Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Cấp bách, thường xuyên, lâu dài

03:01, 18/01/2017

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Hơn 80 năm qua, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Công Nghĩa

Nhiệm vụ xây dựng Đảng được Nguyễn Ái Quốc đề cập trong một số văn bản trước khi Đảng ra đời, trong đó việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên được coi là nội dung cốt lõi.

Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc những năm 1925-1927 tại các lớp huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), mở đầu là phần Tư cách người Kách mệnh. Tư cách của người cách mạng được xác định trên 3 quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với công việc. 3 mối quan hệ này hình thành 3 nhóm, với 23 chuẩn mực cụ thể, trong đó quan hệ đối với mình với 14 chuẩn mực, là nhóm được xác định nhiều chuẩn mực nhất. Về sau, từ các chuẩn mực này Bác Hồ khái quát thành đạo đức của người cán bộ, đảng viên là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Với một Đảng non trẻ, chưa đầy một năm sau ngày ra đời đã đứng lên lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh thắng lợi, nhưng sau đó kẻ thù đàn áp dã man, nhiều đảng viên hy sinh, bị bắt, tù đày, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật, nhưng không vì thế mà buông lơi công tác xây dựng Đảng. Chính trong thời kỳ khó khăn này Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích, phê phán thái độ trong một bộ phận đảng viên, uốn nắn những lệch lạc như: chủ quan, tả khuynh, hữu khuynh, nội bộ mất đoàn kết; sai lầm trong phương thức vận động quần chúng… Tổng Bí thư cho rằng: “Những sai lầm, khuyết điểm này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới việc thực hiện các mục tiêu chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng”. Đồng chí nhấn mạnh: “Không mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng thì đó không phải một Đảng tiền phong cách mạng mà là một đảng hoạt đầu cải lương”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7, khóa X. Ảnh: Công Nghĩa
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 7, khóa X. Ảnh: Công Nghĩa

Sau Cách mạng tháng Tám giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi một cán bộ, đảng viên phải thật sự trong sạch, thật sự cần kiệm, kiêm, chính, chí công vô tư” và Bác cảnh báo nguy cơ của một đảng cầm quyền, ở đó cán bộ dễ trở thành “quan cách mạng”, quan liêu, xa rời dân, chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy. Rất nhiều bài viết, bài nói của Bác về công tác xây dựng Đảng đến nay vẫn nguyên ý nghĩa. Bài viết cuối cùng về lĩnh vực xây dựng Đảng nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho đời sau, Người viết: “Trước hết nói về Đảng”, khẳng định những thành tựu to lớn giành được từ ngày có Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng, Người nhắc nhở: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đặc biệt sâu sắc là những lời dặn của Bác về những việc cần làm trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau chiến tranh: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi’’. Xem kỹ bút tích của Bác về đoạn này chúng ta thấy Bác gạch dưới 4 chữ ‘’chỉnh đốn lại Đảng’’ chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề mà Bác dặn lại đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong Di chúc thiêng liêng của mình.

Xây dựng Đảng luôn luôn phải đi đôi với chỉnh đốn Đảng

Từ năm 1986, thực hiện chủ trương đổi mới, đất nước chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, những mặt trái của cơ chế này cũng tác động sâu sắc đến toàn xã hội, kể cả trong Đảng. Đạo đức xã hội xuống cấp, những giá trị truyền thống mai một, một bộ phận không nhỏ đảng viên sa sút phẩm chất, ý chí, phai nhạt lý tưởng. Sớm nhận thức được tình hình, trong nhiều năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng. Cụ thể là: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI”; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2 - khóa VIII) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa IX) về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X): “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Tại các đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. 2  nhiệm kỳ gần đây, Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), toàn Đảng đã làm nhiều việc: Sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số quy định, quy chế nhằm tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, như: Quy chế bầu cử trong Đảng; Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định về việc chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng; Quy chế giám sát cán bộ, đảng viên diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định việc MTTQ, các đoàn thể và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động và luân chuyển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp được đẩy mạnh hơn. Một số vụ án trọng điểm được xét xử nghiêm, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật đã bị xử lý, kể cả cán bộ cấp cao.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (thứ 3 từ trái qua) thăm xưởng đào tạo nghề của Trường cao đẳng nghề Lilama 2 trong đợt khảo sát để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động của các trường cao đẳng trên địa bàn Đồng Nai năm 2016.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (thứ 3 từ trái qua) thăm xưởng đào tạo nghề của Trường cao đẳng nghề Lilama 2 trong đợt khảo sát để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động của các trường cao đẳng trên địa bàn Đồng Nai năm 2016. Ảnh: Hạnh Dung

Ngày 30-10-2016, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nghị quyết vừa đề cập đến những vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài, vừa tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, trọng tâm, cấp bách trước mắt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận diện theo 27 nhóm biểu hiện, phân đều theo ba cụm: về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống“tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”. Điểm mới của nghị quyết là chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nghị quyết nhấn mạnh, cần tập trung khắc phục là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng.

Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột phá. Trước đây, việc xây dựng, chỉnh đốn là việc nội bộ của Đảng. Nay, Đảng chủ trương dựa hẳn vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phản ánh đúng ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân, Nghị quyết Trung ương 4 thực sự là ý Đảng, lòng dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu nói ít làm nhiều, không “trống giong, cờ mở”. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư yêu cầu trong quá trình học tập, nghiên cứu nghị quyết, mỗi người cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc rằng, việc xây dựng Đảng luôn luôn phải đi đôi với chỉnh đốn Đảng. Hay nói cách khác, đổi mới, chỉnh đốn Đảng là một bộ phận không thể tách rời của công tác xây dựng Đảng; là một yêu cầu khách quan, tự nhiên, và là nhiệm vụ thường xuyên của bất cứ một đảng cách mạng chân chính nào, ở bất kỳ giai đoạn nào.

Phan Sĩ Anh

 

Tin xem nhiều