Quan sát kệ hàng thực phẩm, rau củ quả..., bất cứ ai cũng có thể nhận ra những sản phẩm có chứng nhận "hữu cơ" luôn có giá cao hơn ít nhất 50% so với sản phẩm cùng loại không được chứng nhận. Bởi với điều kiện hiện tại, sản xuất thực phẩm, rau củ quả hữu cơ đòi hỏi đầu tư công sức, công nghệ, vốn liếng, tri thức mạnh hơn nhiều so với các sản phẩm bình thường khác.
Quan sát kệ hàng thực phẩm, rau củ quả..., bất cứ ai cũng có thể nhận ra những sản phẩm có chứng nhận “hữu cơ” luôn có giá cao hơn ít nhất 50% so với sản phẩm cùng loại không được chứng nhận. Bởi với điều kiện hiện tại, sản xuất thực phẩm, rau củ quả hữu cơ đòi hỏi đầu tư công sức, công nghệ, vốn liếng, tri thức mạnh hơn nhiều so với các sản phẩm bình thường khác. Tuy vậy, không riêng Việt Nam mà quốc gia nào cũng đang định hướng phát triển ngành Nông nghiệp của mình theo hướng sạch, hữu cơ và được chứng nhận đàng hoàng.
Cách đây nhiều năm, Việt Nam cũng đã có đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ. Muốn xuất khẩu, muốn nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản (ở cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài) buộc ngành Nông nghiệp phải thay đổi từ gốc: nghĩa là thay đổi tư duy và tập quán canh tác, sản xuất theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn của thị trường.
Là địa phương được đánh giá giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, Đồng Nai đang triển khai thực hiện đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, phải xác định được các dự án, mô hình điểm về phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ hướng đến xuất khẩu. Phải định hướng phát triển, có phương án đề xuất, xây dựng vùng tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh phù hợp với định hướng chung về phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung theo các quy hoạch của tỉnh và có tính khả thi cao.
Cụ thể hơn, phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cây lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, ca cao, hồ tiêu, cà phê, điều, sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; các sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản. Song tất cả hiện đều chỉ đang ở bước khởi đầu và cần phải đầu tư thêm thời gian, nguồn lực thì mới nhân rộng được.
Tuy nhiên, nói đi cũng cần nói lại, để nông dân, doanh nghiệp yên tâm theo đuổi phương pháp sản xuất hữu cơ thì trước mắt ngay tại thị trường trong nước, sản phẩm hữu cơ cần được chứng nhận kịp thời, sòng phẳng, được trả giá cao hơn so với các sản phẩm “không hữu cơ” và nông dân phải thấy được đầu ra bền vững hơn.
Thực tế cho thấy, việc sản xuất và làm hồ sơ để đạt được chứng nhận hữu cơ là rất khó, hiện tại đa số có chứng nhận này đều là những doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệp chứ chưa thực sự phổ biến với cộng đồng nông dân. Bài học về sản phẩm VIETGAP, GlobalGAP mất nhiều công sức sản xuất nhưng cũng chỉ bán được với giá “thường” đã sớm làm nản lòng nông dân, doanh nghiệp. Vậy nên để nhân rộng nông nghiệp hữu cơ, lại càng cần đến những giải pháp, chính sách đồng bộ “ngoài sản xuất” như: hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ kênh phân phối, hỗ trợ xuất khẩu… cho sản phẩm hữu cơ.
Vi Lâm