Sách Đại Việt sử lược (quyển 3) có chép chuyện về vua Lý Cao Tông tham vấn ý kiến Phạm Bỉnh Di. Chuyện kể rằng: Năm Quý Hợi (1203) vua Lý Cao Tông dốc tiền của để xây cất thêm một lúc đến gần hai chục cung điện và thềm, gác, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.
Sách Đại Việt sử lược (quyển 3) có chép chuyện về vua Lý Cao Tông tham vấn ý kiến Phạm Bỉnh Di. Chuyện kể rằng: Năm Quý Hợi (1203) vua Lý Cao Tông dốc tiền của để xây cất thêm một lúc đến gần hai chục cung điện và thềm, gác, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Trong số những công trình kiến tạo vào năm này, có gác Kính Thiên. Gác vừa xây cất xong, có con chim bồ câu đến làm tổ, đẻ ra một bầy chim non. Quần thần cho là điềm gở, muốn nhân đó can vua việc xây đền đài tốn kém công sức. Có người tâu: “Xưa, Ngụy Minh Đế mới xây gác Lăng Tiêu, có con chim bồ các đến làm tổ. Cao Đường Long nói rằng, Kinh thi có câu “chim bồ câu làm tổ, chim tu hú đến ở’’. Nay cung thất mới làm xong mà chim bồ các đã đến làm tổ, thần ngu hèn cho rằng có họ khác đến ở đó. Thần xin bệ hạ xem lời nói của Cao Đường Long, trước cốt sửa mình tu đức, sau hãy khởi công xây dựng mới là phải”.
Nghe có lời can gián, bụng vua lại không muốn dừng việc xây dựng, nên cần có lời tư vấn thuận tai. Biết hoạn quan Phạm Bỉnh Di là người xu nịnh, lời lẽ khôn khéo, nên vua Cao Tông hỏi: “Việc như vậy, các quan có lời tâu như thế, ông thấy thế nào?”. Phạm Bỉnh Di cung kính: “Muôn tâu! Gác mới làm mà chim bồ các đến làm tổ đẻ con, đó là điềm trời ban cho bệ hạ được dòng dõi trăm đời”.
Được lời, Vua được đẹp lòng, cho là phải, sai sửa sang điện gác mau chóng, trăm họ vì thế mà khốn khổ bởi các công trình xây dựng.
Khi quyết định vấn đề gì, người có thẩm quyền cần đến ý kiến tư vấn phản biện, đó là người khôn ngoan. Nhưng tư vấn như Phạm Bỉnh Di và nghe tư vấn như vua Lý Cao Tông thì có như không. Cốt lõi là ở người có thẩm quyền cần nghe gì? Nghe ai? Nếu chỉ thích nghe kiểu Lý Cao Tông - Phạm Bỉnh Di thì dễ lắm, luôn gần bên tai, thường sẵn có, xong đời những ai thiên về “tư vấn, phản biện khoa học”.
Trực Tử