Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.8B, P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) Phạm Hữu Phúc treo cờ Tổ quốc chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023. Ảnh: V.Truyên |
Đồng Nai hiện có 925 trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố. Hầu hết trong số này là những người cao tuổi song họ vẫn đang đóng góp tích cực vào việc xây dựng cầu nối đoàn kết tại cơ sở.
Điều này đã góp phần huy động, gắn kết người dân ở từng cộng đồng dân cư thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
* Nỗ lực vì cộng đồng
Trong số những tấm gương tuổi cao vẫn cần mẫn nỗ lực vì cộng đồng có Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Đoàn Kết (xã Giang Điền, H.Trảng Bom) Ngô Văn Vân. Ông Vân đã có hàng chục năm gắn bó với công tác ở cơ sở.
Theo ông Vân, ấp Đoàn Kết có 460 hộ và 75% dân số là đồng bào có đạo. Bà con trong ấp sống chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, làm công nhân và buôn bán nhỏ. Tinh thần vì việc chung của cộng đồng rất lớn và cần người khơi gợi, kết nối. Do vậy, ông cùng ban ấp cố gắng trở thành cầu nối để gắn kết bà con. Để xây dựng niềm tin trong dân thì mọi hoạt động phải rõ ràng, nhất quán, vấn đề thu chi phải minh bạch. Thời gian qua, ban ấp đã làm tốt vai trò này, từ đó đã dẫn dắt người dân thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm ở cơ sở.
Như mới đây, khi 2 tuyến đường nội bộ trong ấp xuống cấp, để giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phát huy tinh thần trách nhiệm của từng gia đình, ông Vân cùng ban ấp đi lại nhiều lần để vận động nhân dân chung tay đổ bê tông. Qua đó, 2 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 310m, kinh phí thực hiện 430 triệu đồng do dân đóng góp 100% đã hoàn thành.
Năm 2023 này, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thái Hòa (xã Phú Túc, H.Định Quán) Hoàng Văn Diệp đã có 25 năm tham gia công tác Mặt trận ở cơ sở. Nhờ nhận được sự tín nhiệm của người dân nên phong trào, mô hình gắn liền với cộng đồng được ông triển khai đều diễn ra thuận lợi.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến thời điểm này, đã có 392 ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đạt tỷ lệ gần 43%. Trong số này, có 23 ấp, khu phố tiêu biểu được các đồng chí trong Ban TVTU, Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự ngày hội. Dịp này, đã có 12 căn nhà tình thương (tổng trị giá xây dựng 845 triệu đồng) được bàn giao cho gia đình khó khăn về nhà ở; 535 phần quà được tặng cho gia đình nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách...
Điểm đáng lưu ý là trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ở địa phương, để giảm áp lực cho các gia đình hoàn cảnh khó khăn trong các khoản đóng góp chung, ông Diệp cùng ban ấp đã chủ động tìm kiếm mô hình tương trợ giữa hộ khá với hộ khó.
Cụ thể, khi ấp thực hiện bê tông tuyến đường cần huy động sự đóng góp của các hộ dân sống hai bên đường, song nhiều gia đình khó khăn không thể tham gia đóng góp theo quy ước. Từ đó, ông cùng ban ấp vận động gia đình khá giả đóng choàng số tiền cho các hộ khó khăn lên đến hơn 130 triệu đồng. Điều này vừa đảm bảo thời gian hoàn thành con đường, vừa giảm áp lực cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Hay khi địa phương có chủ trương thực hiện thắp sáng các tuyến đường theo hình thức ngân sách nhà nước chi 80%, người dân đóng góp 20% kinh phí, ông đã vận động mỗi gia đình đóng góp 180 ngàn đồng để thi công và 12 ngàn đồng/hộ/tháng làm chi phí trả tiền sử dụng điện, bảo trì. Gia đình nào còn thiếu, ông đóng choàng cho bà con. Trong quá trình sử dụng, mỗi khi nhận được phản ảnh của bà con về hư hỏng đèn chiếu sáng, ông tìm đến sửa chữa những hư hỏng nhỏ, thay bóng đèn mới. Nhờ đó, vừa tiết kiệm chi phí vận hành, vừa giúp hệ thống đèn đường hoạt động tốt.
* Tiết kiệm để giúp người khó khăn
Không những tích cực với hoạt động ở địa phương, nhiều trưởng ban công tác Mặt trận cao tuổi còn là gương sáng trong công tác từ thiện nhân đạo.
Năm nay 70 tuổi, bà Bùi Thị Ly đã có 7 năm đảm nhận vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.1, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Bà Ly cho hay, khu phố có gần 3,7 ngàn dân, trong số này có 800 người ở trọ. Khu phố không còn hộ nghèo song nhiều trường hợp còn khó khăn, nhất là người ở trọ. Rồi nhiều hộ đang có mức sống trung bình không may đau yếu đột xuất trở nên túng thiếu…
Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.1, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) Bùi Thị Ly cạo xóa quảng cáo rác trên tường ở khu phố |
Để giảm bớt khó khăn cho bà con, bà Ly cùng Ban điều hành khu phố đã phối hợp để vận động trợ giúp. Năm qua, khu phố có một cựu chiến binh không may mắc bệnh thận, cuộc sống gia đình khó khăn. Trước đó, gia đình này có vay 4 triệu đồng để buôn bán nhỏ, song không thể trả được vốn vay. Khi nắm được hoàn cảnh này, bà Ly cùng Ban điều hành khu phố, chi hội cựu chiến binh khu phố đã vận động quỹ để trả thay.
Bí thư Chi bộ KP.1, P.Trảng Dài Nguyễn Văn Thạch cho hay, bà Bùi Thị Ly đã có nhiều nỗ lực trong kết nối người dân thực hiện các phong trào ở địa phương, trong đó có việc trợ giúp những hoàn cảnh kém may mắn. Nhờ minh bạch trong tiếp nhận, phân phối nguồn lực vận động đến đúng địa chỉ nên cá nhân bà Ly cùng Ban điều hành khu phố tạo được uy tín, gầy dựng được niềm tin đối với mỗi gia đình.
Song song với vận động, bà Bùi Thị Ly còn dùng tiền túi để giúp bà con. Mỗi khi nhận được tiền từ khen thưởng, lương hưu và trợ cấp, bà đều trích một phần để dành giúp người kém may mắn. Bà còn thực hiện mô hình giúp vốn để phụ nữ trong khu phố mua trứng về bán nhằm cải thiện thu nhập, gây quỹ cho hoạt động hội. Nối tiếp việc làm của bà, con cháu trong gia đình cũng tự tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày để cùng tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. |
Tính đến nay, ông Phạm Hữu Phúc (77 tuổi) đã có 15 năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.8B, P.Tân Biên (TP.Biên Hòa). Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Tân Biên Nguyễn Minh Luyến, ông Phúc là tấm gương người cao tuổi tích cực tham gia hoạt động ở cơ sở.
Ông Phúc cho hay, KP.8B có 722 hộ với 2 ngàn dân. 98% dân số trong khu phố là đồng bào có đạo. Khu phố còn 10 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo; trong số 121 gia đình tạm trú, có nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi khi biết được thông tin gia đình nào gặp khó khăn đột xuất, ông Phúc đều tìm đến nắm bắt thông tin. Sau khi xác thực được hoàn cảnh cụ thể, ông cùng các thành viên trong gia đình trích tiền túi để hỗ trợ trước, rồi cùng Ban điều hành khu phố vận động mạnh thường quân giúp thêm cho bà con.
“Trong khả năng của gia đình, mình cố gắng giúp bà con bớt được phần khó nào thì tốt chừng đó. Rồi còn cả sức mạnh tập thể do Ban công tác Mặt trận, chi bộ, đoàn thể khu phố kết nối nữa sẽ tạo nên nguồn lực lớn giúp bà con” - ông Phúc chia sẻ.
Văn Truyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin