Trước tình trạng nhân viên y tế (NVYT) các cơ sở y tế công lập trên địa bàn Đồng Nai, trong đó có không ít bác sĩ (BS), điều dưỡng, kỹ thuật viên giỏi, có tay nghề nghỉ việc khiến nhiều cơ sở y tế thiếu nhân lực, quá tải và bệnh nhân là người gánh chịu nhiều hệ lụy…
Trước tình trạng nhân viên y tế (NVYT) các cơ sở y tế công lập trên địa bàn Đồng Nai, trong đó có không ít bác sĩ (BS), điều dưỡng, kỹ thuật viên giỏi, có tay nghề nghỉ việc khiến nhiều cơ sở y tế thiếu nhân lực, quá tải và bệnh nhân là người gánh chịu nhiều hệ lụy…
Công việc áp lực, quá tải, thu nhập thấp khiến nhiều nhân viên y tế, nhất là bác sĩ trong cơ sở y tế công lập muốn nghỉ việc. Trong ảnh: Điều dưỡng chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu |
Đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm và kiến nghị cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, cụ thể, khả thi hơn nữa để ngăn ngừa tình trạng này.
* Thu nhập chưa tương xứng
Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng, chuyện NVYT, nhất là BS bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư hoặc tìm một công việc khác có thu nhập cao hơn thời nào cũng có. Nhưng sự dịch chuyển NVYT mạnh từ bệnh viện công sang bệnh viện tư trong vài năm trở lại đây đã đến mức đáng lo ngại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng NVYT bỏ việc. Song, chủ yếu vẫn do thu nhập không bù đắp xứng đáng với sức lao động, áp lực, thời gian làm việc và trí tuệ mà đội ngũ này bỏ ra, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra khốc liệt. Hiện số ca bệnh ngày một tăng, nguy cơ dịch chồng dịch khiến nhiều bệnh viện lao đao vì thiếu nhân lực.
Theo Sở Y tế, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành y tế đã có 231 BS, điều dưỡng và kỹ thuật viên ở bệnh viện công nghỉ việc. Trong khi đó, cũng trong thời gian này, các bệnh viện tư nhân trong tỉnh đã tăng thêm 91 BS, 28 điều dưỡng, 28 kỹ thuật viên và 17 nữ hộ sinh cùng NVYT khác. |
Một BS từng làm việc tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai (đã nghỉ việc cách đây gần 4 tháng) cho biết, ngay từ trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều BS và điều dưỡng ở Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã xin nghỉ việc vì làm việc trong môi trường lây nhiễm nhưng thu nhập quá thấp. Trong mùa dịch khốc liệt, bệnh viện trở thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, suốt 2 năm phục vụ phòng, chống dịch, NVYT ở đây đã quá mệt mỏi. Đến nay, số BS nghỉ việc đã hơn một nửa, số BS còn lại hiện đếm chưa đủ 10 đầu ngón tay; điều dưỡng và kỹ thuật viên cũng hao hụt đi nhiều.
Theo BS này, dù đã gắn bó với bệnh viện gần 20 năm, nhưng đến nay thì ông không thể trụ được nữa. Ông và nhiều đồng nghiệp buộc chọn giải pháp nghỉ việc, tìm cho mình một môi trường làm việc tốt và mức thu nhập khá hơn.
Không chỉ các BS lao đao với đồng lương không đủ trang trải cuộc sống tại các cơ sở y tế công lập, các điều dưỡng, kỹ thuật viên còn vất vả hơn. Chị Phạm Hương Sen, nhân viên xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) cho biết, nhiều năm nay chị phải làm bánh bán ngoài giờ mới tạm đủ sống. Công việc xét nghiệm hiện nay cũng áp lực khi số ca bệnh nhiều, đặc biệt khi có dịch Covid-19.
“Bản thân tôi công tác hơn 17 năm tại bệnh viện, nhưng tổng thu nhập chỉ khoảng hơn 7 triệu đồng. Tôi không dám mua sắm, không cho con học thêm. Công việc trong ngành Y dù vất vả, áp lực mấy tôi cũng đều chịu được, chỉ mong thời gian tới thu nhập tăng hơn đủ trang trải nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và lo cho con ăn học” - chị Sen tâm sự
Sau Bệnh viện phổi Đồng Nai, tình trạng BS và điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nghỉ việc nhiều cũng khiến người dân lo ngại khi đưa con đến bệnh viện.
Chăm cháu nội bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Mỹ (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay, nhiều loại dịch bệnh bùng phát nên đa phần các khoa, phòng của bệnh viện quá tải. Tuy nhiên, số NVYT không nhiều nên khi cần BS cũng phải một lúc sau mới có người đến thăm, khám.
Nhiều ý kiến cho rằng, chuyên môn BS cũng như NVYT các bộ phận liên quan ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng điều trị. Một khi NVYT, trong đó có BS không an tâm gắn bó họ sẽ khó tập trung, dốc toàn tâm, toàn lực cho công việc.
* Cần giải pháp mạnh mẽ, khả thi
Trước thực trạng nhiều NVYT, đặc biệt là BS ồ ạt rời bệnh viện công “đầu quân” cho bệnh viện tư nhân hoặc kiếm việc khác…, nhiều ý kiến đề xuất cần có những giải pháp thiết thực, khả thi hơn trong việc “giữ chân” BS ở lại bệnh viện công.
Ông Nguyễn Thanh Tân (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) chia sẻ, 2 con của ông làm BS hiện đang công tác tại TP.HCM và Bình Dương. Theo ông Tân, con trai lớn của ông từng làm việc trong một bệnh viện tuyến huyện ở Đồng Nai, chưa nói về lương, nhưng cơ hội tiến thân trong chuyên môn rất ít. Là BS ngoại khoa ra trường 4 năm nhưng con ông chưa được phân công thực hiện 1 ca mổ đơn giản nào ngoài vài ca tiểu phẩu.
Lương thấp và môi trường làm việc hạn chế, con ông Tân bỏ việc rồi “đầu quân” cho một bệnh viện tư nhân ở TP.HCM. Lương nhiều gấp 4-5 lần, mà còn có dịp cọ sát, nâng cao chuyên môn. Giờ con ông là một BS phẫu thuật giỏi nhờ được tin tưởng trao cơ hội.
“Cần có một cơ chế để BS trẻ có thể tiến thân trong nghề nghiệp. Lương cũng không nên cào bằng mà phải đánh giá, xếp hạng qua kiểm tra chất lượng chuyên môn. Ai giỏi lương cao, ai còn yếu lương thấp, thế mới có động lực để BS trẻ nỗ lực vươn lên học hỏi, đạt được mức thu nhập như ý” - ông Tâm kiến nghị.
Theo bà Huỳnh Ngọc Phương, giáo viên về hưu (ở P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) cho rằng, tỉnh hoặc ngành Y tế cần có quy định rõ về việc nhận BS ở những bệnh viện tư nhân. Một BS được nhà nước, bệnh viện đưa đi đào tạo đến khi giỏi tay nghề thì bệnh viện tư nhân chỉ cần bỏ ra một số tiền là có thể “đón” được BS này về làm việc. Vậy công sức, tiền bạc, môi trường thực tập cho từng ấy năm để đào tạo BS này của nhà nước và bệnh viện ở đâu?
“Dù rằng, BS làm ở bệnh viện công hay tư cũng đều là phục vụ người bệnh. Song cần phải có quy định rõ bệnh viện tư nhân không được nhận người đang công tác tại các bệnh viện công. Và để làm được điều này, cần kéo giảm khoảng cách thu nhập giữa bệnh viện công và bệnh viện tư bằng những cơ chế phù hợp với quy luật kinh tế thị trường” - bà Phương đề xuất.
Ngoài ra, một số ý kiến BĐ kiến nghị, Nhà nước cần quy định thời gian phục vụ tại các cơ sở y tế công lập đối với BS sau khi ra trường từ 10-20 năm rồi mới được tự do lựa chọn cơ sở y tế ngoài công lập để làm việc. Quy định này mang tính chất bắt buộc nhằm “trả nợ” chi phí đào tạo từ công dân bình thường trở thành BS. Có như vậy, các BS mới không “nhấp nhổm” bỏ việc ở bệnh viện công khi biết mình chưa trả xong… “nợ” đào tạo.
Phương Liễu
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung: Cần trao cơ chế cho các bệnh viện
Chưa bao giờ có tình trạng BS nghỉ việc ồ ạt như hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp và môi trường làm việc áp lực. Hiện tỉnh đã có chính sách thu hút BS nhưng không có cơ chế trả lương đặc biệt khiến nhiều BS vẫn rời bệnh viện công.
Cần nhất hiện nay là tạo cơ chế thoáng, giao quyền lớn hơn cho các bệnh viện. Các cơ sở y tế cần được tự chủ giá viện phí, nhân sự, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh… mới giữ chân được BS. Hiện Bộ Y tế cũng chưa có thông tư quy định giá viện phí dịch vụ nên các bệnh viện công lập dù đã mở các khoa dịch vụ nhưng vẫn lúng túng bởi nhiều rào cản pháp lý.
TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất: Cần có những chính sách lương, phụ cấp phù hợp
Tại Bệnh viên Đa khoa Thống nhất, chỉ một năm rưỡi qua, đã có hơn 200 BS, điều dưỡng, nhân viên y tế bệnh viện nghỉ việc. Số BS nghỉ việc nhiều hơn số nhận vào. Đáng lo ngại là những BS rời bệnh viện lại là người có chuyên môn tốt. Nguyên nhân do thu nhập thấp, áp lực lớn.
Công tác điều trị sẽ bị ảnh hưởng nếu BS giỏi tiếp tục rời bỏ bệnh viện. Để giải quyết vấn đề này, cần có những chính sách lương, phụ cấp, tiền trực… phù hợp với thực tế, nhất là chế độ tiền lương đặc biệt đối với những người có trình độ chuyên môn cao.
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Đàm Đức Chính: Cần nhanh chóng tăng ưu đãi nghề lên 100%
Trước tình trạng nhiều NVYT, BS rời bệnh viện công, Công đoàn ngành Y tế đề xuất từ nay đến cuối năm 2022, Chính phủ cần điều chỉnh tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề từ 40-100%, đặc biệt là đối với y tế cơ sở. Đó chính là sự bù đắp, động viên và giữ chân NVYT trong các cơ sở y tế công lập, để họ tiếp tục gắn bó với bệnh viện và công việc của mình.
An Nhiên (ghi)