Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai về Phú Hội...

07:09, 17/09/2022

Phú Hội là đơn vị hành chính cấp xã, thuộc H.Nhơn Trạch, vốn là làng cổ được hình thành khá sớm trong lịch sử khai khẩn của Đồng Nai. Những lớp di dân đã ngược dòng vào rạch, vàm và đất liền lập làng, khai thác vùng rừng đồi ven ở hạ nguồn của chi lưu sông Đồng Nai.

Phú Hội là đơn vị hành chính cấp xã, thuộc H.Nhơn Trạch, vốn là làng cổ được hình thành khá sớm trong lịch sử khai khẩn của Đồng Nai. Những lớp di dân đã ngược dòng vào rạch, vàm và đất liền lập làng, khai thác vùng rừng đồi ven ở hạ nguồn của chi lưu sông Đồng Nai.

Nét xưa của kiến trúc đình Phú Mỹ
Nét xưa của kiến trúc đình Phú Mỹ

Đất rộng người thưa của Phú Hội trở thành điểm đến lý tưởng và thuận lợi trong quần cư đối với người Việt trên đường mưu sinh. Định danh Phú Hội trên cơ sở của ấp Mỹ Hội, thôn Phú Mỹ từ thời nhà Nguyễn, phản ánh ước vọng của cư dân địa phương với sự thịnh vượng sẽ hội tụ trên vùng đất này. Địa giới của Phú Hội ngày nay đã thay đổi qua nhiều thời kỳ, đan xen những vùng đất khác lân cận với các tên gọi xưa như Mỹ Thành, Giang Lò, Bàu Cá và ngày nay còn ghi dấu xóm Vườn, ấp Chợ, ấp Phú Mỹ, ấp Đất Mới...

Nước Mạch Bà, trà Phú Hội

Phú Hội có rừng giồng, có sông rạch và vùng thấp với sự đa dạng của hệ sinh thái thực vật, động vật đa dạng. Đặc biệt, từ Phú Hội và các vùng lân cận, hiện tượng mạch nước trào lên mát ngọt, trong lành được người dân sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Nhiều người cho rằng, nhiều nơi có mạch trào nhưng vùng Phú Hội là nước ngon nhất, đi vào trong câu hát được lưu truyền “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội”. Những mạch nước qua nhiều thời, cứ thế trào lên, tạo dòng chảy xuyên qua các vùng cư dân.

Hàng hiên và cột kèo nhà cổ ở Phú Hội
Hàng hiên và cột kèo nhà cổ ở Phú Hội

Ngày nay, bởi nhiếu yếu tố tác động, cư dân đông, môi trường tự nhiên của vùng rừng, gò, đồi, hố trũng thay đổi nhiều, đô thị hóa nhanh, những mạch nước ở Phú Hội không còn nhiều, nguồn nước ngầm sẽ cạn kiệt.

Một số trái cây đặc sản của làng quê vang danh một thời “Chôm chôm xóm Hố, sầu riêng xóm Vườn”. Và nổi tiếng phải kể đến loại trà Phú Hội. Giống trà có từ lâu với đặc điểm thổ nhưỡng nhiều nước mạch, khí hậu trong lành, lá xanh mướt, chế biến thủ công cho màu nâu đỏ, thơm đậm, ngọt thanh. Hiện nay, trà Phú Hội đã có thương hiệu, được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, được đầu tư phát triển về thị trường tiêu thụ.

Nét kiến trúc cổ trong cư trú

Những năm đầu thế kỷ XXI, một đề án được cơ quan bảo tồn văn hóa phối hợp với Nhật Bản nghiên cứu với mục tiêu bảo vệ những nét xưa trong tổng thể của làng cổ Phú Hội. Thế nhưng, những thay đổi và xu hướng phát triển đô thị, Phú Hội đã chuyển mình lên đô thị. Đường giao thông mở rộng, những kiến trúc hiện đại trong lối cư trú của người dân thay đổi, thể hiện một bộ mặt khang trang trong xu thế phát triển mới.

Ai về Phú Hội như lời mời gọi tha thiết của vùng quê giàu truyền thống và di sản văn hóa…

Điều đáng quý là trong dáng dấp của làng thôn Nam bộ, Phú Hội vẫn còn bảo lưu những nét trầm mặc của một làng quê thuần nông. Đó là vẻ đẹp cần được lưu giữ, bảo tồn trong đời sống hiện tại và sẽ là nguồn tài nguyên quý giá cho khai thác du lịch.

Xã Phú Hội có nhiều kiến trúc nhà cổ. Phần lớn, các kiến trúc nhà cổ bằng gỗ được tạo dựng khá sớm, từ cuối thế kỷ XIX trở đi. Những ngôi nhà với dạng thức kiến trúc truyền thống, được làm bằng gỗ quý, nội thất được trang trí hoành phi, liễn đối, bài trí các vật dụng cổ kính. Nhiều thành tố kiến trúc gian cửa, cột, bao lam ở một số ngôi nhà được chạm khắc, chạm trổ các đề tài đa dạng (mai điểu, tùng lộc, trúc tước, hoa văn…) vừa có tính nghệ thuật vừa phản ánh những ước vọng tốt đẹp của con người.

Một số kiến trúc nhà cổ tiêu biểu từ các hộ gia đình: Nguyễn Văn Canh, Trần Thị Đấu, Nguyễn Thị Hiệp, Phạm Thị Khê, Nguyễn Văn Lãng, Đào Trí Mỹ Nhân, Nguyễn Thị Mười, Nguyễn Thanh Ra, Phạm Văn Sáng, Mã Thị Tám,  Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Thị Xuyên (ấp Phú Mỹ 2); Nguyễn Văn Khiêm (ấp Phú Mỹ 1); Nguyễn Văn Hỡi, Nguyễn Phong Lưu, Lê Thanh Thiện (ấp Đất Mới)... Một số ngôi nhà trở thành những điểm chọn để các đoàn làm phim qua tư liệu về vùng đất Nam bộ xưa.

Làng quê Phú Hội còn có những thiết chế tín ngưỡng mang tính cộng đồng khá độc đáo: đình Phú Mỹ, đình Mỹ Hội, miếu Bà, dinh Ông Gốc, miễu Giang Lò…;  trong đó có đình Phú Mỹ mang đặc trưng tiêu biểu của ngôi đình làng Nam bộ được xếp hạng vào danh mục di tích lịch sử.

Gắn với các thiết chế tín ngưỡng, nhà ở là những sinh hoạt trở thành những mỹ tục trong đời sống tinh thần của cư dân, những lễ hội gắn kết cộng đồng mỗi năm.

Truyền thống yêu nước

Người dân Phú Hội có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng kiên cường trong các thời kỳ kháng chiến. Phú Hội là trung tâm của hội kín yêu nước của Long Thành trong thời kỳ chống Pháp lần thứ nhất. 

Người dân với vườn trà tại Phú Hội
Người dân với vườn trà tại Phú Hội

Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người dân Phú Hội đã tham gia vào các hoạt động đấu tranh, nuôi giấu và biến địa bàn trở thành căn cứ và lõm đấu tranh chính trị sôi động.

Xóm Hố và rừng giồng Phú Hội là nơi diễn ra những trận đánh kiên cường của nhân dân, lực lượng vũ trang cách mạng. Xã Phú Hội là địa phương có nhiều bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu anh hùng của H.Nhơn Trạch. Nhiều bà mẹ là chiến sĩ, là liệt sĩ và nhiều thành viên trong gia đình gắn trọn cuộc đời với cách mạng.

Thanh niên Phú Hội đã tham gia vào lực lượng vũ trang địa phương với phiên hiệu đại đội và sau là Tiểu đoàn 240 anh hùng, một thời bám trụ, tổ chức nhiều trận đánh oai hùng trên chiến trường Nhơn Trạch.

Năm 1969, sau cuộc nổi dậy Xuân Mậu Thân, phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là một tổn thất lớn của cách mạng, dù bị kìm kẹp gắt gao nhưng người dân Phú Hội đã hướng về Bác Hồ. Người dân Phú Hội đã làm ba bức hoành phi bằng chữ Hán “Hồ nhiên nhi thiên”, “Chí vọng thâm ân”, “Minh hoài hậu đức” riêng rẽ nhưng ghép ba chữ đầu là tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để qua mắt địch, thờ Bác trong đình làng.

Năm 1978, Đội du kích xã Phú Hội là một trong những đơn vị được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ khá sớm của cả nước.

*

Quá trình cộng cư của nhiều thế hệ dân cư tại Phú Hội của nguồn gốc nhiều lớp cư dân đã tạo nên cho vùng đất này những sắc thái văn hóa đa dạng. Trải qua nhiều biến động của xã hội và tự nhiên… đã có những tác động nhất định, làm biến đổi nhiều yếu tố song những nét đẹp trong đời sống cư dân của xã Phú Hội vẫn được duy trì, bảo tồn.

Ngày nay, trong xu thế phát triển đô thị, gắn với vùng trọng điểm địa bàn kinh tế phía Đông Sài Gòn và sân bay Long Thành đang xây dựng, làng quê Phú Hội với di sản văn hóa, những đặc sản của địa phương là nguồn tài nguyên để khai thác phát triển kinh tế - xã hội.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều