Báo Đồng Nai điện tử
En

Một năm FDI kỷ lục

10:02, 05/02/2016

Từ cột mốc năm 2014, Ðồng Nai chính thức chuyển mạnh về nhận thức trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): xanh - sạch - công nghệ cao - ít lao động. Cho dù rất kén chọn nhưng thu hút vốn FDI ở Ðồng Nai năm 2015 vẫn là điểm sáng nổi bật, đây là năm đầu tiên Ðồng Nai đạt kỷ lục về thu hút vốn FDI với gần 2,5 tỷ USD.

Từ cột mốc năm 2014, Ðồng Nai chính thức chuyển mạnh về nhận thức trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): xanh - sạch - công nghệ cao - ít lao động. Cho dù rất kén chọn nhưng thu hút vốn FDI ở Ðồng Nai năm 2015 vẫn là điểm sáng nổi bật, đây là năm đầu tiên Ðồng Nai đạt kỷ lục về thu hút vốn FDI với gần 2,5 tỷ USD.

Lãnh đạo tỉnh ký kết bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư với Thống đốc Bang Arkansas, Hoa Kỳ tháng 6-2015.
Lãnh đạo tỉnh ký kết bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư với Thống đốc Bang Arkansas, Hoa Kỳ tháng 6-2015.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), Đồng Nai hiện đang nằm trong top đầu các tỉnh, thành về thu hút FDI. Các dự án đầu tư mới vào Đồng Nai triển khai khá nhanh nhằm nắm lấy lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và tới đây là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN và FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu.

Nhiều dự án hàng trăm triệu USD

Năm 2015, thu hút vốn FDI vào Đồng Nai tăng gấp gần 3 lần so với kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều dự án cấp mới và tăng vốn rất lớn. Hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đều đã có mặt tại Đồng Nai để đầu tư mới, mở rộng sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, như: Tập đoàn CJ, Hyosung, Kenda, Fujitsu, Chang Shin, Taekwang, Pouchen, Formosa, Amata, CP…

Nhiều doanh nghiệp sau thời gian đầu tư hiệu quả đã tăng vốn mở rộng sản xuất. Trong ảnh: Công ty TNHH máy tính Fujitsu Việt Nam tăng vốn gấp 2,5 lần so với ban đầu.
Nhiều doanh nghiệp sau thời gian đầu tư hiệu quả đã tăng vốn mở rộng sản xuất. Trong ảnh: Công ty TNHH máy tính Fujitsu Việt Nam tăng vốn gấp 2,5 lần so với ban đầu.

Dẫn đầu là Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với dự án xây dựng nhà máy sản xuất các loại sợi tại huyện Nhơn Trạch có tổng vốn đầu tư 660 triệu USD. Xếp thứ hai là dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành), vốn đầu tư 282 triệu USD của Tập đoàn Amata (Thái Lan). Tiếp đến là dự án xây dựng nhà máy sản xuất vỏ, ruột xe máy, ô tô, xe đạp tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) của Tập đoàn Kenda (Đài Loan) 160 triệu USD…

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhận định:

“Thu hút FDI của Ðồng Nai năm nay tăng cao sẽ là tiền đề cho phát triển kinh tế những năm sau. Vì các doanh nghiệp FDI hầu hết là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhằm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Như vậy chắc chắn trong những năm tới kim ngạch xuất khẩu của Ðồng Nai sẽ đạt những kỷ lục mới. Ðồng Nai sẽ nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành vì có xuất siêu cao”.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam, cho biết: “Tập đoàn Amata đầu tư Khu công nghiệp Amata Biên Hòa rất thành công và đây trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu để Amata thực hiện tiếp ở các tỉnh, thành khác tại Việt Nam. Sau thành công này, Tập đoàn Amata quyết định tiếp tục đầu tư thêm khu công nghiệp công nghệ cao tại huyện Long Thành với tổng vốn đầu tư hơn 282 triệu USD”. Cũng theo bà Somhatai Panichewa, sở dĩ Amata chọn huyện Long Thành đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao là vì tới đây khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành xây dựng, với lợi thế về giao thông khu vực này sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất trên lĩnh vực công nghệ cao. Đây là dự án khu công nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Đồng Nai. Ngoài dự án trên, Tập đoàn Amata đang tiến hành hoàn tất hồ sơ xin đầu tư tiếp 2 dự án khu đô thị dịch vụ tại huyện Long Thành với vốn đầu tư khoảng vài trăm triệu USD.

