Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương nhằm cải thiện đời sống của người hưởng lương, đồng thời góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động. Đây chính là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh có nhiều tác động làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trong nhiều cuộc họp của Quốc hội, khi trả lời về đợt cải cách tiền lương lần này đều cho biết, đây là một sự nỗ lực vượt bậc, thậm chí là “thắt lưng, buộc bụng” của tất cả các cấp, các địa phương suốt thời gian qua nhằm có nguồn lực để cải cách tiền lương. Bởi hiện nay, dù đã cố gắng tinh giản nhưng bộ máy hành chính trong hệ thống chính trị vẫn còn khá cồng kềnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy đông, do đó nguồn lực chi cho đội ngũ này khá lớn.
Trong những điểm mới của chính sách tiền lương, đáng chú ý là tiền lương được xác định và trả theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý. Đây là một vấn đề mới và thay thế hoàn toàn bảng lương theo hệ số lương đã tồn tại từ năm 2004. Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng, cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn "cào bằng" giữa mọi ngành như hiện nay. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ được hưởng lương theo đúng năng lực của mình, tương xứng với công sức bỏ ra, không phụ thuộc vào thâm niên công tác cũng như bằng cấp.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, từ khi thành lập nước đến nay, qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương nhưng chưa lần nào đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Vì vậy, vấn đề quan trọng là việc các ngành, địa phương cần triển khai, xác định cho đúng vị trí việc làm để thực hiện nghiêm túc lộ trình cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh gọn biên chế để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa, góp phần quan trọng nâng cao đời sống người hưởng lương.
Tiền lương trung bình của công chức, viên chức khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ cao hơn khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/ tháng). Đây cũng là sự cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Vì thế, tăng lương đồng nghĩa với việc phải tăng thêm trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ở mỗi vị trí việc làm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy trong hệ thống chính trị.
Nguyễn Phượng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin