Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ hội đua thuyền trên sông Đồng Nai…

09:07, 09/07/2022

"Khi bình minh vừa ló rạng, tiết trời dịu mát, đội thuyền hơn 24 người phần lớn là trai tráng trong làng xuất phát trên một ghe lớn, kéo theo ghe đua vẽ hình mắt phượng rẽ sóng băng về hướng Sông Phố. Trên bờ, bà con ai nấy nôn nao sắp xếp công việc để theo đoàn cổ vũ, nào trống nào cờ, trẻ già có đủ, không khí xôn xao, rộn ràng cả một vùng sông nước…".

“Khi bình minh vừa ló rạng, tiết trời dịu mát, đội thuyền hơn 24 người phần lớn là trai tráng trong làng xuất phát trên một ghe lớn, kéo theo ghe đua vẽ hình mắt phượng rẽ sóng băng về hướng Sông Phố. Trên bờ, bà con ai nấy nôn nao sắp xếp công việc để theo đoàn cổ vũ, nào trống nào cờ, trẻ già có đủ, không khí xôn xao, rộn ràng cả một vùng sông nước…”.

Ông Nguyễn Văn Điệp (KP.2, P.An Hòa, TP.Biên Hòa) trong vai trò “xà bát” cùng đội đua thuyền An Hòa ở một lễ hội đua thuyền. Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Văn Điệp (KP.2, P.An Hòa, TP.Biên Hòa) trong vai trò “xà bát” cùng đội đua thuyền An Hòa ở một lễ hội đua thuyền. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Văn Điệp, tên thường gọi là ông Hai Điệp, ngụ ở làng Bến Gỗ, nay là KP.2, P.An Hòa, TP.Biên Hòa, vốn là xà bát (người lái ghe) trong các cuộc đua thuyền, dù năm nay đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn nói về không khí của lễ hội đua thuyền trên sông Đồng Nai với tất cả niềm hứng khởi, say mê của một thời trai trẻ.

Theo các tài liệu, cuộc đua thuyền đầu tiên trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa là vào năm Nhâm Thìn 1832 - cách nay tròn 190 năm.

* Từ làng Bến Gỗ tìm hiểu lễ hội đua thuyền trên sông Đồng Nai

Từ xa xưa, địa danh làng Bến Gỗ đã nổi tiếng khắp nơi về đua thuyền. Đây là một trong những làng được khai phá sớm ở Biên Hòa. Theo sử sách, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật của các tộc người thuộc nhiều nền văn minh từ thời đại đồng thau cách nay hàng ngàn năm đã đến địa danh này định cư, lập nghiệp.

Một đội đua thuyền chuẩn bị xuất phát. Ảnh: NVCC
Một đội đua thuyền chuẩn bị xuất phát. Ảnh: NVCC

Trong cuốn Hỏi - đáp về Biên Hòa - Đồng Nai, hai tác giả Phan Đình Dũng - Nguyễn Thanh Lợi có dẫn: “Sách Đại Nam nhất thống chí đề cập vùng Bến Gỗ có giải thích hai địa danh: núi Thiết Khâu và sông An Hòa. Núi Thiết Khâu tục gọi là núi Lò Thổi, gò đống gồ ghề, rừng rú rậm rạp, có mỏ sắt và nhân dân trong vùng đến khai thác nấu quặng; sông An Hòa là chi lưu của sông Phước Long, ngoài cửa là sông Đồng Châu, chảy về phía bắc đến chợ An Hòa làm bến tre gỗ, tục gọi là Rạch Gỗ”.

Tương truyền, từ thời Minh Mạng, dân Bến Gỗ đã thành lập đội đua để tham gia vào cuộc đua tổ chức ở Biên Hòa. Vốn là vùng sông nước nên Biên Hòa - Đồng Nai có nhiều đội đua thuyền đến từ nhiều địa phương khác nhau. Ngoài An Hòa với nhiều đội đua, còn có nhiều đội đua thuyền ở xã Long Hưng (TP.Biên Hòa), xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu)… Các địa phương lân cận như tỉnh Bình Dương cũng có các đội đua của Thạnh Hội, Tân Uyên…

Lễ hội đua thuyền có từ nhiều đời để lại và có lịch sử lên đến hàng trăm năm. Tìm hiểu về lễ hội đua thuyền cũng là dịp tìm hiểu đời sống tinh thần và không gian văn hóa rất đỗi gần gũi và thiêng liêng của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Điệp cùng con trai Nguyễn Minh Tròn xem lại các clip đua thuyền của P.An Hòa
Ông Nguyễn Văn Điệp cùng con trai Nguyễn Minh Tròn xem lại các clip đua thuyền của P.An Hòa

Theo đó, lễ hội đua thuyền, thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán. Thời gian tổ chức lễ hội vào mùa xuân bởi đây là khoảng thời gian mưa thuận gió hòa nhất trong năm, ít khi xảy ra mưa bão. Quan trọng hơn, đây còn là dịp nông nhàn, dân trong vùng có tâm thế thoải mái sau một năm lao động vất vả, có thể tham gia vui chơi, thưởng lãm lễ hội.

Mỗi đội đua thuyền gồm 14 đội viên chính thức và 1 người xà bát. Ngoài ra, còn có các thành viên dự bị trên bờ, sẵn sàng thay người khi có yêu cầu. Ông Hai Điệp cho biết, quy định trước đây rất nghiêm, đêm trước khi đi thi, thành viên đội không được về, nhưng nay mọi người về nhà với quy định sáng sớm khoảng 4 giờ, ai cũng phải có mặt với yêu cầu giữ sức khỏe, không được “quá chén”. Hầu hết các thành viên đều tuân thủ quy định vì không muốn bản thân ảnh hưởng đến cả đội.

Về không gian văn hóa, lễ hội đua thuyền được tổ chức ngay Sông Phố. Khúc sông gần gũi với người dân đôi bờ đoạn sông này được nhà văn Lý Văn Sâm nhắc đến trong tác phẩm Chuyện người thổi sáo ở Bến Xuân: “Khúc sông Đồng Nai dài bốn cây số chảy ngang qua thành phố Biên Hòa được người địa phương đặt tên là Sông Phố. Khúc sông khởi đầu từ cái đuôi Cồn Gáo thoai thoải và chấm dứt ở cái mõm cù lao Phố”.

Nếu như cù lao Phố là địa danh quá đỗi thân quen, gắn với nhiều chiều kích lịch sử của Biên Hòa - Đồng Nai khi trước đây hơn 3 thế kỷ đã là thương cảng Nông Nại đại phố nổi tiếng một thời và nay là P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) đang ngày càng phát triển, thì địa danh Cồn Gáo đã đi vào dĩ vãng và tiềm thức của những bậc cao niên. Vốn dĩ là một cồn đất và bãi cát trắng rất đẹp giữa sông, phía bên trên Cồn Gáo có nhiều cây gáo đại thụ đã bị ngập và chìm mất dạng cách đây mấy mươi năm.

Vào ngày lễ hội, các đội xuôi thuyền tập trung về địa điểm tổ chức là Nhà Mát - vốn trước đây là chiếc cầu Mát vươn mình ra sông, phía trước Tòa Bố xưa, nay là trụ sở UBND tỉnh. Từ Cầu Mát, các đội thuyền xuất phát đua đến phía chân cầu Hóa An và đua vòng về lại Cầu Mát.

Theo đánh giá của nhiều người, đoạn Sông Phố có đặc điểm vừa rộng về bề ngang, vừa có dòng thủy lưu êm đềm, hiền hòa nên rất thuận lợi để tổ chức cuộc đua thuyền quy mô lớn với nhiều đội đua. Hơn nữa, đôi bờ Sông Phố lại đi ngang qua trung tâm Biên Hòa, dễ dàng cho người dân thưởng ngoạn, cổ vũ.

* Còn đó nhịp chèo ghe…

Ông Hai Điệp cho biết từ nhiều đời trước, theo các thế hệ cha ông, cũng như bao thanh niên trai tráng trong làng, ông đã biết đến lễ hội đua thuyền, lúc nhỏ thì xem, cổ vũ các đội đua; lớn hơn một chút, khi là chàng trai 20, ông Hai Điệp đã được lựa chọn tham gia đội ghe và trở thành tay bơi chính trong các lễ hội đua thuyền làng Bến Gỗ. Với kinh nghiệm dày dặn, sức khỏe cường tráng, ông trở thành người cầm trịch trong các cuộc đua từ hội làng đến dẫn đội tham dự các giải đua thuyền truyền thống trên sông Đồng Nai do tỉnh cũng như các địa bàn lân cận như TP.HCM, Bình Dương tổ chức. Ở cuộc thi nào, các đội ghe của P.An Hòa trong đó có đội An Hòa 3 do ông làm đội trưởng cũng đoạt các giải cao.

Nhà Mát - nơi tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông Đồng Nai Ảnh: Tư liệu Cồn Gáo trên sông Đồng Nai chụp vào năm 1950-1952
Nhà Mát - nơi tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông Đồng Nai. Ảnh: Tư liệu

Để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống vào mùa xuân cũng như các giải đua lớn, từ nhiều năm về trước, mỗi khi có giải đấu, ông Hai Điệp cùng các thanh niên trai tráng trong làng phải tập dượt trước cả tháng. Những người tham gia đội ghe thường là thanh niên trong làng, có sức khỏe, sức bền và bơi lội giỏi.

“Trong đội, mỗi người một nghề, có người là công nhân, người là tài xế, buôn bán… nhưng điểm chung ở tất thảy thành viên là đều rất hào hứng với lễ hội truyền thống của cha ông để lại. Sau giờ làm việc, cứ đến giờ tập vào chiều tối, mọi thành viên đều có mặt đầy đủ, hăng say tập luyện để có được những nhịp chèo khỏe, mạnh, đều tăm tắp…” - ông Hai Điệp kể.

Cồn Gáo trên sông Đồng Nai chụp vào năm 1950-1952. Nguồn: decampe.net/Sách Hình ảnh tỉnh Biên Hòa xưa
Cồn Gáo trên sông Đồng Nai chụp vào năm 1950-1952. Nguồn: decampe.net/Sách Hình ảnh tỉnh Biên Hòa xưa

Trước đêm diễn ra cuộc đua, thanh niên trai tráng tập trung về nhà ông Hai Điệp cùng tập dượt lần cuối, bàn luận về chiến thuật, nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho cuộc đua. Mỗi khi đến đợt tập dượt đua thuyền, không khí trong làng cũng rộn ràng hẳn lên, chiều tối nào, các cô, các chị trong làng cũng lo khâu cơm nước, trang phục truyền thống cho đội ghe.

Ngày đội ghe thi đấu, bà con trong làng đổ ra dọc hai bờ sông cổ vũ, tiếng chiêng trống nhộn nhịp tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các thành viên. Khi có tín hiệu xuất phát, ông Hai Điệp giữ vai trò xà bát, vừa lái ghe, vừa hô để giữ nhịp chèo của cả đội. Cứ thế chiếc ghe hình con thoi lướt phăng phăng trên nhịp sóng, hòa cùng nhịp chèo, nhịp trống vang cả một khúc sông…

Lễ hội đua thuyền không chỉ là dịp để người dân trong vùng vui chơi, hội họp sau một năm lao động vất vả mà còn là dịp đề cao tinh thần thượng võ, tính tương trợ, đoàn kết; đề cao việc rèn luyện sức khỏe của lớp trai tráng trong làng.

Thùy Trang - Thảo Nguyên

Tin xem nhiều