Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Sức mạnh quyết định là ở con người

11:01, 28/01/2014

Như một trách nhiệm lịch sử phải gánh vác, tên tuổi Võ Nguyên Giáp luôn gắn với cấp hàm Đại tướng kể từ năm 1948 cho đến khi ông trở về với "thế giới người hiền" cũng là để gặp lại người đã phong cho ông là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì thời gian vừa tròn 65 năm. Có lẽ trên thế gian này không có vị đại tướng nào thâm niên đến như vậy.

Một bức chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do phóng viên Marc Riboud
Một bức chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do phóng viên Marc Riboud của Hãng thông tấn Magnum thực hiện năm 1969

Như một trách nhiệm lịch sử phải gánh vác, tên tuổi Võ Nguyên Giáp luôn gắn với cấp hàm Đại tướng kể từ năm 1948 cho đến khi ông trở về với “thế giới người hiền” cũng là để gặp lại người đã phong cho ông là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì thời gian vừa tròn 65 năm. Có lẽ trên thế gian này không có vị đại tướng nào thâm niên đến như vậy.

Khi phong hàm đại tướng, Bác Hồ nêu lên một phương cách là người đánh thắng đối phương thuộc cấp nào thì sẽ phong hàm cấp đó. Trong cuộc đời  cầm quân, vị Đại tướng đã cùng với nhân dân và lực lượng vũ trang của mình đánh bại 10 đại tướng của cả “hai đế quốc to” là Pháp và Mỹ.

Lịch sử chọn Người, Người tạo ra lịch sử

Nhưng con người xuất thân từ một nhà báo, một người thầy dạy sử, đã từng tốt nghiệp cử nhân luật ấy không chỉ biết cầm quân. Không phải tự nhiên mà 4 năm trước (1944) khi phong cấp hàm và làm Tổng tư lệnh, Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn và giao trách nhiệm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (12-1944) kèm theo một tên gọi chứa chất nhiều hàm ý là Anh Văn. Tên gọi ấy trước hết là lời nhắc nhủ cái quan trọng nhất của sức mạnh vũ trang chưa phải là súng đạn, mà phải là vũ trang vũ khí tinh thần, tư tưởng... suy đến cùng là sức mạnh chính trị. Đó là sức mạnh tập hợp được nhân dân, vạch ra được con đường để đi đến thắng lợi... mà cốt lõi của nó chính là huy động được sức mạnh văn hiến của dân tộc.

Vì thế, khi nước nhà mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng giao việc đứng đầu bộ máy quân đội quốc gia cho những nhân vật như Chu Văn Tấn, một vị chỉ huy du kích nổi tiếng người thiểu số hay luật sư Phan Anh, một trí thức từng làm bộ trưởng của chế độ cũ. Còn Võ Nguyên Giáp thì nắm giữ một vị trí quan trọng hàng đầu trong bộ máy Chính phủ. Đó là chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, người tổ chức bộ máy hành pháp và đối phó với cả thù trong giặc ngoài bằng những giải pháp chính trị dựa trên việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Chỉ khi chiến tranh đã bùng nổ (1946), Võ Nguyên Giáp mới trở về cuơng vị người đứng đầu bộ máy quốc phòng, tham gia chỉ huy một cuộc kháng chiến trường kỳ bằng một cuộc chiến tranh nhân dân. Những võ công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã đưa Võ Nguyên Giáp lên một tầm vóc được thế giới tôn vinh như một vị tướng huyền thoại... mà nhiều sách vở đã viết một cách sâu sắc khi ông còn sống và cũng như sau khi từ trần.

Nhưng có thể nói, Võ Nguyên Giáp là hiện thân cho một phẩm chất truyền thống của chính đạo quân mà ông là Tổng Tư lệnh: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua...” khi hoàn cảnh lịch sử đặt ông vào những thử thách mới với các nhiệm vụ mới.

Sau khi hoàn thành cuộc trường chinh 30 năm (1946-1976) giành thắng lợi trọn vẹn hai cuộc kháng chiến chống “hai đế quốc to”, bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước, trong đó có cả việc tiếp tục khẳng định chủ quyền biển đảo của quốc gia, ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông còn hoàn thành một thử thách rất khắc nghiệt cách đây 35 năm là đánh bại hai cuộc chiến tranh biên giới  ở phía Tây - Nam, giúp nhân dân Campuchia giải phóng phần lớn lãnh thổ khỏi chế độ Polpot và ở phía Bắc đẩy lùi quân xâm lược Trung Quốc trở về bên kia biên giới, bảo toàn lãnh thổ quốc gia trước khi rời khỏi cương vị Bộ trưởng Quốc phòng (1980).

Coi trọng sức mạnh ở trí tuệ con người

Kể từ đấy, vị Đại tướng được trao  cương vị Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề khoa học, giáo dục và xã hội. Với giáo dục, ai cũng biết là Võ Nguyên Giáp xuất thân là một nhà giáo dạy lịch sử ở Trường Thăng Long (Hà Nội) từ năm 26 tuổi (1937), ông đã từng là một trong những người lãnh đạo nhiệt thành phong trào Truyền bá Quốc ngữ do những trí thức yêu nước, như: Nguyễn Văn Tố, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Hữu Đang... làm nòng cốt. Ở cương bị Bộ trưởng Nội vụ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thay mặt Chủ tịch nước, ông là người ký những  sắc lệnh  thành lập ngành giáo dục và sự nghiệp Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, v.v...

Tác giả cùng cháu gái đến thăm hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân.
Tác giả cùng cháu gái đến thăm hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân. Ảnh: D.T.Q

Là một nhà báo làm việc từ tờ Tiếng Dân của Hội trưởng Hội đồng dân biểu Trung kỳ Huỳnh Thúc Kháng (người sau này kế tục chức Bộ trưởng Nội vụ của Võ Nguyên Giáp trong Chính phủ Hồ Chí Minh), hoặc làm phóng viên cho các tờ báo tiếng Pháp hay quốc ngữ của Đảng thời Mặt trận bình dân, là nhà báo đã ra tận Hòn Gai theo dõi và đưa tin về cuộc bãi công của công nhân mỏ than..., tác giả những luận văn khảo sát về “vấn đề dân cày”... nên những vấn đề xã hội mà ông phụ trách trong Chính phủ không phải là mới mẻ.

Trên lĩnh vực này, có một chức vụ mà ông đảm nhiệm trong một thời gian không lâu, nhưng cũng để lại những băn khoăn đối với những ai quan tâm đến tiểu sử của ông. Đó là cương vị Chủ tịch Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình, ông được phân công không lâu sau khi rời Bộ Quốc phòng. Ông Vũ Mão thời điểm đó là người đứng đầu tổ chức Đoàn thanh niên và người đàn bà nổi tiếng cũng từng mang quân hàm cấp tướng trong Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là Nguyễn Thị Định, nay đứng đầu tổ chức của phụ nữ cũng tham gia ủy ban này.

Trong hồi ức của mình, ông Vũ Mão kể lại việc hàng tuần vẫn dự cuộc họp do vị Chủ tịch Ủy ban chủ trì một cách nghiêm túc. Và vị cựu Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn trong bài viết của mình cũng cho biết cương vị này trước đó do chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng đảm nhiệm từ khi thành lập (1961), và nhờ nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề dân số mà Việt Nam là một trong những quốc gia có những thành tựu tích cực trên lĩnh vực mà cả thế giới đều quan tâm và cam kết thực hiện. Người viết bài báo này cũng có lần gặp và hỏi về việc này thì chính Đại tướng đã hỏi lại rằng, đó không phải là nhiệm vụ hệ trọng hay sao và với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” thì “không nhiệm vụ nào không hoàn thành”.

Riêng với lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, ngay trong kháng chiến chống ngoại xâm, Đại tướng đã quan tâm trực tiếp chỉ đạo việc ứng dụng khoa học và công nghệ để sản xuất hoặc cải tiến vũ khí để đương đầu với những đối thủ đều là những quốc gia có nền công nghệ quân sự tiên tiến. Còn trong hòa bình, ông đã từng đảm nhiệm vị trí đứng đầu Ủy ban Khoa học - kỹ thuật Nhà nước một thời gian ngắn trước khi chiến tranh phá hoại bùng nổ (1964).

Ở cương vị Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất coi trọng sức mạnh của trí tuệ con người, điều mà ông đã trải nghiệm trong chiến tranh. Vị trợ lý về khoa học của Đại tướng là Đại tá Trịnh Nguyên Huân kể lại rằng ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, một trong những việc đầu tiên của Phó thủ tướng là triệu tập 2 cuộc tiếp xúc với các nhà khoa học được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Hà Nội và các nhà trí thức được đào tạo ở phương Tây tại TP.Hồ Chí Minh, với mong muốn tập hợp làm phong phú các nguồn nhân lực sáng tạo cho đất nước Việt Nam thống nhất.

