Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở

Phương Hằng
19:05, 04/01/2024

(ĐN)- Chiều 4-1, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở của tỉnh Quản Minh Cường đã chủ trì hội nghị của BCĐ thực hiện QCDC cơ sở tỉnh để đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác năm 2023.

Dự hội nghị có các Ủy viên Ban TVTU: Cao Tiến Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực BCĐ thực hiện QCDC cơ sở tỉnh; Cao Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó trưởng BCĐ và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Phó trưởng BCĐ cùng các thành viên BCĐ.

Đồng chí Quản Minh Cường kết luận tại hội nghị
Đồng chí Quản Minh Cường kết luận tại hội nghị

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy - cơ quan thường trực của BCĐ thực hiện QCDC cơ sở tỉnh, một trong những hoạt động nổi bật của năm 2023 mà BCĐ thực hiện QCDC cơ sở tỉnh đã thực hiện là tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023).

BCĐ đã thành lập 5 đoàn kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại 18 đơn vị, địa phương, doanh nghiệp theo các loại hình cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở và dân vận chính quyền tại một số tỉnh. Đồng thời tham mưu Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với nhân dân trong vùng dự án sân bay Long Thành và đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng nêu rõ những hạn chế trong thực hiện QCDC ở một số loại hình cơ sở và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, đồng chí Quản Minh Cường nhấn mạnh, năm 2024, BCĐ và các thành viên BCĐ thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh tập trung lãnh đạo, thực hiện 7 “T”.

Thứ nhất là “thực tế”, việc thực hiện QCDC ở cơ sở phải xuất phát từ thực tiễn để phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, cơ quan, đơn vị.

Thứ hai là “thực hiện”, phải công khai minh bạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật; việc thực hiện QCDC không cản trở những hoạt động bình thường của người dân, của các cơ quan và hình thức thực hiện phải phong phú, thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ ba là “thông tin”, phải rõ ràng, đầy đủ những nội dung theo quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thứ 4 là “tôn trọng” mọi mặt đời sống của người dân, nhất là những vướng mắc trong quản lý xã hội, trong phòng chống tiêu cực, không gây phiền hà cho nhân dân, giải quyết công việc đến nơi đến chốn; tránh lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, gây mâu thuẫn.

Thứ năm là “tham gia”, nhân dân phải thực sự tham gia ý kiến về phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án, môi trường, văn hóa, xã hội...đều phải được lấy ý kiến người dân theo quy định.

Thứ sáu là “trao đổi”, chủ động giải thích cho nhân dân hiểu những vấn đề dân còn thắc mắc, chưa rõ để qua đó giúp dân hiểu quyền của người dân là gì và tổ chức, cá nhân được làm cái gì, không được làm cái gì. Đồng thời, mở các hội nghị trong khu dân cư để trao đổi những vấn đề, tạo đồng thuận trong nhân dân.

Thứ bảy là “toàn diện”, muốn phát huy dân chủ, cái gì công khai được, không thuộc phạm vi bí mật thì công khai cho dân biết.

Phương Hằng

Tin xem nhiều