Báo Đồng Nai điện tử
En

Bi kịch can vua

10:12, 20/12/2015

Khương Công Phụ người xã Sơn Ôi, huyện Yên Định (Thanh Hóa), đỗ tiến sĩ vào năm Canh Thân (780) đời Đường Đức Tông, làm quan đến chức Hữu Thập Di Hàn Lâm Học Sĩ, được phép can gián vua khi cần thiết.

Khương Công Phụ người xã Sơn Ôi, huyện Yên Định (Thanh Hóa), đỗ tiến sĩ vào năm Canh Thân (780) đời Đường Đức Tông, làm quan đến chức Hữu Thập Di Hàn Lâm Học Sĩ, được phép can gián vua khi cần thiết. Ông là người cương trực, thông tuệ, tính cách mạnh mẽ, dám có lời ngay thẳng trước các quyết định của vua. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, tờ 5a-b) chép việc 3 lần ông can gián vua Đường dẫn đến ba kết quả khác nhau:

Lần thứ nhất, Khương Công Phụ xin vua Đường kết tội phản loạn, giết Chu Thử nhưng vua Đường không nghe. Chẳng bao lâu sau, anh em nhà họ Chu gây biến loạn, vua phải rời kinh sư lánh nạn.

Lần thứ hai, trong lúc chạy loạn, vua dừng chân ở Phượng Tường, nhờ tướng quân Trương Dật bảo hộ. Khương Công Phụ can vua vì Trương Dật có quan hệ thân tình với Chu Thử, không đáng tin cậy. Vua nghe theo, rời Phượng Tường, chạy đến Phụng Thiên. Vua theo ý của tướng quân Lư Ký, truyền lệnh cho vệ quân đóng cách xa quân doanh để phòng bị. Khương Công Phụ tâu vua kế sách ấy không an toàn, cần đóng quân cận thành để kiểm soát nội tình, phòng bị bên trong lẫn bên ngoài. Vua nghe theo lời Công Phụ, quả nhiên diệt được thù trong giặc ngoài. Vua Đường vinh thăng cho Khương Công Phụ chức Gián nghị Đại phu và thưởng nhiều vàng bạc, châu báu.

Lần thứ ba, vua tổ chức lễ an táng cho công chúa Đường An quá trọng thể, Công Phụ can gián. Vua tức giận truyền xử phạt, giáng chức, không cho Khương Công Phụ vào chầu vua nữa.

Sao kỳ vậy ta? Cũng con người ấy, cũng vị vua ấy, cũng cách can gián tận lòng như vậy, nhưng lúc nghe, lúc không, lúc thưởng lúc phạt? Thì ra, kết quả can gián dẫn đến thăng hoa hay bi kịch là do ở cảm hứng của người được can gián. Ngẫm việc này, thiệt thấy lo cho sự phản biện xã hội thời nay quá!        

Trực Tử

 

 

 

Tin xem nhiều