Là Trưởng phòng Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 12, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh), ông Mai Văn Sinh đã không ngừng nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Là Trưởng phòng Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 12, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh), ông Mai Văn Sinh đã không ngừng nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong 5 năm (2010-2014), ông Sinh đều là chiến sĩ thi đua cơ sở và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Giữ nhiệm vụ trưởng phòng nhưng ngoài công tác quản lý, ông Mai Văn Sinh đã trực tiếp thụ lý giải quyết rất nhiều vụ, việc chuyên môn. Ông Sinh chia sẻ: “Một phần do thiếu nhân lực, phần vì tôi muốn chia sẻ trách nhiệm công tác với anh em trong phòng”.
Ông Sinh cho biết, cán bộ Phòng 12 thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với dân. Đối với án hành chính, có đến 90% vụ tranh chấp có liên quan đến các vấn đề cuộc sống của người dân. Vì vậy, những người tham gia giải quyết án, đặc biệt là kiểm sát viên thụ lý, nếu xử lý không khéo rất dễ động chạm đến cuộc sống của họ. Từ những nhận định đó, trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ, ông Sinh luôn chủ động phân tích sự việc để có cơ sở giải thích cho người dân hiểu nguyên tắc cũng như hướng giải quyết vụ việc.
Theo ông Sinh, các vụ án hành chính thường là các vụ tranh chấp đất đai giữa người dân với chính quyền. Để giải quyết các vụ án hành chính có kết quả, hầu như các kiểm sát viên đều phải làm công tác dân vận. Trên cơ sở phân tích cho người dân hiểu được các chính sách, pháp luật của Nhà nước, cán bộ kiểm sát còn phải giải thích pháp luật để người dân biết và chấp hành. Nhận thức được điều này, trong suốt thời gian qua, ông Sinh đã rất chú trọng đến việc trau dồi kiến thức pháp luật. Đối với những chính sách pháp luật đã lạc hậu, ông mạnh dạn đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan trong các vụ án xem xét lại để xử lý vụ việc một cách thấu tình đạt lý.
Ông Sinh khẳng định, việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự… nếu không thực hiện tốt công tác dân vận sẽ rất khó giải quyết. Với nhiệm vụ này, ông luôn tâm niệm phương châm: “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Công tác trong ngành kiểm sát hàng chục năm, giữ chức vụ quản lý đã nhiều năm nhưng đến nay ông Mai Văn Sinh vẫn kiên trì nghiên cứu, học hỏi thêm để nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Ngoài vai trò kiểm sát viên, ông Sinh còn làm giảng viên thỉnh giảng cho Trường bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại TP.Hồ Chí Minh. Hàng tuần, ngoài công tác chuyên môn ở cơ quan, ông vẫn đều đặn tham gia giảng dạy cho các học viên.
Với trình độ thạc sĩ luật, ông Sinh cũng được nhiều trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh mời giảng dạy ngoài giờ cho sinh viên. Nói về công việc này, ông Sinh cho biết: “Để thời gian ngoài giờ hành chính không lãng phí, đồng thời để nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, tôi đã tham gia công tác giảng dạy ở một số trường”.
Cũng theo ông Sinh, do tham gia giảng dạy, ông phải thường xuyên cập nhật các nội dung mới của luật. Đây cũng là một trong những cơ hội để một cán bộ kiểm sát như ông liên tục nắm bắt các quy định mới của pháp luật để áp dụng vào quá trình thực thi nhiệm vụ.
Danh Trường