Báo Đồng Nai điện tử
En

Những chuyến tàu mùa Xuân

09:01, 17/01/2020

Không phải ai cũng may mắn được làm việc và học tập trên quê hương của mình, với những người xa quê lập nghiệp thì Tết là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Đó là lúc để tất cả chúng ta tạm ngừng mọi tất bật trong cuộc sống để trở về với gia đình, tình thân.

Không phải ai cũng may mắn được làm việc và học tập trên quê hương của mình, với những người xa quê lập nghiệp thì Tết là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Đó là lúc để tất cả chúng ta tạm ngừng mọi tất bật trong cuộc sống để trở về với gia đình, tình thân. Muốn nghe Tết rộn ràng như thế nào, muốn nhìn Tết hối hả ra sao thì cứ đến sân ga những chiều cuối năm sẽ cảm nhận được tất cả. Những chuyến tàu chở mùa Xuân nối nhau đưa hành khách về quê ăn Tết luôn mang lại nhiều cảm xúc nhất.

Hành khách lên tàu tại Ga Biên Hòa về quê đón Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Q.Nhật
Hành khách lên tàu tại Ga Biên Hòa về quê đón Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Q.Nhật

1. Sân ga những ngày giáp Tết, tấp nập và rộn ràng. Dòng người hối hả qua lại mang theo lỉnh kỉnh những hành lý, những vòng tay quyến luyến chạm nhau giữa ánh mắt khấp khởi đầy hào hứng của những người sẽ bước lên chuyến tàu sắp khởi hành. Ánh mắt của người ở lại như chứa đựng trong đó một nửa của cô đơn, nửa của mong ngóng, đợi chờ...

Như bao người con xa quê khác, tôi bước vào “chuyến di dân” lớn nhất năm với mong đợi của người trở về giây phút được đoàn viên cùng gia đình. Dắt tay cậu con trai 6 tuổi với vô số hành lý chen chân trên những lối đi chật hẹp tiến về phía trước, bắt đầu hành trình cùng những con người chẳng hẹn mà quen. Sau một hồi “lao nhao” trên khoang tàu nhỏ, hành khách bắt đầu ổn định chỗ ngồi cũng là lúc đoàn tàu kéo còi tạm biệt sân ga. Dưới sân, đoàn người đưa tiễn chào nhau bằng cái vẫy tay, cái gật đầu hay đơn giản chỉ là họ đứng đó, lặng lẽ mỉm cười.

Năm nay, vì mua vé trễ nên tôi chỉ có thể cùng con ngồi khoang ghế cứng không điều hòa. Khoang tàu này đa phần là các bạn sinh viên, những người lao động thu nhập thấp và có cả những cô, bác trên tuổi 60. Họ bảo, chọn ghế ngồi cứng là bởi bị say tàu và không chịu được “mùi” của điều hòa. Hành lý của mọi người được đặt la liệt, từ trên kệ cho đến dưới sàn nhưng không vì thế mà họ chen lấn hay lớn tiếng với nhau. Sau vài phút bỡ ngỡ, mọi người cùng nhau chuyện trò, mỉm cười, hỏi thăm những người kế bên xuống ga nào, quê ở đâu, năm vừa rồi công việc thuận lợi hay khó khăn?... Các câu chuyện tưởng như chẳng đầu, chẳng cuối nhưng rất chân thành ấy từ lúc nào đã kéo những con người xa lạ xích lại gần nhau hơn.

2. Còn nhớ đúng thời gian này năm ngoái, sự cố tàu SE1 trật bánh ở Bình Thuận đã khiến gần 10 đoàn tàu hủy chuyến, hàng ngàn hành khách vật vạ, mỏi mệt chờ đợi về quê đón Tết tại sân Ga Biên Hòa. Nhiều người trong công ty bảo với tôi rằng, sau này về quê hãy chọn máy bay, vừa nhanh mà lại vừa an toàn. Tuy nhiên, tôi vẫn thường chọn đi tàu hỏa cho cả gia đình. Đơn giản vì tiết kiệm. Vì với tôi, đường tàu còn một mình một hướng. Trên những chuyến tàu xa, tôi có thời gian nhớ về những năm tháng ấu thơ...

Ngày ấy, tôi gầy gò, đen nhẻm với mái tóc ngắn, thường lẽo đẽo theo mẹ “đội” thúng cơm gà lên chuyến “tàu chợ” duy nhất của ngày để bán. Cứ lên tàu là tôi thấy đông vui tấp nập, nhất là mỗi khi ngồi ở khoang gần cửa sổ. Chỉ cần mở mắt ra là cỏ cây, sông núi như trải thảm trước mặt mình. Lớn lên thêm một chút, tôi không còn “nhảy tàu” bán cơm cùng mẹ mà chỉ thích ở nhà đọc các mẫu truyện từ những trang sách, trong đó có truyện Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Lúc nào trong đầu cô gái mới lớn ấy cũng mong ước một lần được đến phố huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) để hình dung phố huyện ấy có giống vùng quê mà mình đang sống.

Nhà tôi ở sát ga xép của một huyện nghèo của tỉnh Quảng Bình. Vào ngày Tết, ga xép không rộn ràng như bây giờ. Hành khách lên tàu chỉ đi được chặng ngắn trong mấy tỉnh của miền Trung. Muốn vào Nam hay ra Bắc, phải đến ga trung tâm của phố huyện. Sát bên ga xép này, người dân lập ra khu chợ để buôn bán nhỏ. Tết đến Xuân về nhưng thời tiết vẫn còn chìm trong sương mù của những ngày đông giá. Xung quanh chợ không có hoa, người mua thưa vắng, hàng quán liêu xiêu. Đã vậy, mưa nhiều, xóm núi buồn hiu hắt, ga xép lặng lẽ trong mưa. Chỉ có tiếng còi tàu dội vào vách núi vọng đến những ngôi nhà vẫn bao năm nương bên thung lũng im vắng.

3. Bây giờ, thanh xuân gần qua rồi, mà lòng người cứ ôm mãi những mộng mơ hồi mới lớn. Bởi thế, năm nào tôi cũng chọn tàu hỏa làm phương tiện để đi lại trong dịp Tết. Lúc này mới thấy cái cảm giác thích thú mỗi khi đi tàu hồi nhỏ là quá xa xỉ. Hai bên đường tàu bây giờ cũng khác, hầu như khắp chốn, nơi nào cũng chật chội và đông lên. Chỉ duy một điều, tiếng rao đêm ngang những trạm ga, hơi khói bốc lên từ những món ăn khuya, tiếng nói cười phấn khởi của những người chờ đợi về đoàn tụ cùng gia đình... Hình ảnh “sấp ngửa”, bình dị ấy luôn là điều ở lại sau cùng trên mỗi trạm dừng chân.

Chuyến tàu Tết hôm nay lại trở nên ấm áp khi trong toa, các bạn trẻ kết nối với những người xung quanh bằng cách xách giùm hành lý, nhường chỗ cho người già hay chuyện trò với cậu nhóc của tôi đang hào hứng với những cảm xúc mới khi đi tàu về quê. Con bảo với mọi người rằng, chuyến về quê là quà bố mẹ tặng bởi con học giỏi. Và đây là năm thứ ba con được cùng ông bà dọn dẹp, trang trí nhà cửa, đón giao thừa bên nồi bánh chưng nghi ngút khói... Những lời con kể cứ hồn nhiên tuôn ra khiến ai đó ngồi hàng phía sau thốt lên: Chú thấy con là ngoan nhất đấy, ăn gì cứ nói chú mua cho nhé!

Bỗng chuông điện thoại vang lên. Bên kia đầu dây, tiếng mẹ rộn ràng hỏi han: Tàu đến tỉnh nào rồi? Còn mấy ga nữa thì đến nhà? Cháu mẹ đã ăn gì chưa?... Lời mẹ nói chưa dứt, bỗng nhiên im bặt. “Lại mất sóng điện thoại” - ai đó thốt lên. Cùng con trai nhìn qua ô cửa, đoàn tàu vẫn đang lao mình vun vút chở theo những mong mỏi, hào hứng và xen lẫn hồi hộp. Tôi chợt thầm nghĩ, chẳng biết mình còn bao lần nữa đợi tàu để về nhà gặp gia đình? Và bao nhiêu người, bao nhiêu chuyến tàu chở mùa Xuân đã dừng chân rồi lại rời bến trên những sân ga, có ai đếm nổi?

Quang Nhật

Tin xem nhiều