Báo Đồng Nai điện tử
En

'Đi cùng nhau để đi xa'

09:09, 23/09/2022

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ ý này tại hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc diễn ra vào ngày 12-9 vừa qua. "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng ta phải biết dựa vào nhau, nương tựa nhau, thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau".

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ ý này tại hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc diễn ra vào ngày 12-9 vừa qua. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng ta phải biết dựa vào nhau, nương tựa nhau, thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau”.

Câu chuyện xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Sau nhiều phiên đàm phán, tiếp nhận và triển khai các thông tin, quy định, tiêu chuẩn mới từ phía Trung Quốc, ngày 19-9-2022 lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường truyền thống này, sau một thời gian kể từ khi Tổng cục Hải quan nước bạn phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, trong đó riêng Đồng Nai có 7 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở được công nhận chính thức.

Thực ra, việc xuất khẩu sầu riêng nói riêng và trái cây nói chung sang thị trường Trung Quốc là không mới. Bởi thị trường này vẫn là thị trường tiêu thụ chính của trái cây Việt Nam và sản lượng trái cây, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm đến gần 80% tổng sản lượng nông sản xuất khẩu lâu nay. Tuy nhiên, đa số nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc lâu nay vẫn đi theo đường tiểu ngạch với rất nhiều rủi ro, từ chất lượng, nguồn gốc nông sản đến giá cả, nhu cầu.

Tuy nhiên, cái “mất” lớn nhất khi cứ mãi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch là gần như không thể tính chuyện xây dựng thương hiệu lâu dài cho nông sản Việt. Ngay tại Đồng Nai, thương lái mua gom trái cây, chọn lựa rồi xuất đi dưới tên tuổi một đơn vị xuất nhập khẩu nào đó, nên khi đến tay người tiêu dùng, gần như không ai biết đó là đặc sản của Đồng Nai. Chính vì vậy, có đến hơn 49 ngàn ha cây ăn trái, nhưng thực sự không có mấy loại trái cây xây dựng được thương hiệu riêng đủ mạnh - kể cả ở thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu. Và muốn giải quyết câu chuyện này, ngoài việc “chuẩn chỉnh” lại các quy định mới theo yêu cầu các nước nhập khẩu thì buộc nông dân - doanh nghiệp phải có sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. Sự liên kết này biểu hiện ở nhiều hình thức, chẳng hạn cùng “bắt tay” để sản xuất trên diện tích lớn, cùng áp dụng giống và công nghệ hiện đại, cùng chuẩn hóa sản phẩm số lượng lớn, cùng “nhường nhịn” nhau để cùng có lợi khi tiêu thụ và xuất khẩu...

Hàm ý sâu xa của người đứng đầu ngành Nông nghiệp cả nước “muốn đi xa, đi cùng nhau”, không gì khác hơn là hàm ý về sự bắt tay liên kết, cùng nhường nhịn hỗ trợ nhau để đưa nông sản Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường xuất khẩu lẫn trong nước, lợi ích và rủi ro cùng chia sẻ thì mới bền vững, lâu dài.  

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều