Báo Đồng Nai điện tử
En

Trường học trong 'dòng chảy' chuyển đổi số

03:01, 18/01/2023

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản trị nhà trường, trong hoạt động dạy và học là 2 hoạt động chủ yếu mà các trường học đang triển khai nhằm thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản trị nhà trường, trong hoạt động dạy và học là 2 hoạt động chủ yếu mà các trường học đang triển khai nhằm thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.

Thầy giáo Nguyễn Trường Sinh, Trường THCS Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) hướng dẫn học sinh thực hiện giải pháp Những tiện ích hỗ trợ nhà trường trong dạy học và kiểm tra - đánh giá. Anh H.Yến
Thầy giáo Nguyễn Trường Sinh, Trường THCS Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) hướng dẫn học sinh thực hiện giải pháp Những tiện ích hỗ trợ nhà trường trong dạy học và kiểm tra - đánh giá. Anh H.Yến

Ứng dụng CNTT hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp công tác quản lý trường học được khoa học, tiện lợi, tiết kiệm… mang đến sự hài lòng cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.

* Khoa học, tiện lợi, tiết kiệm

Đó là 3 trong số nhiều ưu điểm nổi bật khiến ThS Phạm Trọng Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) rất hài lòng khi ứng dụng CNTT trong công tác quản trị nhà trường.

Đóng chân trên địa bàn xã vùng xa của TP.Long Khánh, Trường THCS Hàng Gòn chỉ có hơn 500 học sinh. Nhiều năm liền, Ban giám hiệu trường chỉ có 1 thành viên. Nhiều thời điểm, Hiệu trưởng phải họp hành, tập huấn liên tục nên không có mặt ở trường. Để giải quyết công việc tồn đọng, thầy Đức phải tranh thủ lên trường làm việc ngoài giờ hoặc ôm hồ sơ về nhà làm thêm vào buổi tối.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trước yêu cầu làm việc online, Trường THCS Hàng Gòn đã sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý. Các hoạt động như: lịch báo giảng, điểm danh, ký sổ đầu bài đều được thực hiện online. Chỉ cần một cú click chuột, mọi thông tin đều được cập nhật công khai.

Đầu năm học này, nhà trường triển khai ứng dụng duyệt hồ sơ online. Đây là ứng dụng do thầy Nguyễn Trường Sinh, giáo viên của trường thiết kế. Theo đó, các hồ sơ như: kế hoạch bài dạy, kế hoạch giáo dục của trường đều được đưa lên website nội bộ để Ban giám hiệu đọc và duyệt.

Giáo viên lớp 1, Trường tiểu học Kim Đồng (P.Xuân An, TP.Long Khánh) ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ dạy
Giáo viên lớp 1, Trường tiểu học Kim Đồng (P.Xuân An, TP.Long Khánh) ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ dạy

“Trước đây, giáo viên phải in giáo án nộp cho Ban giám hiệu đọc và duyệt, vừa tốn thời gian mà còn tốn tiền in ấn. Bây giờ, giáo viên chỉ cần nộp online, Ban giám hiệu có thể kiểm tra và ký duyệt bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, tiết kiệm được chi phí in giáo án, góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành mà có khi Ban giám hiệu đi công tác cả tuần vẫn điều hành hoạt động của trường một cách trôi chảy, nhịp nhàng. Từ trải nghiệm thực tế của đơn vị, tôi thấy ứng dụng CNTT trong quản lý mang lại nhiều lợi ích: khoa học, tiện lợi hơn, nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí...” - ông Đức chia sẻ.

Không chỉ tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, Trường THCS Hàng Gòn cũng là đơn vị đi đầu của TP.Long Khánh trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Dù là xã vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ sau 3 tháng triển khai, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của trường đã đạt 49%.

* Chủ động ứng dụng CNTT trong dạy học

Từ học kỳ II của năm học 2019-2020, cô giáo Đặng Thị Huyền (Trường tiểu học Sông Mây, xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) đã sử dụng phần mềm Zoom để dạy học trực tuyến.

Theo cô Huyền, chương trình học kỳ II của lớp 1 nặng hơn nhiều so với học kỳ I. Trong môn Tiếng Việt, các em chuyển từ học vần sang tập đọc; môn Toán phải học đến phạm vi 100 và làm toán có lời giải. Nhiều học sinh bị “đuối”, không theo kịp bạn nên giáo viên phải dạy phụ đạo.

“Lớp đã học 2 buổi/ngày nên giáo viên chỉ có thể phụ đạo vào ngày nghỉ hoặc buổi tối. Tôi đã thống nhất với phụ huynh để phụ đạo trực tuyến cho các em. Khi đó, tôi chọn ứng dụng Zoom, đã hướng dẫn cho phụ huynh nhưng nhiều người vẫn không biết cách đăng nhập, phải gặp trực tiếp để giáo viên chỉ từng bước một. Nhiều phụ huynh không dùng điện thoại thông minh, không có máy tính hoặc internet… Năm học đó, có 27 học sinh tham gia học phụ đạo trực tuyến” - cô giáo Huyền kể.

Nhờ “đi trước một bước” nên khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bắt buộc phải dạy học online, cô Huyền có thể “nhập cuộc” dễ dàng, không hề lúng túng. Việc dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cũng không làm khó được cô giáo này, dù đối tượng của cô là học sinh lớp 1.

Giáo viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các môn văn hóa
Giáo viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các môn văn hóa

Với những trải nghiệm của cá nhân, cô Huyền khẳng định: “Ứng dụng CNTT đã hỗ trợ rất hiệu quả cho giáo viên trong dạy học. Nhờ sử dụng CNTT, các bài học trở nên trực quan, sinh động, giúp học sinh học tập hứng thú, dễ hiểu. Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, H.Vĩnh Cửu đã trang bị máy tính cá nhân cho tất cả các giáo viên dạy lớp 1 và tivi ở các phòng học lớp 1. Do đó, ngoại trừ môn Thể dục và các hoạt động ngoài lớp học, hầu như buổi học nào giáo viên chúng tôi cũng sử dụng “bộ đôi” này để phục vụ giảng dạy”.

Sau khi đi dạy học được 1 năm, cô Nguyễn Thị Thảo Nguyên (Trường THCS Võ Trường Toản, xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) quyết định học tiếp thạc sĩ chuyên ngành CNTT và tốt nghiệp năm 2019. Cô giáo trẻ này cho rằng, việc chủ động học tập nâng cao trình độ sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác chuyên môn và thực tế đã chứng minh được điều này. Bên cạnh thực hiện tốt việc dạy học, cô Nguyên còn ứng dụng hiệu quả CNTT trong công tác chủ nhiệm, đặc biệt là giai đoạn học sinh phải học online do dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, thông qua ứng dụng Microsoft Teams, cô giáo Nguyên đã tạo file để lớp trưởng, tổ trưởng cập nhật việc thực hiện nội quy giờ học của các thành viên trong lớp. Nhờ đó, dù không có mặt trong các tiết dạy của giáo viên bộ môn, cô giáo Nguyên vẫn nắm được tình hình của lớp, kịp thời thông báo cho phụ huynh nhằm phối hợp nhắc nhở học sinh. Chị còn sử dụng nhiều ứng dụng để tổ chức các trò chơi, hoạt động bổ ích trong sinh hoạt lớp…

Là giáo viên môn Ngữ văn nhưng thầy giáo Hoàng Văn Hưởng, Trường THCS Phú Tân (xã Phú Tân, H.Định Quán) lại nổi tiếng trong cộng đồng giáo viên như một chuyên gia ứng dụng CNTT trong dạy học. Thế mạnh của thầy giáo này là thiết kế, soạn giảng e-learning (bài giảng điện tử).

Học sinh Trường THCS Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) tra cứu và làm thủ tục mượn sách của thư viện bằng máy tính. Đây là trường THCS đầu tiên của tỉnh Đồng Nai trang bị thư viện số
Học sinh Trường THCS Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) tra cứu và làm thủ tục mượn sách của thư viện bằng máy tính. Đây là trường THCS đầu tiên của tỉnh Đồng Nai trang bị thư viện số

Từ kinh nghiệm của bản thân, thầy giáo Hưởng đã tập huấn cho hàng ngàn giáo viên cả nước thông qua các khóa tập huấn online và offline (có thu phí hoặc miễn phí). Bên cạnh đó, để lan tỏa kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT trong dạy học, “thầy giáo làng” này còn xây dựng website và kênh YouTube để đăng tải các clip hướng dẫn. Video clip hướng dẫn tập trung vào các mảng nội dung: hướng dẫn soạn giảng e-learning; cách sử dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ soạn bài giảng điện tử, bài giảng online; cách xử lý các lỗi kỹ thuật quá trình dạy và học online...

Hiện nay, chỉ tính riêng kênh YouTube Soạn giảng TV của thầy giáo Hưởng đã có hơn 22 ngàn lượt đăng ký. Các clip hướng dẫn ứng dụng CNTT trong dạy học đăng trên kênh YouTube này thu hút rất đông người xem, có clip đạt đến hơn 600 ngàn lượt xem. Với sự hướng dẫn của thầy giáo Hưởng, nhiều giáo viên đã ứng dụng CNTT thành thạo trong dạy học, tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi ứng dụng CNTT vào dạy học và đoạt giải.

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện đề án Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đến năm 2025 sẽ hình thành kho học liệu trực tuyến, đáp ứng các yêu cầu về tài liệu học tập cho trên 80% nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; hệ thống thông tin quản lý toàn ngành Giáo dục được thiết lập riêng và vận hành hiệu quả; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hoặc mức độ 3 nếu không phát sinh thanh toán)…

Hải Yến

Tin xem nhiều