Ông Giang Y Minh, Chủ tịch Tập đoàn Kenda (Đài Loan), nói: “Trước đây, Tập đoàn Kenda đã đầu tư một nhà máy sản xuất vỏ ruột xe máy, ô tô, xe đạp tại Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) với số vốn đăng ký ban đầu 36 triệu USD, sau đó đã nâng lên 100 triệu USD. Để hưởng ưu đãi từ các FTA và tới đây là Cộng đồng kinh tế ASEAN và TPP, Tập đoàn Kenda đã đầu tư thêm 160 triệu USD làm nhà máy tại Khu công nghiệp Giang Điền để sản xuất vỏ ruột xe ô tô, xe máy, xe đạp xuất khẩu”.

Các chủ tập đoàn FDI đều khẳng định, họ chọn Đồng Nai để đầu tư mới và mở rộng sản xuất là vì giao thông thuận lợi, thủ tục đầu tư được giải quyết nhanh, mọi khó khăn vướng mắc được chính quyền kịp thời hỗ trợ giải quyết.

Ðiểm sáng hấp dẫn đầu tư

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư FDI thì Đồng Nai là một trong 3 nơi hấp dẫn đầu tư nhất trong các tỉnh, thành phía Nam. Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết: “2015 là năm kỷ lục trong thu hút vốn FDI. Định mức đầu tư của các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp đạt trên 7 triệu USD/hécta, cao gấp gần 2 lần so với bình quân cả nước. Điều này cho thấy chất lượng các dự án đầu tư vào Đồng Nai khá tốt”. Còn theo ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, với lợi thế về đường cao tốc, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và việc cải cách thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày càng đơn giản, rút ngắn thời gian thì trong những năm tới Đồng Nai tiếp tục là một trong những điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Một nhà máy được đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).
Một nhà máy được đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).

Thực tế, trong năm 2015, cả nước phải nhập siêu trên 4 tỷ USD, thì Đồng Nai lại là một trong số ít tỉnh có mức xuất siêu trên 1,4 tỷ USD. Mức xuất siêu của Đồng Nai trong năm 2015 gấp gần 3 lần so với năm 2014. Điều này chứng tỏ Đồng Nai đang thu hút đầu tư đúng hướng và các doanh nghiệp đã chú trọng tìm nguồn nguyên liệu trong nước để hưởng các ưu đãi về thuế quan. Những năm gần đây, thu hút đầu tư của tỉnh ngày càng được chọn lọc, số đông các dự án đầu tư vào Đồng Nai có công nghệ cao và thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ - một ngành công nghiệp Việt Nam đang ưu tiên thu hút để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và gia tăng giá trị sản xuất sản phẩm hàng hóa.

Ông Satoshi Nakajima, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, nhận xét:

“Ðồng Nai hiện đang là điểm đến thu hút rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ðặc biệt 2-3 năm trở lại đây, số doanh nghiệp Nhật Bản đến Ðồng Nai đầu tư mới tăng cao. Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Ðồng Nai đa số hoạt động tốt và sau một thời gian đều mở rộng sản xuất”. Cũng theo ông Satoshi Nakajima, sở dĩ nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn Ðồng Nai để đầu tư mới và mở rộng sản xuất là để hưởng các ưu đãi của các FTA đã ký kết và tới đây là Cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP và FTA Việt Nam - EU. Ngoài ra, còn do chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều