Nền kinh tế Việt Nam có phải suy yếu, đen tối như những gì các thế lực chống phá dựng lên? Đời sống người lao động (NLĐ) Việt Nam có khốn cùng như những gì các đối tượng cơ hội chính trị dè bỉu?… Câu trả lời rõ ràng nằm ở hiện thực khách quan, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
[links()]Nền kinh tế Việt Nam có phải suy yếu, đen tối như những gì các thế lực chống phá dựng lên? Đời sống người lao động (NLĐ) Việt Nam có khốn cùng như những gì các đối tượng cơ hội chính trị dè bỉu?… Câu trả lời rõ ràng nằm ở hiện thực khách quan, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Công nhân Công ty Giày Tuấn Việt (Cụm công nghiệp Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch) trong giờ sản xuất. Ảnh: P.Uyên |
Chỉ có những đối tượng bất mãn chính trị mới cố tình phớt lờ sự thật khách quan, không chấp nhận, không dám nhìn thẳng vào hiện thực: Việt Nam đang trên đà phát triển, người dân Việt Nam vẫn đang đoàn kết, nỗ lực từng ngày để vượt qua khó khăn, xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
“Cú sốc” chung với nhiều nền kinh tế
Tình hình thế giới nhiều biến động phức tạp, với những thách thức đa chiều từ ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, xung đột tại nhiều khu vực, tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai… những năm qua đã tạo ra “cú sốc” lớn đối với nền kinh tế thế giới và thị trường lao động toàn cầu.
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số người thất nghiệp năm 2022 có thể lên tới 207 triệu người và việc bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ là khó khăn chung của các nước trên thế giới.
Tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên của các công ty lớn, đi đầu là các công ty công nghệ và tài chính ở Phố Wall, trong bối cảnh lo ngại về khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp (DN) tăng vọt. Các đợt tăng lãi suất ngân hàng liên tiếp và nhu cầu tiêu dùng yếu đã buộc các công ty như Amazon, Walt Disney, Meta (công ty chủ quản mạng xã hội Facebook) và các ngân hàng ở Mỹ phải giảm lực lượng lao động...
Các nhà phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's mới đây nhận định lạm phát đã vượt đỉnh ở hầu hết các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Đến thời điểm hiện tại, xu hướng tăng giá đang có biểu hiện giảm tại Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, những quốc gia còn lại vẫn đang “mắc kẹt” trong lạm phát…
Việt Nam ghi dấu ấn về phục hồi kinh tế
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, Việt Nam tiếp tục ưu tiên duy trì ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững, tiếp tục là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Việt Nam tạo được dấu ấn với thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,02% trong năm 2022, cao nhất trong 12 năm qua. Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng, tạo động lực phát triển cho các quốc gia trong khu vực. Điểm sáng nhất trong nền kinh tế Việt Nam năm 2022 chính là kiểm soát được tỷ lệ lạm phát tương đối thấp trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã và "bão giá".
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đối với những tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Theo báo cáo của Chính phủ, trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm 2022; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm…
Mặc dù các DN vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh song Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Cục thống kê Đồng Nai, tính từ đầu năm đến ngày 20-5-2023, thu hút đầu tư từ khu vực nước ngoài của tỉnh đạt khoảng 568,78 triệu USD, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Rõ ràng, những nhận định tích cực của các tổ chức, chuyên gia quốc tế, truyền thống thế giới về kinh tế Việt Nam và các số liệu thống kê cụ thể là sự thật mà chúng ta không thể tự vẽ ra. Đó là sự ghi nhận, đánh giá khách quan về nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng DN và nhân dân cả nước.
Giữ ổn định thị trường lao động - việc làm
Theo thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV-2022 và năm 2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính chung cả năm 2022, thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của NLĐ đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm.
Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của Việt Nam năm 2022 là gần 1,07 triệu người, giảm 359,2 ngàn người so với năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88 điểm % so với năm trước.
Trong tháng 5-2023, Đồng Nai đã giải quyết việc làm cho trên 8,5 ngàn lượt lao động. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm được hơn 34,5 ngàn lượt lao động, đạt 43,19% kế hoạch năm và giảm 2,7% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong những ngày đầu tháng 2-2023, thông tin về việc Công ty Pou Yuen Việt Nam (TP.HCM) thuộc Tập đoàn Pou Chen (Đài Loan) cắt giảm hàng ngàn công nhân khiến nhiều lao động ở Đồng Nai lo lắng “làn sóng” này sẽ lan đến những nhà máy mình đang làm việc. Tại Đồng Nai hiện có 3 nhà máy thuộc Tập đoàn Pou Chen đang hoạt động gồm: Công ty TNHH Pou Sung, Công ty TNHH Pou Chen và Công ty TNHH Pou Phong với trên 50 ngàn lao động.
Trước những thông tin về cắt giảm nhân sự tại Công ty Pou Yuen, nhiều thông tin xuyên tạc rằng sắp có một đợt sa thải hàng chục ngàn công nhân ở Đồng Nai được tung ra nhằm gây hoang mang, bất ổn trong công nhân lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN thuộc Tập đoàn Pou Chen vẫn cơ bản ổn định. Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Chen Việt Nam (TP.Biên Hòa) Nguyễn Tấn Pháp cho biết, thời gian qua, DN gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng song vẫn chi trả lương đầy đủ, đảm bảo đời sống cho NLĐ. Hiện DN không tổ chức cho công nhân tăng ca. Công nhân được nghỉ việc ngày thứ bảy vẫn được hỗ trợ mức lương tối thiểu vùng là 180 ngàn đồng/ngày.
“Hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn cơ bản ổn định và chưa có kế hoạch cắt giảm lao động như đồn đoán. Tổ chức Công đoàn đang tiếp tục động viên NLĐ yên tâm sản xuất, cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Pháp nói.
Tại Công ty Giày Tuấn Việt (đóng tại Cụm công nghiệp Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch) hiện có 900 công nhân lao động. Ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc điều hành công ty cho biết, từ tháng 10-2022, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN bắt đầu gặp khó khăn, đơn hàng giảm dần và có thời điểm giảm 60-70%. Đặc biệt, từ sau Tết 2023, đơn hàng tiếp tục giảm, chỉ duy trì sản xuất 4 ngày/tuần, không tổ chức tăng ca. Tuy nhiên, DN luôn xác định dù khó khăn vẫn tìm mọi cách giữ việc làm và đảm bảo chế độ phúc lợi, bảo hiểm cho NLĐ. Những ngày nghỉ, NLĐ được tính phép năm, nếu hết phép năm thì công ty hỗ trợ 80% lương cho NLĐ theo quy định.
Lâm Viên - Thảo Nguyên
Bài 3: Đặt người lao động vào trung tâm của chính sách phát triển