Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp (DN), các cơ sở sản xuất, kinh doanh của những người trẻ.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp (DN), các cơ sở sản xuất, kinh doanh của những người trẻ.
Chị Nguyễn Ngọc Trà My, ở ấp 2, xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch) nhận đơn đặt online của khách tại điểm bán trà sữa ở xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch. Ảnh: N.Sơn |
Là những DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh có tuổi đời vài năm, vài tháng nhưng điều đáng quý là những “ông chủ, bà chủ trẻ” lại quyết tâm bám trụ và tìm cách để thích nghi với tình hình dịch bệnh.
* Khó khăn không chừa một ai
Sau khi thất bại với quán trà sữa và bánh rán Doraemon tại TP.HCM, chị Nguyễn Ngọc Trà My, ở ấp 2, xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch) trở về quê làm lại từ đầu. Cha mẹ có cửa hàng kinh doanh đồ điện gia dụng nên chị My đã trang bị một chiếc xe bán trà sữa đặt ở mặt tiền của cửa hàng bán thử nhằm thăm dò thị trường. Chị Trà My cho biết, xe trà sữa nhỏ gọn ấy mang lại cho chị thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí.
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Nguyễn Vũ Huy Hoàng cho rằng, để “sống” qua đại dịch, người trẻ khởi nghiệp cần linh động chuyển đổi mô hình dịch vụ đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh đó, cần xem mình có thể “cầm cự” được bao lâu để đưa ra chiến lược phù hợp; biết xoay trục kinh doanh - thay đổi ngành nghề, cắt giảm các chi phí không đáng có… |
Tại H.Nhơn Trạch khi ấy lại chưa có nhiều điểm kinh doanh trà sữa nên chị Trà My đã mở thêm chi nhánh tại xã Vĩnh Thanh và xã Đại Phước. Để thu hút nhiều đối tượng khách, chị không ngần ngại đến các quán bán trà sữa, đồ ăn vặt đang được giới trẻ yêu thích ở TP.Biên Hòa, TP.HCM để uống và nghiên cứu cách pha chế. Từ chỗ chỉ có một loại trà sữa truyền thống nhiều hương vị, các loại nước ép, đến nay quán của chị đã có được 40 loại thức uống khác nhau. Bên cạnh việc đa dạng về chủng loại, chất lượng nước uống, để nhiều khách hàng biết đến, chị Trà My còn mở rộng kinh doanh bằng hình thức online. Nhờ vậy, thời điểm kinh doanh tốt, 3 cơ sở kinh doanh trà sữa của chị đem lại thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ những tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, công việc kinh doanh của chị đã bị ảnh hưởng. Chị Trà My chia sẻ, lượng khách đến quán uống giảm hẳn, chỉ còn lại khách mua mang về và đặt online. Vì thế doanh thu cũng giảm gần một nửa. Trong bối cảnh đó, chị Trà My đã phải giảm một điểm kinh doanh, giảm nhân viên nhằm giảm bớt chi phí.
Bên cạnh duy trì mô hình trồng nấm bào ngư, trồng rau sạch, chăn nuôi heo gà, cuối năm 2020, chị Hoàng Thị Vân, ở ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất) đã cùng với bạn kinh doanh thêm quán ăn. Vừa khai trương chưa lâu thì dịch bệnh Covid-19 trở lại khiến cho lượng khách đến quán giảm mạnh. Để có thể vượt qua đại dịch, chị Vân cũng đã trao đổi với gia đình cho thuê mặt bằng chia sẻ khó khăn bằng cách giảm bớt chi phí thuê mặt bằng đồng thời cắt giảm tối đa nhân viên phục vụ, giữ xe, rửa chén, phụ bếp…
Anh Nguyễn Vũ Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Truyền thông Hmedia đào tạo marketing online cho doanh nghiệp trước đợt dịch. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp |
Xuất hiện chưa lâu nhưng cái tên bánh mì Grandma Lu đã được một bộ phận người dân TP.Biên Hòa biết đến. Anh Lưu Quý Đồng, ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) - một trong những người đưa bánh mì Grandma Lu đến với người dân TP.Biên Hòa chia sẻ, trong hành trình khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn mở thêm chi nhánh tại TP.HCM.
Anh Đồng kể, tháng 2-2020, anh chính thức nhận bàn giao mặt bằng để mở chi nhánh ở TP.HCM thì dịch bùng phát. Những tháng đầu tiên, nhóm của anh phải bỏ kinh phí dự phòng để thanh toán chi phí mặt bằng. “Chính thời điểm tưởng chừng khó khăn ấy đã giúp chúng tôi thay đổi để có thể duy trì được công việc kinh doanh trong tình hình dịch bệnh” - anh Đồng bộc bạch.
* Thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh
Theo chia sẻ của anh Đồng, để có thể vượt qua những khó khăn trong tình hình dịch bệnh, nhóm của anh đã đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các điểm kinh doanh. Nhóm đã quyết định chỉ tập trung kinh doanh ở 1 điểm tại đường Nguyễn Văn Hoa (TP.Biên Hòa) và tập trung mở rộng kinh doanh tại TP.HCM. Tại TP.HCM, anh chủ động kết nối với các DN, đẩy mạnh chương trình quảng cáo trên các website bán đồ ăn để giới thiệu sản phẩm, tăng cường các chương trình khuyến mãi... Điều quan trọng hơn cả là nhóm đã có chiến lược để xây dựng thương hiệu, thay đổi chất lượng và cho ra các dòng sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Trong khi các DN, cơ sở sản xuất phải loay hoay tìm cách vượt qua khó khăn vì dịch bệnh thì anh Nguyễn Vũ Huy Hoàng lại thành lập Công ty Truyền thông Hmedia chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ DN làm website, chạy truyền thông online, digital marketing và đặc biệt là quay video để truyền thông…
Anh Hoàng cho hay, anh thành lập DN là để đón đầu cơ hội do dịch bệnh gây ra. Bởi trong dịch bệnh, các DN hay cơ sở kinh doanh dịch vụ sẽ không thể hoạt động theo hình thức truyền thống, thay vào đó sẽ là các hình thức online. Tuy nhiên, sau khi Hmedia ra đời không hoàn toàn gặp thuận lợi, bởi ngoài truyền thông marketing, Hmedia còn có thêm mảng tổ chức sự kiện. Dịch bệnh xảy ra, mảng tổ chức sự kiện không thể thực hiện được nên buộc anh Hoàng phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh đó là chuyển sang tổ chức các sự kiện online - cung cấp các giải pháp về livestream; bổ sung nội dung đào tạo marketing online cho DN - hướng dẫn để họ tự quay bằng điện thoại để giảm chi phí. Đặc biệt, Hmedia còn đưa ra các gói dịch vụ phù hợp để đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN. Theo anh Hoàng, với cách làm này lợi nhuận thu về không cao, chỉ đủ đảm bảo cho DN hoạt động nhưng lâu dài đây lại là cách để các DN nhớ đến Hmedia, ủng hộ Hmedia trong tương lai.
Với mục đích tạo ra những ly cà phê chất lượng để mọi người được trải nghiệm, góp phần lan tỏa giá trị của cà phê Việt bằng sự tử tế và nâng chất lượng đời sống người nông dân trồng cà phê…, chuỗi cửa hàng cà phê rang xay mộc tại TP.Biên Hòa (Mr.Huy Coffee) đã có được số lượng khá lớn khách hàng quen. Tuy nhiên để phù hợp với tình hình dịch bệnh, Mr.Huy Coffee cũng đã có sự điều chỉnh để tiếp tục làm tốt sứ mệnh của mình.
Chị Nguyễn Lâm Thanh Hiền, Giám đốc marketing Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huy Trần
(Mr.Huy Coffee là thương hiệu thuộc công ty) cho biết, trong đại dịch, chuỗi cửa hàng cà phê rang xay mộc may mắn vẫn giữ được doanh thu ổn định. Có được kết quả này là nhờ chuỗi cửa hàng đã có gói ứng biến với dịch bằng cách tăng cường giao hàng, chuẩn bị các sản phẩm pha sẵn phục vụ khách hàng…
Nga Sơn