Báo Đồng Nai điện tử
En

"Tôi mong muốn gìn giữ và phát triển đô thị bền vững qua những dự án văn hóa"

09:05, 28/05/2022

Bảo tồn di sản đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là trách nhiệm của người dân đang sinh sống tại các đô thị Việt Nam và thế giới. Mang tâm thế của người con Đà Lạt có trách nhiệm với thành phố mình sinh ra, anh Nguyễn Trung Hiền, người sáng lập dự án Phố bên đồi đã tổ chức nhiều hoạt động vừa quảng bá hình ảnh, vừa giữ được nét đẹp văn hóa vốn có, góp phần đưa thành phố này trở thành điểm đến về nghệ thuật.

Bảo tồn di sản đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là trách nhiệm của người dân đang sinh sống tại các đô thị Việt Nam và thế giới. Mang tâm thế của người con Đà Lạt có trách nhiệm với thành phố mình sinh ra, anh Nguyễn Trung Hiền, người sáng lập dự án Phố bên đồi đã tổ chức nhiều hoạt động vừa quảng bá hình ảnh, vừa giữ được nét đẹp văn hóa vốn có, góp phần đưa thành phố này trở thành điểm đến về nghệ thuật.

Không chỉ dừng ở Đà Lạt, anh Hiền với sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng, các tập đoàn lớn đã phát triển dự án đến TP.HCM, Hà Nội và các đô thị khác. Theo anh Hiền, giới trẻ ngày nay rất có trách nhiệm với đất nước, vấn đề là tạo cho họ có môi trường, cơ hội để thử nghiệm, khám phá các niềm đam mê.

* Từ thành phố du lịch, nghĩ về thành phố văn hóa

 Phố bên đồi là dự án dài hơi, dự án này ra đời bắt nguồn từ đâu, thưa anh?

- Tôi vốn sinh ra ở Đà Lạt. Thành phố này đẹp trong mắt du khách cả nước, với tôi nó rất đỗi quen thuộc. Tôi có duyên tiếp xúc với nghệ thuật khi theo học tại đại học chuyên ngành mỹ thuật, rồi ra trường lại làm trong môi trường liên quan đến thiết kế sáng tạo, tôi nhận thấy ở TP.ĐàLạt cũng như nhiều thành phố khác trên cả nước, đang dần mất đi những di sản kiến trúc văn hóa.

Càng có thời gian làm việc, đi lại nhiều nơi trên thế giới, khám phá các thành phố, tôi cảm nhận được những điểm đến du lịch, thành phố văn hóa được quy hoạch, phát triển hài hòa, có sự kết nối giữa di sản và hiện đại, thế nhưng chúng ta lại đang mất dần đi điều đó. Những câu hỏi cứ đặt ra trong tôi, là phải làm gì, dù là nhỏ thôi, để gìn giữ di sản, nét đẹp của quê hương?

* Vậy khi nào anh bắt tay thực hiện các ý tưởng của mình?

- Phố bên đồi của chúng tôi ra đời từ năm 2016, nhưng trước đó đã có những hoạt động kết nối. Tôi nhớ về quá khứ và bỗng mong muốn làm sao níu kéo lại được những vẻ đẹp của quá khứ.

Và thế là tôi kêu gọi những họa sĩ trẻ cùng nhau giữ lại quá khứ qua dự án vẽ tranh. Cũng phải nói rằng các bạn trẻ đã rất hưởng ứng ý tưởng này của tôi. Dự án triển lãm tranh đầu tiên khi đó có hơn 40 bức tranh phản ánh nhiều chủ đề danh thắng, con người, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Các bức tranh đều hướng tới thông điệp về sự biến đổi môi trường và ảnh hưởng của nó tới cuộc sống thị dân.

Sự quan tâm của mọi người, du khách cho Phố bên đồi lần 1 vào năm 2016 đã tiếp sức cho chúng tôi thực hiện nhiều dự án dài hạn sau này. Trong đó, dịp kỷ niệm 125 năm TP.Đà Lạt hình thành và phát triển vào năm 2018, các dự án của chúng tôi lại càng được nhiều người quan tâm, được chính quyền đồng hành, hỗ trợ.

* Các hoạt động của dự án bao gồm những lĩnh vực nào?

- Chúng tôi hướng đến chương trình nghệ thuật mang tính cộng đồng với nhiều hình thức nghệ thuật đương đại như: vẽ tranh, triển lãm, hòa nhạc, thảo luận chuyên đề về ký họa và cảnh quan đô thị; hoạt động thiện nguyện với trẻ em vùng cao; xây dựng làng bích họa tại khu dân cư, giao lưu với khách du lịch và gây quỹ cộng đồng…

Những hoạt động ấy muốn nói rằng ngoài thiên nhiên tươi đẹp, đây còn là điểm đến văn hóa độc đáo. Chúng tôi muốn khuyến khích công chúng nâng cao nhận thức về bảo tồn đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thành phố này hiện tại chỉ được gọi là điểm du lịch. Nhưng nếu làm tốt việc giữ gìn các di sản kiến trúc, đẩy mạnh hoạt động nghệ thuật thì có thể trở thành thành phố sáng tạo hay thành phố nghệ thuật như các đô thị khác.

Một hoạt động của dự án Phố bên đồi. Ảnh: NVCC
Một hoạt động của dự án Phố bên đồi. Ảnh: NVCC

* Nghệ thuật sẽ kết nối những đam mê

* Mang mong mỏi lớn, dự án có nhiều hoạt động, chắc chắn phải có sự đồng hành của nhiều người, anh đã làm gì kết nối họ lại với nhau?

- May mắn cho tôi là trong quá trình làm việc, tôi nhận được sự trợ giúp của rất nhiều người, trong đó đa số là những người trẻ. Họ yêu Đà Lạt và có những đam mê, ý tưởng nhưng lại chưa có cơ hội thể hiện ra. Phố bên đồi mong muốn kết nối họ lại với nhau. Nghệ thuật là điều kỳ diệu để kết nối những đam mê, và các dự án của chúng tôi có thể nói đã tạo được sân chơi để mọi người có thể thả sức sáng tạo của mình vì tình yêu với quê hương, đất nước.

Chúng tôi vừa mở thêm không gian sáng tạo Phố bên đồi. Đây sẽ là nơi kết nối những người yêu nghệ thuật, để cùng trò chuyện, trao đổi và mơ mộng thông qua các triển lãm, cuộc hội thảo, không gian dạy vẽ, âm nhạc, tủ sách nghệ thuật, một không gian làm việc dành cho các bạn trẻ trong lĩnh vực sáng tạo.

* Anh nhận xét như thế nào về những vấn đề mà đô thị Việt Nam đang gặp phải hiện nay?

- Đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh, các thành phố phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, đô thị hóa, bê tông hóa, kẹt xe, các công trình bỏ hoang và thiếu các không gian văn hóa công cộng... Cuộc sống hối hả khiến con người dần lãng quên đi những giá trị kết nối từ văn hóa, nghệ thuật và sự phát triển bền vững.

Phố bên đồi, vì thế theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững, chúng tôi muốn tiên phong tạo ra nền tảng kết nối các nguồn lực trong cộng đồng. Cùng với Đà Lạt, được tiếp sức từ cộng đồng, các doanh nghiệp lớn và sự quan tâm hơn của mỗi địa phương, chúng ta có thể mở rộng ra các thành phố khác.

* Bỏ tâm huyết vào các dự án mà mình theo đuổi bấy lâu, niềm vui lớn nhất của anh thu được là gì?

- Nếu để nói về lợi nhuận đơn thuần thì những hoạt động nghệ thuật sẽ rất khó. Bạn phải có tình yêu và lòng đam mê mới có thể theo đuổi dài hơi được.

Lợi nhuận lớn nhất mà chúng tôi có được là dự án đã được rất nhiều người biết tới và chung tay ủng hộ. Hiện tại chúng tôi vẫn xác định đây là dự án vì cộng đồng, không vì lợi nhuận. Chúng tôi muốn vun đắp sự tự hào về di sản và bồi dưỡng nhận thức để bảo tồn di sản bằng việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại đa hình thái.

Phố bên đồi kỳ vọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của Đà Lạt nói riêng, các đô thị khác của Việt Nam nữa. Bởi mỗi thành phố đều có văn hóa của riêng. Thành phố nào cũng cần văn hóa để truyền nguồn cảm hứng và kiến tạo không gian, tìm ra những cách thức mới nhằm hài hoà giữa con người và môi trường xung quanh.

Văn hóa là công cụ mạnh mẽ trong việc giải quyết các thách thức về môi trường và chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ cần kết nối cùng nhau để thực hiện nhiệm vụ cao cả ấy.

* Xin cảm ơn anh!

Tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật đồ họa Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, anh Nguyễn Trung Hiền làm việc cho một thương hiệu xe Đức ở Việt Nam, công việc thiết kế liên quan tới mảng sự kiện, dự án xã hội. Gần chục năm sau, Hiền khởi xướng dự án nghệ thuật cộng đồng. Phố bên đồi, dự án khởi nghiệp của anh Hiền cùng các bạn trẻ đã gọi vốn thành công cho nhiều dự án, tham gia trong nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, khoa học và sáng tạo ở Đà Lạt và Việt Nam.

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều