Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội liên hiệp phụ nữ các cấp:
Tăng vai trò giám sát, phản biện xã hội

Nga Sơn
07:00, 27/11/2024

Giám sát, phản biện xã hội không chỉ nhằm thực hiện chức năng đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm của hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong việc tham gia quản lý nhà nước.

Đoàn giám sát của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh làm việc với UBND huyện Trảng Bom về công tác phòng, chống xâm hại, đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em.
Đoàn giám sát của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh làm việc với UBND huyện Trảng Bom về công tác phòng, chống xâm hại, đuối nước, tai nạn thương tích trẻ em. Ảnh: NGA SƠN

Do đó, hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở thời gian qua luôn tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý dự thảo các văn bản, nhất là các nội dung liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Giám sát các nội dung liên quan đến phụ nữ, trẻ em

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã chọn Thành ủy Biên Hòa để giám sát về việc triển khai thực hiện Kết luận 250-KL/TU ngày 22-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án Công tác lãnh đạo, quản lý và phát huy vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (gọi tắt là Kết luận 250). Đồng thời, giám sát việc bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm quy hoạch cán bộ nữ trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Tại buổi giám sát, Hội LHPN tỉnh đã kiến nghị Thành ủy Biên Hòa tăng cường chỉ đạo thực hiện Kết luận 250 gắn với việc đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Kết luận 250; chỉ đạo HĐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới…

Trong năm 2024, hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã góp ý gần 600 dự thảo văn bản, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ và thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.

Hội LHPN tỉnh đề nghị Thành ủy Biên Hòa triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu về công tác cán bộ nữ; chỉ đạo công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ nữ các cấp. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ; tăng cường tuyên truyền bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, góp phần xóa bỏ định kiến giới.

Trao đổi tại buổi giám sát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho rằng, thông qua hoạt động giám sát đã giúp địa phương nhận ra những việc đã làm được để phát huy; những tồn tại, hạn chế để khắc phục. Đặc biệt là đoàn giám sát đã gợi mở nhiều giải pháp giúp thành phố triển khai có hiệu quả các hoạt động trong thời gian tới.

Bên cạnh nội dung giám sát liên quan đến phụ nữ, hàng năm, Hội LHPN tỉnh luôn duy trì chuyên đề giám sát về công tác phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ em. Năm nay, nội dung này được Hội LHPN tỉnh giám sát đối với huyện Trảng Bom. Sau buổi giám sát, ngoài những đề xuất, kiến nghị đối với huyện, đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Lao động, thương binh và xã hội; Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch hướng dẫn, hỗ trợ UBND huyện trong công tác phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em.

Tổ chức hội nghị phản biện dự thảo nghị quyết

Năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hội nghị đã ghi nhận nhiều lượt ý kiến khẳng định việc ban hành nghị quyết là rất cần thiết và kịp thời nhằm động viên tập thể, cá nhân tích cực thực hiện tốt công tác dân số; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu nghị quyết, chỉ thị liên quan đến công tác dân số trong tình hình mới.

Luật sư Phan Thị Hồng Vân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng, dự thảo đề xuất các hình thức khen thưởng nhưng một số hình thức khen thưởng thiếu tính khả thi. Dự thảo nghị quyết mới chỉ đề cập đến khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số mà chưa có đối tượng là những tổ chức, cá nhân có sáng kiến, đóng góp vào các hoạt động hỗ trợ công tác dân số. Dự thảo nghị quyết chưa có nội dung chi tiết về việc tuyên truyền, phổ biến nghị quyết đến mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, luật sư Phan Thị Hồng Vân kiến nghị cần xác định nguồn lực cụ thể để đảm bảo việc thực hiện các hình thức khen thưởng; bổ sung quy định khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác hỗ trợ công tác dân số; bổ sung các biện pháp cụ thể để phổ biến nghị quyết rộng rãi trong cộng đồng…

Một số ý kiến đề xuất cần có hướng dẫn về quy trình, thủ tục để thụ hưởng chính sách; tăng mức hỗ trợ một lần đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; nâng mức hỗ trợ cho các cá nhân tham gia hoạt động nâng cao chất lượng dân số ở địa phương. Đồng thời, có chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với cộng tác viên dân số, nhân viên y tế ấp, khu phố thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu…

Nga Sơn

Tin xem nhiều