Nép mình lặng lẽ giữa phố thị hiện đại với các cao ốc mọc lên ngày càng nhiều, những ngôi nhà cổ một thời là niềm tự hào của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trên 310 năm vẫn âm thầm một sức sống riêng, mãnh liệt và bền bỉ với thời gian...
Nép mình lặng lẽ giữa phố thị hiện đại với các cao ốc mọc lên ngày càng nhiều, những ngôi nhà cổ một thời là niềm tự hào của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trên 310 năm vẫn âm thầm một sức sống riêng, mãnh liệt và bền bỉ với thời gian...
Nhà cổ Trần Ngọc Du nhìn ngang. |
Toàn tỉnh hiện còn khoảng 401 ngôi nhà được đánh giá là cổ, mang bản sắc của lớp cư dân thời mở cõi của xứ Đồng Nai. Trong đó có 25 nhà cổ được đánh giá cao về mặt kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, được xem là tài sản văn hóa cần được bảo tồn.
Kiến trúc mê đắm lòng người
Tiêu biểu cho kiến trúc nhà cổ thuần Việt ở Đồng Nai, phải nhắc đến nhà từ đường họ Đào (còn gọi là nhà Hội đồng Liêu). Nằm đối diện với đường vào đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch), nhà Hội đồng Liêu có khuôn viên rộng đến 5 ngàn m2, được chăm chút tạo một không gian phù hợp với sự cổ kính của ngôi nhà. Toàn bộ cấu kiện nhà đều sử dụng vật liệu gỗ quý của vùng rừng miền Đông, trong đó có 48 cột cái bằng gỗ căm xe, theo thời gian đã lên nước đen bóng tăng thêm vẻ bề thế của ngôi nhà. Các cột, kèo, xiên, đòn tay, rui, xà… đều nối với nhau bằng hệ thống mộng, ngàm chốt trong thế liên hoàn, không hề sử dụng một cây đinh mà vẫn vô cùng vững chãi. Nghệ nhân xưa đã tính toán được độ giãn nở, dịch chuyển của các cấu kiện gỗ khiến ngôi nhà vững chắc trước những biến đổi của điều kiện tự nhiên…
Bức hoành phi “Đức Lưu quang” tại nhà cổ Trần Ngọc Du (phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa). |
Giống như một số nhà cổ khác, phần lớn cấu kiện nhà Hội đồng Liêu đều được trang trí bởi nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo. Các đầu đao, vì kèo, vách buồng, bao lam, khuôn bông… đều được chạm khắc các hoa văn, vừa có tính mỹ thuật, vừa mang ý nghĩa văn hóa phương Nam. Đoạn 2 đầu vì kèo giao nhau được đẽo tạc theo mô-típ chày - cối mang biểu trưng trời - đất, có cánh dơi (tượng trưng cho chữ phúc) bao bọc bên ngoài rất công phu. Hai bên hông và mặt dưới của vì kèo đều được chạm trổ các họa tiết theo phong cách Việt Nam, như: trúc - tước, mai - điểu, tùng - lộc, vân - long, bút - thư… cùng hệ thống dây lá đan xen hài hòa. Sáu đầu kèo hiên được cách điệu hình đầu rồng vươn mình đỡ mái hiên, xen lẫn là hoa lá rất tinh tế.
Có những “nghị quyết” gia đình thể hiện phương châm sống của cả dòng tộc, như: Đức Lưu quang (Lưu Đức sáng) ở nhà cổ Trần Ngọc Du; Thiện tối lạc (Rất vui sướng khi làm việc thiện), Nghiệp quảng duy cần (Sự nghiệp mở mang là nhờ vào sự chuyên cần) ở nhà Hội đồng Liêu; Hòa vi quý (Hòa là quý) ở nhà cổ Nguyễn Văn Hảo; Sáng nghiệp duy gian tổ phụ bị đương tân khổ/ Thủ thành bất dị tử tôn nghi giới xa hoa (Mở mang cơ nghiệp là khó, ông cha chịu đủ điều cay đắng/ Giữ lấy làm nên không dễ, con cháu nên phải chớ xa hoa)… |
Các cấu kiện khác, như: vách buồng, cửa, bao lam, khuôn bông… đều được chạm khắc họa tiết, hoa văn rất tinh xảo. Trong đó, hệ thống cửa trước được thiết kế theo kiểu đà võng, chạm trổ công phu, cầu kỳ với những họa tiết dây leo, hoa lá, hồi văn, quyển thư, nho, sóc, mai, chim chóc… đối xứng nhau, tạo thành một mảng kiến trúc độc lập so với các cấu kiện khác. Đặc biệt, ngoài các họa tiết hoa lá, thú, hồi văn thường gặp, nhà Hội đồng Liêu còn trang trí bằng hình ảnh các sản vật dân gian gần gũi, như: trái đu đủ, mướp… với nét chạm khắc vừa phóng khoáng, vừa sắc xảo, những đường nét họa tiết mềm mại, sống động. Đây là điểm tạo nên sự khác biệt của nhà cổ Đồng Nai so với các địa phương khác trong cả nước, như: ở nhà cổ Nguyễn Văn Hảo (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) có hoa văn trang trí hình trái điều, nhà cổ Trần Ngọc Du (phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) có hoa văn hình trái lựu, mướp.
Thấm đẫm văn hóa Việt
Không chỉ là nơi che mưa tránh nắng, trú ngụ bảo vệ con người; không chỉ là những công trình có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, nhà cổ ở Đồng Nai còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống của gia đình, dòng tộc, xứ sở. Dưới những mái nhà “tam đại đồng đường”, thậm chí là tứ, ngũ đại đồng đường, các giá trị văn hóa, đạo đức, truyền thống đã được thế hệ đi trước trao truyền cho thế hệ sau gìn giữ và phát huy, tạo ra được sự tự hào tiếp nối, là “trường học” đầu đời của mỗi con người.
Hệ thống đầu vì kèo được cách điệu hình đầu rồng, nối kết nhau bằng mộng vô cùng chắc chắn ở nhà từ đường họ Đào (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch). |
Ngôi nhà cổ của ông Trần Ngọc Khánh (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch), khi tiến hành xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, ngày đặt đòn dông cho ngôi nhà - công đoạn được xem là quan trọng nhất trong quá trình dựng nhà, chủ nhà đã cho buộc trên đòn dông một cuốn sách, một tấm vải vẽ hình bát quái với tâm nguyện con cháu trong dòng họ được bình an vô sự, học hành tấn tới, hiển đạt. Việc đặt đòn dông cũng do một người đông con nhiều cháu, gia đình hòa thuận thực hiện.
Họa tiết trang trí hình trái điều ở nhà cổ Nguyễn Văn Hảo (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). |
Trong ngôi nhà của người Việt, không chỉ các thành viên trong gia đình, dòng tộc có sự liên kết chặt chẽ với nhau, mà còn có cả sự nối kết với tổ tiên đã khuất thông qua chiếc bàn thờ gia tiên đặt trang trọng giữa nhà, qua những ngày giỗ chạp được thực hiện nghiêm túc, trang trọng hàng năm. Ở các nhà cổ Đồng Nai, gian đặt bàn thờ gia tiên luôn được xem là quan trọng bậc nhất. Trong đó, cách bài trí bàn thờ thường tuân theo những nguyên tắc chung, như phía trên bàn thờ ngoài bài vị, thần chủ, còn có cặp chân đèn bằng đồng, bát nhang, bình bông, chò quả tử, gọi là bộ tam sự. Những nhà khá giả còn bày bộ ngũ sự, có thêm cặp hạc - rùa, hoặc thất sự (thêm 2 món khác tùy theo gia chủ). Nhà càng giàu có, quyền quý, các món đồ bài trí bàn thờ càng trân quý, có giá trị. Nhà cổ Nguyễn Văn Hảo, nhà Hội đồng Liêu hiện còn giữ nguyên vẹn được bộ ngũ sự, rất tinh xảo.
Nhà từ đường họ Đào (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch), một công trình kiến trúc đặc sắc. |
Một trong những điểm nhấn tạo nên sự uy nghi, bề thế cho gian nhà trên là hệ thống hoành phi, liễn đối, đại tự, thường được sơn son thếp vàng, hoặc cẩn xà cừ để thể hiện sự trân trọng. Không chỉ là để trang trí, hệ thống hoành phi, liễn đối là kết đọng tinh thần, ý chí, truyền thống của ông bà để định hướng con cháu ngày sau, làm nền tảng sinh hoạt cho gia đình, có thể nói đó chính là “nghị quyết” của gia đình. Không đề cao của cải, vật chất, các dòng tộc chỉ mong con cháu tiếp nối truyền thống cha ông, sống đạo đức, thiện lương, chăm chỉ làm việc, hòa thuận với gia đình và làng xóm, đó chính là nét văn hóa của người Đồng Nai xưa.
THANH THÚY