Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần đầu tiên khái quát một cách hệ thống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nhiều biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nêu trong bản nghị quyết này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra từ những năm 40 của thế kỷ trước.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần đầu tiên khái quát một cách hệ thống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhiều biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nêu trong bản nghị quyết này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra từ những năm 40 của thế kỷ trước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I họp từ ngày 18 đến 31-12-1959 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Khuyết điểm = chứng bệnh = kẻ địch
Bác Hồ nói về cán bộ từ rất sớm. Đầu tiên phải kể đến tác phẩm Đường Cách mệnh (1925). Trang đầu của cuốn sách ấy lại nói về Tư cách của một người cách mệnh ở cả ba phương diện: với mình; với người và với công việc. Điều thứ ba, với mình, Bác viết: Cả quyết sửa lỗi mình.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chủ tịch liên tục nhắc nhở cán bộ, khi bằng thư từ, lúc nói chuyện trực tiếp về những khuyết điểm cần phải kiên quyết tẩy sạch. Có thể hiểu lý do vì sao người đứng đầu một đất nước vừa mới giành được độc lập, giữa muôn vàn khó khăn, lại đặc biệt lưu tâm đến cán bộ. Nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, ngày 20-2-1947, Người nói: Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh; Mỗi chứng bệnh như một kẻ địch; Kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra.
Có nên giấu bệnh?
Câu trả lời có ngay trong cuốn sách Sửa đổi lối làm việc, Bác viết năm 1947: Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh (…) không chết cũng la lết quả dưa. Còn một tổ chức, một chính đảng thì sao? Hồ Chí Minh khẳng định, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xã lấn biển Nam Cường, Tiền Hải, Thái Bình (tháng 3-1962). Ảnh: Tư liệu |
Hai năm sau (1949), trong bài báo Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng đăng trên tờ Sự thật, Bác Hồ phê phán những cán bộ cho rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền; giảm bớt uy tín của đoàn thể (Đảng) và chính quyền; làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy. Bác cho như thế ốm mà sợ thuốc. Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền, thì không gì hơn là tránh và sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết. Dẫn câu tục ngữ: Sừng có vạch, vách có tai, Bác Hồ cho rằng, Đảng, chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình là yếu ớt, thoái bộ. Còn cán bộ nào không dám công khai thừa nhận, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.
Vi trùng và bệnh tật
“Bệnh” của cán bộ khác với các chứng nhức đầu, sổ mũi thông thường, do thời tiết biến đổi gây ra. “Bệnh” ấy, Bác Hồ nói, là do chủ nghĩa cá nhân, một thứ vi trùng rất độc, sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm.
Lần đầu tiên Hồ Chủ tịch nói về bệnh cán bộ có lẽ là ngày 17-9-1945, trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà. Thư này, Người viết không với tư cách Chủ tịch của Chính phủ, mà lấy danh nghĩa của một người đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí. Bốn khuyết điểm to nhất Bác khuyên phải sửa đổi ngay là: Khuynh hướng chật hẹp và bao biện; Lạm dụng hình phạt; Kỷ luật không đủ nghiêm và Hủ hóa. Sau này, mọi người thường gắn hủ hóa với chuyện nam nữ quan hệ bất chính. Thực ra, bệnh này Bác đề cập rộng hơn, là độc hành độc đoán; dĩ công dinh tư (lấy của chung làm của riêng); dùng pháp công để báo thù tư và nhất là lên mặt làm quan cách mạng. Những bệnh này nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động.
Đúng một tháng sau, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chủ tịch lại chỉ ra 6 lỗi lầm rất nặng nề của cán bộ: Trái phép; Cậy thế; Hủ hóa; Tư túng; Chia rẽ và Kiêu ngạo.
Điều đáng lưu ý là những bệnh trên được Bác Hồ nêu ra từ những ngày đầu, tháng đầu sau khi nước ta giành được độc lập và Đảng cầm quyền.
Những năm kế tiếp, Hồ Chủ tịch lại chỉ ra nhiều bệnh khác trong cán bộ. Đặc biệt, trong cuốn Sửa đổi lối làm việc, Người đã khái quát khuyết điểm trong cán bộ thành ba hạng: Về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan; Về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi; Về cách nói và cách viết, tức là ba hoa. Mỗi hạng như vậy, Bác Hồ lại chỉ ra những bệnh cụ thể. Ví như, hẹp hòi có các bệnh: chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa v.v... Ba hoa là 8 bệnh: Dài dòng, rỗng tuếch; Cầu kỳ; Khô khan, lúng túng; Báo cáo lông bông; Lụp chụp cẩu thả; Bệnh theo “sáo cũ”; Nói không ai hiểu; Bệnh hay nói chữ.
Hồ Chủ tịch cho rằng, vì kém rèn tính Đảng mà sinh ra 12 loại bệnh ấy. Có “bệnh” mới nghe rất ngộ, như: Bệnh cẩu thả; Bệnh lười biếng… Nhưng, Người lưu ý Mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc.
Chẩn đoán và chữa bệnh
Khi nêu từng loại bệnh của cán bộ, đảng viên, bao giờ Bác Hồ cũng chỉ ra nguyên nhân, biểu hiện và hậu quả của nó một cách sinh động. Bác từng đặt câu hỏi: Khuyết điểm đâu mà nhiều thế? rồi trả lời: Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng. Bác nhấn mạnh: nhưng không vì thế mà kinh sợ, bởi đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa.
Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đồng chí Đỗ Hồng Giang (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch). Ảnh: P.Hằng |
Bác Hồ luôn mong mỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất để chữa bệnh cán bộ là thiết thực phê bình và tự phê bình.
Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Vì thế, cán bộ càng không phải ông quan. Đã thế thì chớ lúc nào cũng vác mặt quan cách mạng lên.
Làm người cán bộ chân chính có khó không? Bác Hồ bảo: Không gì khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra... Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức... Tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì? Người còn bảo Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm trước về cán bộ hẳn là chưa cũ!
Tiết Tiểu hàn, Bính Thân
Bùi Quang Huy