Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là nước thuộc nhóm có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là nước thuộc nhóm có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Điều này cho thấy triển vọng của thị trường lao động năm 2021 khi làn sóng dịch chuyển đầu tư, mở rộng sản xuất của một số tập đoàn lớn tăng mạnh vào Việt Nam. Nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam như một điểm đến an toàn cao, nguồn lao động dồi dào, có chất lượng tốt.
Dự báo về sự khởi sắc của thị trường lao động tại Việt Nam đã trở thành hiện thực khi từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động ở nhiều khu công nghiệp trọng điểm của cả nước như: Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai... tăng cao với nhiều nhóm ngành nghề cho người lao động (NLĐ) lựa chọn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra những chế độ phúc lợi hấp dẫn nhằm thu hút NLĐ đến làm việc như ngoài lương, thưởng còn có tiền chuyên cần, xe buýt, nhà ở… Thậm chí, do mở rộng sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lớn, không ít doanh nghiệp không đòi hỏi khắt khe đối với NLĐ về trình độ học vấn cũng như độ tuổi. Chính vì vậy, cơ hội cho NLĐ ở thời điểm này là rất lớn.
Theo đánh giá của một số đơn vị chuyên nghiên cứu về thị trường lao động tại Việt Nam, nguyên nhân khiến thị trường lao động Việt Nam khởi sắc là do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt. Việt Nam cũng thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Một số doanh nghiệp sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã dần khôi phục sản xuất, đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh và có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động. Ngoài lao động phổ thông thì nguồn lao động kỹ thuật, lao động chất lượng cao đang trở thành nhu cầu lớn, buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau trong tuyển dụng để tuyển đủ số lượng theo yêu cầu.
Tại Đồng Nai, hiện không ít doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều kênh tuyển dụng đã được huy động như: tuyển dụng trực tiếp tại doanh nghiệp, thông qua sàn giao dịch việc làm, các phương tiện thông tin đại chúng, pa-nô,
áp-phích… Ngành Lao động cùng các cấp Công đoàn cũng đang đồng hành với doanh nghiệp để hỗ trợ thông tin tuyển dụng đến với NLĐ, giúp NLĐ tìm được việc làm phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, hệ thống trường nghề trên địa bàn tỉnh cũng đang “tăng tốc” đào tạo, chú trọng liên kết với các doanh nghiệp nhằm cung cấp cho thị trường nguồn lao động chất lượng cao. Theo các chuyên gia, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm để các nhà trường (cả phổ thông lẫn dạy nghề) phải đẩy mạnh phân luồng, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trong việc chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. Đặc biệt, khi thị trường lao động đang khởi sắc như hiện nay, việc nắm bắt tốt cơ hội này là rất quan trọng nhằm hình thành nên lực lượng lao động kỹ thuật chất lượng, đáp ứng quá trình hội nhập và phát triển của đất nước trong tình hình hiện nay. Thực tế đã cho thấy, học viên học nghề mà doanh nghiệp cần luôn “hot”, dễ dàng tìm được việc làm với nguồn thu nhập cao, cơ hội thăng tiến rộng mở.
Dự báo với đà phục hồi như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn. Nhiều khả năng nguồn lao động sẽ ngày càng khan hiếm, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tính toán lại các chính sách đãi ngộ để giữ chân NLĐ lâu dài, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng NLĐ “nhảy việc”. Bởi, chỉ khi doanh nghiệp xem NLĐ là nguồn tài sản quý và biết quan tâm chăm lo, giữ gìn nguồn tài sản quý ấy thì NLĐ mới gắn bó lâu dài và cống hiến hết mình cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Minh Ngọc