Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân

11:08, 28/08/2013

Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, Đồng Nai đã tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là thiết chế văn hóa cơ sở nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, Đồng Nai đã tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là thiết chế văn hóa cơ sở nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Lễ hội đâm trâu của dân tộc Mạ ở Định Quán. Ảnh: V. T
Lễ hội đâm trâu của dân tộc Mạ ở Định Quán. Ảnh: V. T

[links(left)]Đến nay, toàn tỉnh có 211 thiết chế văn hóa; 100% các huyện, thị, thành trong tỉnh có trung tâm văn hóa thể thao; 96 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ) cấp xã, phường, thị trấn; 103 nhà văn hóa thể thao khu phố, trong đó có 9 nhà văn hóa dân tộc.

ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Phát biểu tại một hội thảo khoa học do Đồng Nai tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hùng Khu, Trưởng phòng nghiệp vụ tổng hợp, Văn phòng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch khu vực phía Nam, cho rằng Đồng Nai là một trong số ít tỉnh, thành của cả nước đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện và sâu sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương  5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong đó, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng được chú trọng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Bên cạnh đó,  phong trào “Toàn dân đoàn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đạt được thành tựu to lớn với trên 90,7% ấp, khu phố được công nhận văn hóa; 97,38 % số gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Việc chăm lo, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, dân nhập cư cũng được thực hiện tốt với nhiều mô hình phong phú.

Ông Huỳnh Văn Tài, Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Vĩnh Cửu, cho biết huyện hiện có 7 trung tâm VHTT-HTCĐ; 35 văn phòng ấp, 1 nhà dài ở xã Phú Lý. Trong đó, các trung tâm VHTT-HTCĐ đã duy trì được nhiều hoạt động thiết thực, như: hội nghị, hội thi, hội diễn văn nghệ - thể thao; tổ chức các hoạt động đoàn thể, sinh hoạt câu lạc bộ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chiếu phim... Đặc biệt, vừa qua UBND huyện đã đầu tư xây dựng nhà thi đấu với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng để phục vụ các hoạt động thể dục, thể thao. Dự kiến đầu tháng 9 này, nhà thi đấu sẽ được bàn giao và đưa vào hoạt động.

Những năm qua, TX.Long Khánh đã quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa trên địa bàn. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa”, thị xã đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới và nâng cấp công viên, trung tâm thể thao, tượng đài bia chiến thắng... Trong đó, một số công trình văn hóa trọng điểm, như: Trung tâm văn hóa thể thao thị xã (đã xây dựng giai đoạn 1 với diện tích gần 2 hécta, tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng); xây dựng mới đài truyền thanh, nhà thiếu nhi... Ngoài ra, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. 6/9 xã có trung tâm VHTT- HTCĐ; 45 ấp, khu phố đã có nhà văn hóa. 

Mặc dù là huyện vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh nhưng huyện Tân Phú đã quy hoạch được khu trung tâm văn hóa thể thao với diện tích 7,4 hécta. Ngoài ra, huyện  còn xây dựng thư viện, nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, sân tennis... Có 11/18 xã, thị trấn ở Tân Phú có trung tâm VHTT-HTCĐ. Tại đây, nhân dân thường tổ chức hội họp, múa hát mỗi dịp lễ, tết...

ĐA DẠNG HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

Là huyện có 22 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm gần 26% tổng số dân, Định Quán đã quan tâm xây dựng 2 nhà cộng đồng dành cho người dân tộc Châu Mạ (ấp Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán) và đồng bào dân tộc Chơro (ấp 5, xã La Ngà).  Tại xã Túc Trưng, nơi có 100% đồng bào dân tộc Chơro, huyện đang làm dự toán thẩm định để xây dựng nhà cộng đồng dân tộc Chơro tại ấp Đức Thắng thay thế cho nhà cộng đồng cũ.

Biểu diễn văn nghệ tại nhà dài, ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.
Biểu diễn văn nghệ tại nhà dài, ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.

Bà Mai Thị Chi Liên, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Định Quán, cho biết: “2 năm/lần, chúng tôi tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc cho  23 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn cùng tham gia. Các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian (đi cà kheo, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co...) được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Thư viện huyện với trên 40 ngàn đầu sách, tủ sách pháp luật, tủ sách gia đình nông dân hạnh phúc, 4 điểm bưu điện văn hóa xã luôn mở cửa phục vụ nhu cầu đọc sách, nâng cao kiến thức của người dân”.

Ở ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) từ năm 2000 đã xây dựng được nhà văn hóa dành cho nhân dân 11 dân tộc. Tại đây có gian trưng bày hiện vật của đồng bào dân tộc và thường tổ chức các lễ hội múa hát với cồng chiêng... Huyện cũng đang chuẩn bị tiếp tục xây dựng nhà văn hóa cho đồng bào dân tộc ở 2 xã Thanh Sơn và Phú Trung.

Một số trung tâm văn hóa tại các xã, như: Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất),  Xuân Định, Xuân Hiệp (huyện Xuân Lộc), Suối Tre (TX.Long Khánh) còn linh động phối hợp với các phòng tài nguyên - môi trường,  nông nghiệp - phát triển nông thôn, GD-ĐT... tổ chức các lớp ngoại ngữ, tin học, kiến thức về bảo vệ môi trường, cách áp dụng những thành tựu khoa học cho người dân. Điều này góp phần quan trọng vào việc nâng cao kiến thức, trình độ cho bà con, nhất là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

N.Thư - V.Truyên - H.Dung

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều