Từ điển Văn học (bộ mới, NXB Thế giới 2004) ở mục từ Giải thưởng văn học viết: "Sau hai năm thành lập và đã có ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống văn học trong đời sống văn học ở các thành thị Việt Nam, Tự lực Văn đoàn (TLVĐ) bắt đầu đặt giải thưởng văn chương hằng năm để phát hiện các tài năng mới xuất hiện trong các lĩnh vực tiểu thuyết, thơ , khảo cứu.
Từ điển Văn học (bộ mới, NXB Thế giới 2004) ở mục từ Giải thưởng văn học viết: “Sau hai năm thành lập và đã có ảnh hưởng rộng rãi trong đời sống văn học trong đời sống văn học ở các thành thị Việt Nam, Tự lực Văn đoàn (TLVĐ) bắt đầu đặt giải thưởng văn chương hằng năm để phát hiện các tài năng mới xuất hiện trong các lĩnh vực tiểu thuyết, thơ , khảo cứu. Đây là một giải thưởng có uy tín trong lịch sử văn học dân tộc”.
Trong sách TLVĐ - Trào lưu, tác giả, NXB Giáo dục 2007, GS Hà Minh Đức viết: “Giải thưởng TLVĐ hai năm trao giải một lần vào các năm 1935, 1937, 1939. Giải thưởng TLVĐ không trao cho các thành viên TLVĐ. Cũng vì thế nó mang nhiều ý nghĩa. Giải thưởng có tác dụng phát hiện trong phong trào sáng tạo văn học những tác phẩm tiêu biểu cho dù là những cây bút mới xuất hiện. Giải thưởng cũng mang tính công bằng không bị chi phối bởi những động cơ cá nhân”.
Trong nhiều bài nghiên cứu văn học, giới thiệu tác giả, ai được ghi là được tặng giải thưởng của TLVĐ, coi như đó là vinh dự lớn lắm như nữ sĩ Anh Thơ đã viết: “Ôi kể sao hết nỗi sung sướng tự hào của tôi! Tự hào và lo sợ nữa. Vì từ bé, tôi chưa bao giờ được bước chân tới các tòa báo, chưa bao giờ được gặp các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Lại còn dự tiệc, lại còn nhận thưởng!” (Hà Minh Đức, sách đã dẫn). Anh Thơ cho biết, Tế Hanh và bà đồng hạng giải nhưng để khuyến khích phụ nữ, Anh Thơ được mời lên tòa báo dự tiệc trà và lĩnh thưởng.
Ban giám khảo TLVĐ gồm các thành viên của tổ chức văn học này gồm: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ trong 2 kỳ đầu và kỳ thứ ba có thêm Xuân Diệu.
Trong kỳ xét trao giải đầu tiên năm 1935 không có giải chính thức, chỉ có các giải khuyến khích, tổng giải thưởng là 100 đồng chia đều cho 4 giải, đến nay qua các tài liệu văn học sử chỉ còn ghi lại được 3 giải khuyến khích đồng hạng. Thi sĩ Khổng Dương ở giai đoạn này cho biết lương phóng viên mới vào khoảng 20-30 đồng/tháng.
Năm 1937 có 80 tác phẩm dự thi và cũng như lần đầu, không có giải nhất mà chỉ trao giải thể loại văn học là vở kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc 50 đồng và tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng cũng 50 đồng.
Năm 1939, tiểu thuyết Làm lẽ của Mạnh Phú Tư và Cái nhà gạch của Kim Hà được trao giải đồng hạng 100 đồng/giải sau khi biểu quyết có số phiếu ngang nhau. Về thơ, tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ và Nghẹn ngào của Tế Hanh được chú ý đặc biệt và trao giải khuyến khích của Ban giám khảo 30 đồng cho tập Bức tranh quê.
Giải năm 1939 có một nữ sĩ người miền Nam được hội đồng tặng giấy Lời khen tặng cho tập thơ Phấn hương rừng của Mộng Tuyết, vợ nhà thơ Đông Hồ; như vậy đã là vinh dự lắm với lời ghi rõ: “Sau khi đọc và xem xét tác tác phẩm dự thi, quyết định tặng lời khen…”.
Có người cho là giải thưởng TLVĐ ở thời điểm đó giá trị như giải văn chương Goncourt của Pháp. Hầu hết các tác giả được giải, cả những người được tặng giấy Lời khen tặng cũng thành danh sau này, cho thấy giá trị của giải.
Giải thưởng TLVĐ chỉ 3 lần trao giải nhưng đến nay vẫn còn được chú ý và giá trị, bằng chứng là những thành tựu sau này của Nguyên Hồng, Anh Thơ, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Mộng Tuyết, Phan Văn Dật, Mạnh Phú Tư, Vi Huyền Đắc…
Trần Phi Châu