Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi ám ảnh bong bóng

11:12, 28/12/2015

"Bong bóng bất động sản" là một trong những cụm từ nhạy cảm nhất trong mấy năm qua, khởi sự từ năm 2009-2010, lớn dần và gây hậu quả nặng nề từ khoảng năm 2011 đến tận đầu năm 2014 và thực tế, những hệ lụy của nó đến giờ vẫn chưa giải quyết xong.

“Bong bóng bất động sản” là một trong những cụm từ nhạy cảm nhất trong mấy năm qua, khởi sự từ năm 2009-2010, lớn dần và gây hậu quả nặng nề từ khoảng năm 2011 đến tận đầu năm 2014 và thực tế, những hệ lụy của nó đến giờ vẫn chưa giải quyết xong. Nhà nhà làm bất động sản, người người đầu tư (thực tế là đầu cơ) bất động sản, nhỏ phá sản kiểu nhỏ, lớn “chết” kiểu lớn và suốt một thời gian dài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải dùng mệnh lệnh hành chính để buộc các ngân hàng thương mại ngừng cho vay đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, lệnh ngừng cho vay được nới lỏng dần từ năm 2014 và đến nay hầu như đã bình thường trở lại, vì sau một thời gian siết chặt, thị trường bất động sản cũng suýt “đột tử” theo khiến Nhà nước lại một lần nữa phải dùng chính sách để điều chỉnh thông qua các gói cứu trợ hỗ trợ tài chính giá rẻ. Hỗ trợ cho người mua nhà, để người có nhu cầu ở thực sự chịu bỏ tiền mua nhà, thông qua đó, gián tiếp “cứu” các nhà đầu tư. Đến nay, cùng với những dự án hạ tầng lớn có sức lan tỏa, nhiều dự án bất động sản đã khởi động trở lại với tâm thế khác, thận trọng hơn và nhìn xa hơn. Bởi đâu dễ dàng gì giới lãnh đạo ngân hàng gật đầu đồng ý cho vay đầu tư dự án ào ào như trước, khi cục nợ xấu tồn tại từ cho vay bất động sản dễ dãi vẫn còn ám ảnh họ đến tận lúc này.

Nhìn nhận lại thời gian qua để thấy, Đồng Nai - tuy không nóng bỏng như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng về bất động sản - song cũng là một trong những thị trường lớn thu hút nhiều dự án bất động sản có vốn đăng ký hàng trăm triệu USD. Cũng tại Đồng Nai, nhiều năm qua không ít dự án bất động sản có vốn đăng ký trăm triệu, chục triệu USD, ăn theo quy hoạch hạ tầng đã “chết yểu” hoặc chưa được xử lý rốt ráo dù đã “trùm mền” cả chục năm. Các địa bàn nóng bỏng như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành đã từng kéo theo hàng ngàn nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ tiền vào rồi phá sản hoặc mất vốn khi kỳ vọng vào những dự án quá lớn, như: thành phố mới Nhơn Trạch,  Khu đô thị Đông Sài Gòn, Trung tâm hành chính mới… Khi nhu cầu ảo bị thổi lên quá đà, nhà đầu tư không đủ tài chính thực hiện những dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD thì việc các dự án đắp chiếu năm này qua tháng nọ là điều không khó hiểu, chỉ những ai bỏ tiền vào thì mới xót xa vì tiền đó - có thể là vốn vay ngân hàng lãi suất cao, có thể là huy động vốn từ anh em, bè bạn hoặc bán chỗ này đắp chỗ nọ. Những bi kịch âm thầm nảy sinh từ đầu cơ bất động sản lỗ lã là chuyện không khó để tìm.

Gần đây, Đồng Nai tái khởi động những dự án khu đô thị, khu dịch vụ, khu nhà ở kiêm du lịch sinh thái… có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD với những tên tuổi lớn, như: Amata (Thái Lan), Vina Capital (Singapore)…. đi kèm với đó là những dự án hạ tầng lớn đã và đang thực hiện, như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành… Hy vọng, những nhà đầu tư dạn dày kinh nghiệm sẽ có tầm nhìn xa và tài chính vững chắc hơn để các dự án bất động sản trăm triệu USD có đóng góp thực sự cho diện mạo đô thị mới và tạo đòn bẩy cho dịch vụ phát triển mạnh hơn, và sâu xa hơn, xua tan những ám ảnh của bong bóng bất động sản một thời.

Kim Ngân

Tin xem nhiều