Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà thơ Vân Long - những kỷ niệm với Biên Hòa - Đồng Nai

10:07, 09/07/2022

Bây giờ thì nhà thơ Vân Long đã bay về miền xa thẳm. Những năm cuối đời ông về tĩnh dưỡng tại Hà Nội, không có dịp trở lại Biên Hòa - Đồng Nai nữa. Nhớ ông, chúng tôi hay trở lại quán cà phê Cây Bàng. Quán Cây Bàng cũng đã khác xưa.

Tên tuổi ông đến với lứa chúng tôi từ khi ông công tác ở Hải Phòng cùng những vần thơ viết về đất Cảng anh hùng trong xây dựng và chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Nhà thơ Vân Long (1932-2022, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Hà Nội) đã đằm mình và xông xáo trong cuộc sống chiến đấu ấy để có được những câu thơ, bài thơ tâm huyết:

Tại quán cà phê Cây Bàng (P.Quyết thắng, TP.Biên Hòa) năm 2006. Từ trái qua: Nhà văn Khôi Vũ, nhà thơ Trần Ngọc Tuấn, nhà thơ Vân Long, nhà thơ Đàm Chu Văn
Tại quán cà phê Cây Bàng (P.Quyết thắng, TP.Biên Hòa) năm 2006. Từ trái qua: Nhà văn Khôi Vũ, nhà thơ Trần Ngọc Tuấn, nhà thơ Vân Long, nhà thơ Đàm Chu Văn

Thành phố này tôi yêu

Nơi trú ngụ những con tàu

Như đàn cá voi khổng lồ cập bến

Sườn  tàu còn ướt nồng vị biển

Đêm ngủ còn nghe tiếng dây xích vặn mình

Thành phố cần lao

Xăm xắm dáng đi người thợ

(Thành phố tôi yêu)

…Những người đang phá mìn

Hiểu bão giông lòng biển

Những người quyết tử

Trước mặt thủy lôi nổ

Thủy lôi nổ thúc lưng

Thủy lôi dựng mũi tàu

…Họ tranh cãi giành nhau

phần biển thủy lôi dày đặc

Giành nhau phần chết lớn hơn

(Chuyện kể về một vùng biển nóng)

Rồi ông chuyển về làm việc tại cơ quan báo chí, NXB, lâu nhất ở NXB Hội Nhà văn. Thời ấy, sách được in từ nhiều chục ngàn đến hàng trăm ngàn bản, hầu như yên tâm về chất lượng. Tất nhiên cũng có vài ba cuốn bị nhắc nhở nọ kia nhưng thường là do chưa phù hợp với cách nghĩ và thẩm mỹ của thời ấy chứ không phải non yếu về nghệ thuật. Với nhà thơ Vân Long, đã là bà đỡ cho một số tập thơ được dư luận đánh giá là có nhiều tìm tòi, đổi mới.

Vào cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước chúng tôi mới được gặp ông. Những năm ấy, ông hay vào Biên Hòa - Đồng Nai do một người con trai của ông lập nghiệp nơi đây.

Bữa gặp gỡ đầu tiên giữa nhà thơ Vân Long và những người bạn văn chương Đồng Nai do nhà thơ Trần Ngọc Tuấn tổ chức rất trang trọng tại Thiên Hương quán. Thực ra bạn bè văn chương cùng thế hệ nhà thơ Vân Long ở Đồng Nai lúc ấy chỉ có nhà văn Hoàng Văn Bổn - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Giám đốc  NXB Đồng Nai. Nhà văn Hoàng Văn Bổn năm ấy còn khỏe, ông nhẩn nha đạp xe từ Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai về và ghé vào chỗ chúng tôi. Những người có mặt hôm đó gồm: nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà thơ Vân Long, nhà văn Khôi Vũ, nhà văn Nguyễn Đức Thọ, nhà thơ Trần Ngọc Tuấn và tôi. Nếu nhớ không lầm thì bữa đó nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn đang trong đoàn công tác phía Nam của Bộ  GD-ĐT cũng ghé đến chung vui.

Sau này chúng tôi biết ở Biên Hòa nhà thơ Vân Long còn có một vài người bạn thuở ông là diễn viên Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Tấm ảnh lịch sử Bác Hồ chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn bài Kết đoàn, hai diễn viên ngồi phía trước dàn nhạc, người bên phải chính là Vân Long, người góc bên trái là nhạc sĩ Nguyễn Văn Vy, sau này là Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai.

Nhiều lần sau chúng tôi được ngồi uống cà phê với ông bên bờ sông Đồng Nai mỗi lần ông ghé Biên Hòa. Quán cà phê chúng tôi thường chọn là Cây Bàng có đôi cây bàng sum suê tỏa tán. Những buổi sáng thả hồn lãng đãng trong cái mát dịu của buổi sớm phương Nam, trước mặt là dòng Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa nở rộng và chầm chậm chảy. Bên kia sông, những mái tôn, mái ngói liền kề của làng gốm Bửu Hòa. Xa kia là núi Châu Thới tạo hình thế núi sông tương ái. Vài dề lục bình hoa nở tím dập dềnh theo dòng nước lượn qua. Một, hai chú cò trắng muốt co chân đậu trên những dề lục bình an nhiên, thư thả. Cảnh vật như vẫn còn lưu lại nét hoang sơ tĩnh lặng cho hồn người thưởng dưỡng. Nhịp đời trôi chầm chậm khác hẳn cái sôi động, hối hả của xa lộ đường phố, của các nhà máy, khu công nghiệp san sát ngoài kia. Ngồi bên ông, chúng tôi cảm giác được gần Hà Nội hơn, gần đời sống văn chương kinh thành hơn.

Không biết nhà thơ Vân Long nghĩ gì trong những buổi cà phê bên sông Đồng Nai ấy. Sau này, chúng tôi được đọc những dòng thơ của ông:

Chiều buông hút mắt trên sông Phố

Sắc tím lênh loang tận cuối dòng

Sông tím hay hồn người lữ thứ

Đong chiều ngăn ngắt một bầu không

(Chiều Đồng Nai)

Có thể ông còn viết nhiều nữa những xúc cảm về Biên Hòa - Đồng Nai nhưng chỉ tuyển chọn, chiu chắt trong một tứ tuyệt lắng đọng phảng phất hơi Đường thi này thôi.

Đôi lần ông ghé thăm cơ quan Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, trò chuyện cùng nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà thơ Thu Bồn từ suối Lồ Ồ (Bình Dương) qua. Ông chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm trong sáng tác, biên tập.

Có lần, ông tâm sự về tâm trạng trong chờ đợi kết quả xét nghiệm nghi bị ung thư vừa tháng trước. Chấp nhận và thanh thản bởi đã sống một cuộc sống bình đạm, có phần hơi lặng lặng, nhiều cẩn trọng nhưng không có gì phải ân hận, hối tiếc, bởi: “Sáu lăm năm trên đời/ Đã kịp làm bao việc”. Và biết mình, biết người: “Rồi cũng đến tầm ấy thôi/ Làm sao có thể thành mây/ Bay tới những miền chưa biết” (Ngọn cây).

Một buổi sáng ngồi cùng ông ở quán Cây Bàng, chúng tôi nhận được tin dữ và tức tốc chạy đến tư gia nhà văn Hoàng Văn Bổn. Tới nơi, nhà văn Hoàng Văn Bổn vừa mất, được người nhà đặt nằm trên chiếc giường nhỏ, có tấm giấy vàng phủ mặt. Bất chợt, một làn gió nhẹ thổi lật tờ giấy vàng, hiện ra gương mặt nhà văn như đang nằm ngủ. Dường như nhờ làn gió nhẹ, nhà văn Hoàng Văn Bổn chào từ biệt lần cuối người bạn cùng thế hệ Vân Long và lũ chúng tôi - những học trò gần gũi của ông.

***

Bây giờ thì nhà thơ Vân Long đã bay về miền xa thẳm. Những năm cuối đời ông về tĩnh dưỡng tại Hà Nội, không có dịp trở lại Biên Hòa - Đồng Nai nữa. Nhớ ông, chúng tôi hay trở lại quán cà phê Cây Bàng. Quán Cây Bàng cũng đã khác xưa. Những dề lục bình không còn lượn vòng tha thẩn nữa. Tuy nhiên, vẫn còn đôi ba cánh cò trắng chập chờn ẩn hiện trên mặt sóng lăn tăn phía xa xa trong nắng sớm. Tôi lại ngồi với những câu thơ của nhà thơ Vân Long, dường như ông đang nói:

Đêm dài quá, nằm không ngủ

Đời ngắn quá! Yêu chưa đủ!

Lặng đếm thời gian trôi…

(Dưới lá xanh)

…Cuối trang

Người nhận dấu chấm hết

Người đòi dấu chấm than

Tôi xin ba chấm lửng

Ném vào vô tận thời gian.

(Cuối trang).

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều