Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, 3 tháng đầu năm 2023 (quý I-2023), đã có hơn 15,2 ngàn người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần, tăng gần 18% so với quý I-2022 và tăng 26,4% so với quý IV-2022. Tổng số tiền chi trả hơn 1 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, tháng 3-2023, số người rút BHXH một lần gần 7,7 ngàn người, tăng gần 5 ngàn người so với tháng 1-2023.
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, 3 tháng đầu năm 2023 (quý I-2023), đã có hơn 15,2 ngàn người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần, tăng gần 18% so với quý I-2022 và tăng 26,4% so với quý IV-2022. Tổng số tiền chi trả hơn 1 ngàn tỷ đồng. Đáng chú ý, tháng 3-2023, số người rút BHXH một lần gần 7,7 ngàn người, tăng gần 5 ngàn người so với tháng 1-2023.
Nguyên nhân chính là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, NLĐ bị mất việc làm nên có xu hướng rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống khó khăn trước mắt. Do đó, nếu không có giải pháp quyết liệt hơn trong việc giữ NLĐ trụ lại với BHXH, một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội thì trong thời gian tới, trước tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, dịch bệnh Covid-19 có xu hướng gia tăng trở lại, làn sóng NLĐ rút BHXH một lần sẽ chưa dừng lại.
Chính vì vậy, việc tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ cần tiếp tục được lãnh đạo tỉnh, cũng như các sở, ban, ngành quan tâm. Song song đó, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở LĐ-TBXH và ngành liên quan tăng cường hơn nữa các giải pháp hỗ trợ cuộc sống cho người lao động (đa dạng kênh tuyển dụng, kết nối việc làm; triển khai các gói vay tín dụng hỗ trợ NLĐ thất nghiệp…) để họ có việc làm tạm thời, có thu nhập giải quyết khó khăn, hạn chế rút BHXH một lần.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp NLĐ hiểu rõ về những lợi ích của BHXH khi NLĐ về hưu hoặc không còn khả năng lao động; cũng như những thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống BHXH. Về lâu dài, cần sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để tạo điều kiện cho nhiều NLĐ tham gia muộn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Hiện nay, có không ít NLĐ thất nghiệp nhưng vẫn cố bám trụ hệ thống BHXH. Họ linh động tìm nhiều nghề để mưu sinh (cụ thể như: buôn bán ở chợ, bán hàng online, giúp việc nhà, chạy Grab…) với hy vọng vượt qua thời điểm khó khăn trước mắt để trụ lại với hệ thống an sinh xã hội, để được hưởng những lợi ích lâu dài sau này. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực vượt khó của NLĐ thì vẫn cần những giải pháp đồng bộ từ các ngành chức năng mới giữ được NLĐ ở lại với hệ thống an sinh xã hội.
Đặng Ngọc