Báo Đồng Nai điện tử
En

Để 'than đá' thành 'kim cương'

11:01, 08/01/2021

Với ý chí mạnh mẽ, lòng quyết tâm cao, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (sinh năm 1985) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Dược liệu năm 28 tuổi.

Với ý chí mạnh mẽ, lòng quyết tâm cao, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (sinh năm 1985) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Dược liệu năm 28 tuổi. Với chị, khi đã vượt qua được thử thách trong nghiên cứu khoa học cũng như quá trình tôi luyện để biến “than đá” thành “kim cương” thì không khó khăn nào không thể vượt qua.

TS Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trưởng khoa Dược, Trường đại học Lạc Hồng quan sát sinh viên thực hành. Ảnh: H.Yến
TS Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trưởng khoa Dược, Trường đại học Lạc Hồng quan sát sinh viên thực hành. Ảnh: H.Yến

TS Nguyễn Thị Như Quỳnh hiện là Trưởng khoa Dược, Trường đại học Lạc Hồng.

* Ba - người thầy quan trọng của cuộc đời

TS Nguyễn Thị Như Quỳnh là con gái đầu lòng trong một gia đình nông dân ở tỉnh Bến Tre. Dù sống trong cảnh thiếu thốn nhưng ba chị lại là người có tư duy tiến bộ. Ông cho rằng, nếu ở quê, con gái mình sẽ bỏ học, làm nông và lấy chồng sớm, mãi mãi trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, không tiến bộ. Do chiến tranh, thuở nhỏ ông không được đi học nhưng với mong muốn làm gương cho con, ông đã cố gắng học bổ túc hết lớp 12, giữa cái nghèo bủa vây và 3 đứa con gái nheo nhóc.

Để các con được ăn học đàng hoàng, ông đã quyết tâm rời quê lên TP.HCM lập nghiệp. Với ông, sự thành công và địa vị của con người trong xã hội không phải chỉ đo đếm bằng tiền bạc, sự giàu có mà cái chính là ở học thức, tư duy. Ông mong muốn các con của mình phải được học đại học và ông sẵn sàng bươn chải, mạo hiểm để làm được điều đó.

Chuyển trường, cô học trò vốn luôn xếp hạng nhất ở trường làng bị “khớp” khi vào học lớp chọn của trường học ở thành phố. Quỳnh không chịu nổi áp lực đã xin ba chuyển lớp nhưng ông không đồng ý mà bảo con nhất định phải cố gắng. “Vì sự kiên quyết của ba nên tôi đã không bỏ cuộc, nỗ lực vươn lên tốp 10 của lớp. Nếu không nhờ sự mạnh mẽ đó của ba, có lẽ tôi đã không thể thành công như bây giờ” - chị Quỳnh nhớ lại.

Đối với giảng viên trẻ này, ba chính là người thầy đã truyền cảm hứng và là tấm gương về sự kiên trì vượt khó, không bao giờ bỏ cuộc. “Ba tôi nói rằng, vì các con, ba đã đánh đổi rất nhiều nên các con phải nỗ lực. Con làm chị cả thì con là tấm gương lớn cho các em và con rất quan trọng với ba. Nếu con học đại học thì tệ lắm em con cũng học hết lớp 12. Nếu con học thạc sĩ, tiến sĩ thì em con tệ lắm cũng học được đại học… Ngược lại, nếu con là trộm cướp thì em con cũng là trộm cướp. Con đường, tương lai là do con quyết định”… Đó là những lời của ba mà tôi không bao giờ quên”. Mỗi khi gặp biến cố trong cuộc sống, tôi luôn nhớ đến câu nói ấy để mà phấn đấu”- TS Quỳnh tâm sự.

* Hoàn thành “mục tiêu kép”

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Quỳnh sang Nga theo học ngành Dược tại Viện Y khoa Sechenov (TP.Moscow). Tốt nghiệp đại học năm 2009, chị ở lại Nga làm nghiên cứu sinh tại Trường đại học Y khoa số 1 Sechenov với chuyên ngành Dược liệu. Năm 2011 chị kết hôn và đến năm 2013, khi đang ở giai đoạn nước rút làm luận án tiến sĩ thì chị có thai.

“Về Việt Nam thăm nhà rồi quay trở lại Nga được 1 tháng sau thì tôi mới biết mình có thai. Khi đó sức khỏe tôi rất kém, không thể tự nấu ăn mà còn bị dọa sẩy thai. Ở nhà, gia đình rất lo lắng nên gọi tôi về. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình về Việt Nam rồi thì có thể sẽ bỏ cuộc trong khi chỉ còn mấy tháng nữa là hoàn thành luận án. Vậy là tôi quyết định ở lại” - chị Quỳnh kể.

Tôi biết ơn các đồng nghiệp của mình

Điều quan trọng của một người khi làm việc cũng như khi làm nghiên cứu khoa học là phải có đồng nghiệp. Một người không thể làm hoàn chỉnh mọi thứ nhưng nhiều “cái đầu” thì sẽ nghĩ ra nhiều thứ. Khoa Dược của chúng tôi hiện có 70 giảng viên cơ hữu. Các thành viên trong khoa đều giúp đỡ lẫn nhau, không nề hà, không tính toán công sức.

Để vừa làm tốt công việc quản lý, vừa làm tốt chuyên môn, ngoài nỗ lực của bản thân thì tôi còn nhờ có sự trợ lực của những đồng nghiệp tuyệt vời. Tôi biết ơn các đồng nghiệp của mình và đó là lý do để gắn bó với nơi này”.

Quãng thời gian đó, thời tiết của Nga đang là mùa đông. Ngoài trời lạnh giá, tuyết rơi, đường trơn trượt nhưng mỗi ngày chị đều phải mất 2 tiếng từ nhà ra tuyến metro để đi đến phòng nghiên cứu và ngược lại. Phòng nghiên cứu của trường nằm trong một khu rừng vắng nhưng bao giờ chị cũng phải hoàn thành xong mọi việc rồi mới về. Vì thế, nhiều hôm 8, 9 giờ tối chị phải một mình mò mẫm băng rừng để đến nhà ga đón tàu trở về nhà nghỉ ngơi.

Chị Quỳnh nhớ lại: “Những lúc ấy, tôi rất sợ nhưng luôn tự động viên mình không được bỏ cuộc. Tôi tự nói với mình: “phải sinh con an toàn và lấy được bằng tiến sĩ”. Nhiều khi áp lực, buồn bã, vừa ăn cơm vừa khóc nhưng rồi lại gạt tất cả sang một bên để tiếp tục công việc nghiên cứu”.

Cuối cùng, mọi nỗ lực cũng được đền đáp. Chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi mới 28 tuổi và đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ, kịp trở về nước, sinh con an toàn. Nhớ lại hành trình ấy, chị cho rằng đó là quãng thời gian khó khăn nhất nhưng cũng để lại những kỷ niệm đẹp khó quên trong cuộc đời. Với những gì đã làm được, chị tin rằng không khó khăn nào mà mình không thể vượt qua.

TS Quỳnh cho rằng, ngoài kiến thức, điều lớn nhất mà chị học được từ các giáo sư, các nhà khoa học Nga chính là tinh thần cống hiến cho khoa học, cho Tổ quốc. Chị cho biết: “Trong cảm nhận của mình, tôi thấy các nhà khoa học Nga có tình yêu mãnh liệt dành cho khoa học. Họ luôn nghiên cứu với tâm thế cống hiến chứ không phải vì bằng cấp, địa vị”.

Bản thân chị Quỳnh đã chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tinh thần cống hiến trong khoa học của các nhà khoa học Nga. Chị cho rằng khi người ta làm việc bằng cả trái tim thì kết quả bao giờ cũng tốt hơn.

* Truyền “lửa” cho sinh viên

Sở hữu bằng tiến sĩ chuyên ngành Dược liệu, TS Nguyễn Thị Như Quỳnh nhận được nhiều lời mời hấp dẫn. Tuy vậy, chị đã chọn Trường đại học Lạc Hồng làm nơi gắn bó bởi chị có thiện cảm với ngôi trường “tỉnh lẻ” này.

Nhà ở TP.HCM, mỗi ngày, chị thức dậy từ 4 giờ 30 sáng, 5 giờ 30 ra khỏi nhà để kịp đón xe đưa rước của trường. Tại trường, TS Quỳnh vừa giảng dạy, vừa làm nghiên cứu khoa học đến 4 giờ chiều thì lên xe trở về, có hôm tận 7 giờ tối mới tới nhà. Nhưng về nhà không có nghĩa là hết việc. Kể từ khi được bổ nhiệm Trưởng khoa Dược (năm 2018), công việc của TS Quỳnh càng bận rộn hơn.

Chia sẻ về công việc hiện tại của mình, TS Quỳnh cho hay, ngành Dược là chuyên ngành về sức khỏe nên chất lượng chuyên môn phải luôn được đặt lên hàng đầu. Sinh viên ngành Dược phải học một khối lượng kiến thức lớn với hơn 100 môn học nên khó tránh khỏi tình trạng nhiều sinh viên bị rớt môn, nợ môn. Vì vậy, thách thức lớn nhất của khoa Dược là phải kiên định giữ vững chất lượng đào tạo nhưng đồng thời phải chăm sóc, đồng hành để sinh viên không bỏ cuộc giữa chừng.

Điều khiến vị tiến sĩ trẻ này hài lòng chính là sự đồng thuận, ủng hộ tinh thần của tập thể cán bộ, giảng viên trong khoa. TS Quỳnh cũng thừa nhận, sự mạnh mẽ, cứng rắn của ba đã ảnh hưởng đến tính cách và phong cách làm việc của chị.

“Đối với học trò, ngoài giảng dạy kiến thức, tôi luôn luôn tạo động lực cho các em, mong muốn các em yêu ngành nghề mà các em đang học và yêu những gì mà các em đang làm. Đó là cái đẹp trong cuộc sống mà tôi mong các em cảm nhận được. Tôi muốn sinh viên của mình biết rằng, dù các bạn có chưa giỏi thì thầy cô cũng không bao giờ bỏ cuộc với các bạn, vì đối với tôi, sinh viên chính là “con”, không ai bỏ rơi “con” của mình cả. Chỉ cần các bạn phấn đấu, kiên trì, các bạn sẽ thành công”- chị cho biết.

Về định hướng trong nghiên cứu khoa học, TS Quỳnh cho hay, bản thân chị và các thành viên trong Khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng sẽ tập trung nghiên cứu khoa học ứng dụng. Trong đó, khoa sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để nghiên cứu sản phẩm ứng dụng nhằm thương mại hóa sản phẩm.         

Hải Yến

Tin xem nhiều