Báo Đồng Nai điện tử
En

Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và những bài học lịch sử

10:01, 08/01/2021

Tại Hội thảo khoa học Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức sáng 8-1, có 9 bài tham luận tiêu biểu trong tổng số gần 90 bài tham luận khoa học đã được các đại biểu trình bày.

Tại Hội thảo khoa học Quân giải phóng miền Nam Việt Nam - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức sáng 8-1, có 9 bài tham luận tiêu biểu trong tổng số gần 90 bài tham luận khoa học đã được các đại biểu trình bày.

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón Quân giải phóng. Ảnh: TL/TTXVN
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón Quân giải phóng. Ảnh: TL/TTXVN

Các bài tham luận đã khẳng định chủ trương thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (QGPMNVN) là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng. Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh chiến đấu, làm nên chiến thắng của QGPMNVN; ý nghĩa,  vai trò của QGPMNVN đối với sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QGPMNVN, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

* Vai trò to lớn đối với cách mạng Việt Nam

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo hội thảo cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, QGPMNVN đã vượt qua muôn vàn gian khó, chấp nhận hy sinh, anh dũng, sáng tạo, chiến đấu quên mình, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng bằng Cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chặng đường vinh quang đó đã ghi đậm những dấu ấn chiến công, ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định chân lý: Không có gì quý hơn độc lập tự do.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo hội thảo đã nêu, với bản chất, hiếu chiến, đế quốc Mỹ đã trắng trợn vi phạm Hiệp định Genevè, nhanh chóng nhảy vào miền Nam Việt Nam, dựng lên chính quyền bù nhìn tay sai Ngô Đình Diệm, áp đặt chính sách thực dân kiểu mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) khẳng định “xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang nhân dân là một trong những điều kiện quan trọng của cách mạng nước ta để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược”. Quán triệt chủ trương của đại hội, tháng 1-1961, Tổng quân ủy ra chỉ thị thành lập QGPMNVN, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ngày 15-2-1961, tại Chiến khu Đ, QGPMNVN được chính thức tuyên bố thành lập.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo khoa học cho hay: “Hội thảo là dịp để đánh giá, nhìn nhận lại quá trình xây dựng, chiến đấu, công lao, đóng góp của GPMNVN đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; khẳng định sự sáng tạo, linh hoạt của Đảng trong tổ chức và sử dụng lực lượng vũ trang phục vụ nhiệm vụ chiến lược. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi và khát vọng yêu chuộng hòa bình cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, đúc rút những bài học kinh nghiệm lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng  và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”.

Khẳng định chủ trương thành lập QGPMNVN là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, là nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng, trong bài tham luận QGPMNVN - sự sáng tạo, linh hoạt về tổ chức biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Vũ Văn Sỹ, Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã đi sâu phân tích và khẳng định sự sáng tạo, linh hoạt về tổ chức biên chế; đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam, một thành công lớn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo trung tướng Vũ Văn Sỹ, QGPMNVN là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, chịu sự chỉ đạo trực tiếp, xuyên suốt của Đảng Lao động Việt Nam, là nòng cốt của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ được xây dựng và phát triển trên cơ sở các đội vũ trang tự vệ, vũ trang tuyên truyền của các địa phương miền Nam và lực lượng cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật quân sự ở miền Bắc bổ sung, tăng cường.

Ngay sau khi ra đời, Quân giải phóng đã xây dựng, phát triển lực lượng, tập trung xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong đó, chú trọng phát triển bộ đội chủ lực cả về tổ chức biên chế và vũ khí trang bị. Tùy vào tình hình chiến sự thực tế, biên chế của Quân giải phóng cũng thay đổi để đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là một minh chứng cho sự lớn mạnh của Quân giải phóng về tổ chức lực lượng; trình độ tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng tác chiến với các quân chủng, binh chủng, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, thực hiện trận quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, trong tham luận Nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng của QGPMNVN trong chống Mỹ, cứu nước, đại tá, PGS-TS Hoàng Xuân Nhiên, Khoa Chiến lược Học viện Quốc phòng cho rằng, trong chiến dịch quyết chiến chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta đã chủ động thực hiện hiệp đồng giữa đánh địch trên tuyến phòng thủ từ xa và đột phá tuyến phòng ngự cơ bản ở ven đô của địch với đánh địch bằng binh đoàn thọc sâu vào trung tâm thành phố; giữa cắt đường bộ với ngăn đường sông, khống chế đường không; giữa tiêu diệt, đánh tan bộ binh thiết giáp với chế áp trận địa pháo binh và bắn phá, ném bom làm tê liệt sân bay địch. Điểm rất mới là ta đã dùng máy bay lấy được của địch để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, tạo nên sự phối hợp chiến dịch giữa trên không và mặt đất càng thúc đẩy tốc độ tiến công vào thời điểm rất quan trọng của địch. Nhất là, với các quân đoàn binh chủng hợp thành có sức đột kích mạnh, khả năng cơ động cao, phối hợp chặt chẽ với chiến tranh nhân dân ở các địa phương, chúng ta đã thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng với quy mô rất lớn, lần lượt đập tan những hệ thống phòng thủ kiên cố, loại khỏi chiến đấu từng quân đoàn địch, đánh chiếm các căn cứ quân sự lớn, giải phóng các thành phố, thị xã, đánh vào tận sào huyệt của địch, đánh đổ ngụy quyền, giải phóng miền Nam...

* Những bài học lịch sử còn nguyên giá trị

Được tuyên bố thành lập vào ngày 15-2-1961 đến khi kết thúc vai trò lịch sử vào ngày 7-7-1976, chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QGPMNVN đã làm nên những thắng lợi huy hoàng, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về lãnh đạo chỉ đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng; bài học về tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang phù hợp với hoàn cảnh và nhiệm vụ; phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần, xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ; về tư tưởng tiến công, sáng tạo trong thực hiện vụ, phát huy sức mạnh tổng hợp…

Báo cáo đề dẫn của thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng,  hội thảo là dịp để ôn lại lịch sử hào hùng; bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của QGPMNVN, của Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân dân ta. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; phát huy ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn thử thách xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.  Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ quá trình xây dựng, chiến đấu, phát huy vai trò của QGPMNVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là nền tảng khoa học vững chắc trong cuộc chiến chống âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Trong tham luận Xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho QGPMNVN - bài học kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 7 hiện nay, thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 cho biết, vận dụng những kinh nghiệm xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu của QGPMNVN, việc xây dựng quyết tâm chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu 7 ngày nay tập trung vào một số nội dung sau: giáo dục bộ đội nhận rõ đối tượng, đối tác của cách mạng, đối tượng tác chiến của quân đội trong tình hình mới, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tập trung củng cố, tăng cường niềm tin, lý tưởng chiến đấu, làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vững tin vào thắng lợi của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tương lai, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, của quân đội, truyền thống trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng của lực lượng vũ trang Quân khu 7. 

Xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở. Xây dựng Đảng bộ Quân khu trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang Quân khu và sự nghiệp quốc phòng. Chủ động, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên internet, mạng xã hội, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội. Chủ động chia sẻ, lan tỏa những tin, bài, ảnh có nội dung tích cực, gương người tốt việc tốt... nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không tin theo, không truy cập và tán phát, chia sẻ những thông tin xấu độc, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.

Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, kết hợp công tác tư tưởng với công tác tổ chức và công tác chính sách, dân vận, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh, “sáng, xanh, sạch, đẹp”; ngăn chặn, đẩy lùi tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tệ nạn, tiêu cực trong xã hội đối với cán bộ, chiến sĩ.

Đại tá Lương Đình Lành, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 chia sẻ, Quân đoàn đã và đang tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu; xây dựng Đảng bộ Quân đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập QGPMNVN (1961-2021), Quân đoàn 4 tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”, tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...

Hạnh Dung


PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó viện trưởng phụ trách Viện Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam): Giải phóng quân anh dũng chiến thắng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, QGPMNVN là đội quân chủ lực thực hiện nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, viết nên trang sử vàng trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, để lại dấu ấn đậm nét trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Trải qua gần 15 năm (1961-1975), QGPMNVN, bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao phó, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, QGPMNVN thật xứng đáng với 7 chữ vàng “Giải phóng quân anh dũng chiến thắng”, tung bay trên quân kỳ do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng ngay trong ngày thành lập.

Đồng chí Phạm Xuân Hà, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai: Khẳng định vai trò quan trọng của Chiến khu Đ

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Chiến khu Đ gắn liền với lịch sử thành lập và hoạt động của những đơn vị vũ trang mạnh, những tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và hàng loạt trận đánh, chiến dịch, mà kết quả của nó đã góp phần tạo nên những bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của cuộc chiến tranh. Từ đây, đã ra đời những đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của miền Đông và của Xứ ủy, rồi tập trung thành Tiểu đoàn 800, Tiểu đoàn 500, Trung đoàn Đồng Nai. Đây cũng là nơi thành lập và đứng chân tác chiến của lực lượng quân chủ lực Miền như Trung đoàn 762, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, và trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 là nơi tập kết của lực lượng Quân đoàn 1, Quân đoàn 4 trước khi tiến về giải phóng Sài Gòn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Đ tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của toàn dân, là nguồn hy vọng, là niềm tin của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam bộ. Truyền thống anh hùng của lực lượng vũ trang QGPMNVN đã góp phần làm nên một Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất. Đây không chỉ là một đánh giá về mặt vị trí chiến lược của căn cứ đối với kẻ thù, mà còn mang ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại, phát triển của các lực lượng vũ trang cách mạng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đại tá Nguyễn Viết Tá, nguyên Tổng biên tập Báo Quân giải phóng, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, thư ký của thượng tướng Trần Văn Trà: Dấu ấn thượng tướng Trần Văn Trà

Thượng tướng Trần Văn Trà là người chỉ huy tài ba, mưu lược, để lại dấu ấn sâu đậm với tên gọi thân thương “Vị tướng của Thành đồng Tổ quốc”. Trên cương vị Tư lệnh QGPMNVN, thượng tướng Trần Văn Trà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét “là một cán bộ quân sự quan tâm lãnh đạo toàn diện các mặt công tác quân sự, chính trị, hậu cần, kinh tế, ngọai giao. Dù ở cương vị nào đồng chí cũng hòa mình với quần chúng, gương mẫu, thương yêu, đoàn kết, tôn trọng cán bộ, chiến sĩ, được đồng đội và nhân dân quý mến.

Nhà văn Trầm Hương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên viên cao cấp Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ: Vẻ vang nữ tướng Nguyễn Thị Định

Từ chỉ huy Đội quân tóc dài trong phong trào Đồng Khởi, bà Nguyễn Thị Định đã trở thành Phó tư lệnh QGPMNVN, là nữ tướng duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong nhân dân và đồng đội, là tấm gương sáng của phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chưa có người phụ nữ nào được vinh dự nhận lấy sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân như bà Nguyễn Thị Định. Năm 1965. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.            

                An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều