường hợp nhất định. Đó là sự tôn kính các bóng ma, một trong những tín ngưỡng sâu sắc và mạnh mẽ nhất trên toàn thế giới, thừa nhận với mỗi thái độ vừa tôn kính vừa sợ hãi sự tồn tại của linh hồn tổ tiên mang theo sức mạnh hiền hoặc dữ khi hiện ra giữa mọi người”.
Thuyết vật linh trong công trình Văn hóa nguyên thủy, Edward Tylor còn dành nhiều trang viết để luận bàn sâu sắc về các lễ tôn vinh người chết, những linh hồn phiêu diêu trong thế giới người chết, ý niệm về ma quỷ, thần thánh… của người nguyên thủy, từ đó cung cấp cho người đọc một kho tàng kiến thức đồ sộ về văn hóa xa xưa của nhân loại.
“…Lòng tin vào cuộc sống tương lai là cái kích thích đi tới cái thiện, là niềm tin hy vọng nâng đỡ con người trong những đau khổ và khi đứng trước cái chết…”. Trích trang 588, Văn hóa nguyên thủy của Edward Tylor |
Lâm Viên