Kết quả nghiên cứu trên đối tượng là học sinh (từ tiểu học đến THPT) tại Đồng Nai của Bệnh viện tâm thần trung ương 2 từ năm 2000 cho thấy, tỷ lệ học sinh mắc các rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và cần thiết phải đưa mô hình chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần đến với học sinh.
Kết quả nghiên cứu trên đối tượng là học sinh (từ tiểu học đến THPT) tại Đồng Nai của Bệnh viện tâm thần trung ương 2 từ năm 2000 cho thấy, tỷ lệ học sinh mắc các rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và cần thiết phải đưa mô hình chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần đến với học sinh. Đến gần đây, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai cũng đã triển khai một loạt nghiên cứu về vấn đề sức khỏe tâm thần, tâm lý của học sinh và nhận thấy rất cần phải triển khai mô hình tâm lý trường học một cách nghiêm túc, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra với thế hệ trẻ.
Các hoạt động hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong trường học phải được triển khai một cách hệ thống với 3 hoạt động chủ đạo: phòng ngừa toàn trường, can thiệp mục tiêu vào nhóm đối tượng có vấn đề và tham vấn tâm lý chuyên sâu cho nhóm học sinh thực sự có vấn đề. Cả ba hoạt động trên đều cực kỳ quan trọng và phải được đảm bảo thực hiện bởi các nhà tâm lý chuyên nghiệp. Hai trong ba hoạt động rất cần thiết là phòng ngừa toàn trường và can thiệp mục tiêu, là hai hoạt động rất cần triển khai các chương trình huấn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Kỹ năng sống, theo Tổ chức Y tế thế giới, là năng lực tâm lý xã hội, là khả năng ứng phó một cách có hiệu quả trước những yêu cầu và thách thức của cuộc sống. Đó cũng là khả năng của cá thể để duy trì một trạng thái khỏe mạnh về mặt tinh thần, biểu hiện qua các hành vi thích hợp và tích cực khi tương tác với người khác, với nền văn hóa và môi trường xung quanh. Kỹ năng sống bao gồm: các nhóm kỹ năng tồn tại, các nhóm kỹ năng hướng vào năng lực bản thân và các nhóm kỹ năng xã hội cũng như kỹ năng cảm xúc. Ngày nay, nhiều nghiên cứu về sức khỏe tâm thần hay hành vi lệch chuẩn ở lứa tuổi thanh thiếu niên đều tiếp cận kỹ năng sống như một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến vấn đề ở các em. Các vấn đề, như: trầm cảm, rối loạn lo âu, hành vi tự sát, nghiện chất, nghiện internet, đánh nhau… một phần là do các em thiếu hụt các kỹ năng sống.
Nhiều nước trên thế giới hay nhiều tổ chức quốc tế đã nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ các chương trình kỹ năng sống dành cho các đối tượng, nhất là học sinh từ khá lâu. Các chương trình huấn luyện kỹ năng sống được thiết kế và tiếp cận theo hai phương thức: phương thức giảng dạy kỹ năng sống trong trường học và ngoài trường học. Điều này đòi hỏi việc huấn luyện kỹ năng sống cho một đứa trẻ và sau này trưởng thành là công việc của cả phụ huynh và giáo viên, là công việc liên tục chứ không phải chỉ trong một thời gian ngắn, và điều đó mới có thể giúp cá nhân có thể “ứng phó một cách có hiệu quả trước những yêu cầu và thách thức của cuộc sống”. Hơn thế, các mô hình hay phương thức huấn luyện kỹ năng sống trong trường học, nhất là các kỹ năng đòi hỏi chuyên môn cao, như: quản lý stress, tự nhận thức bản thân, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo,… thì phải đòi hỏi có các giáo viên chuyên về dạy kỹ năng sống được đào tạo bài bản và thường phải làm việc cùng các nhà tâm lý trường học mới có thể đáp ứng được nhu cầu đặt ra.
Huấn luyện kỹ năng sống để học sinh phát triển lành mạnh trong một xã hội thay đổi và phát triển, đồng thời phòng ngừa các vấn đề về hành vi và tâm thần là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu chúng ta không hiểu rõ cách tiếp cận và triển khai một cách có chiều sâu thì đôi khi lại làm cho học sinh gặp nhiều hệ lụy, thậm chí như “chữa lợn lành thành lợn què”. Gần đây, nhiều chương trình huấn luyện kỹ năng sống đã bắt đầu bộc lộ những khuyết điểm đáng tiếc và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh.
Th.S tâm lý Lê Minh Công