Từ năm 1985 khi “Bàn về chiến lược khoa học và kỹ thuật”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra vấn đề “Khoa học và kỹ thuật với chiến lược phát triển kinh tế biển”, với quan điểm “Biển là một vấn đề kinh tế và khoa học có ý nghĩa chiến lược”. Ngay từ rất sớm, trước khi chúng ta quen biết với thuật ngữ mang tính toàn cầu “kinh tế tri thức” thì trong những bài viết của mình, Đại tướng đã đưa ra thuật ngữ “kinh tế kiến thức” khi nhấn mạnh đến vai trò của một nền kinh tế mà hàm lượng trí tuệ của con người là nhân tố quyết định cho chất lượng phát triển.

Tin vào thế hệ trẻ

Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù trong chiến tranh hay hòa bình, ông đều coi sức mạnh quyết định là ở con người. Khi nói về giáo dục, ông khai thác “tinh thần Điện Biên Phủ” theo lập luận: “Từ trước đến giờ trong quân sự, muốn thắng lợi chỉ có hai điểm cơ bản có ý nghĩa quyết định: Tinh thần quyết chiến - quyết thắng, đó là cái chí và biết đánh, biết thắng, đó là cái thông minh. Quyết mà không biết thì không thắng được. Ngược lại, biết mà không dám quyết thì cũng không xong”.

Sau ngày Đại tướng mất, người cháu nội của ông viết trong một bài báo rằng ông nội của mình rất thương yêu, quan tâm đến con trẻ trong nhà nhưng với một tinh thần tôn trọng lắng nghe chứ không bao giờ dùng quyền uy mà áp đặt. Người ông chỉ khuyên cháu nội của mình rằng khi quyết định làm bất kể việc gì đều cần phải có “trí” (trí tuệ) và “chí” (ý chí).

Đội tiêu binh vào viếng
Đội tiêu binh vào viếng "Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam" tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các danh tướng của quân Giải phóng miền Nam (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Văn Truyên

Phẩm chất tin cậy vào thế hệ trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hẳn bắt nguồn từ chính những trải nghiệm thực tiễn của cuộc sống. Ông có một thời trai trẻ đã được gặp những bậc chí sĩ yêu nước nổi tiếng, như: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng thuộc thế hệ của Phan Châu Trinh, là những người tiên phong cho cuộc vận động dân chủ luôn coi trọng thế hệ “hậu sinh”. Ông là người đã sớm được lãnh tụ Hồ Chí Minh tin cậy giao những trách nhiệm lịch sử rất nặng nề khi còn trẻ: lập Đội  Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân lúc 33 tuổi, làm Bộ trưởng Quốc phòng khi 35 tuổi, phong Đại tướng Tổng tư lệnh năm 37 tuổi (1948), giao toàn quyền chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ lúc 44 tuổi...

Võ Nguyên Giáp thuộc vào một “thế hệ vàng”, lớp người vừa có nền tảng văn hóa tiếp thu từ nền giáo dục truyền thống của dân tộc lấy đạo nghĩa làm trọng; lại được tiếp cận nền học vấn tiên tiến, dù trong thời thuộc địa vẫn chứa chất những giá trị của thời đại mà cốt lõi là tinh thần dân chủ; lại bị thôi thúc bởi khát vọng độc lập - tự do, và đặc biệt với Võ Nguyên Giáp lại có một người Thầy vĩ đại để phấn đấu làm “người học trò xuất sắc” là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế ông là người rất quan tâm đến giáo dục và cũng là người sớm nêu vấn đề học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với mong muốn trao truyền những giá trị tinh thần cho các thế hệ nối tiếp, cũng có nghĩa là cho thế hệ xây đắp tương lai của đất nước.

“Cần phải cải cách căn bản nền giáo dục quốc dân, hình thành một nền giáo dục dân chủ, nhân văn và hiện đại, một xã hội học tập, xã hội tri thức, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, trao cho con người những công cụ và phương pháp để tự học và học tập suốt đời”. Đó là một trong những đúc kết cuối đời của Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp*, con người đã làm nên một sự nghiệp hiển hách ghi dấu ấn trong lịch sử, nhưng luôn khiêm nhường với ước vọng trao truyền những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Điều này Võ Nguyên Giáp đã có lần bày tỏ với những ai nói đến những đóng góp của ông đối với lịch sử: “Nếu không có chiến tranh, chắc tôi vẫn làm nghề giáo”.

Xin lấy một ước vọng cuối đời của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm phần kết của bài viết trước thềm Xuân mới như một niềm tin vào tương lai với nhiều đổi thay tốt đẹp...

Xuân Giáp Ngọ

DƯƠNG TRUNG QUỐC

-----------------------------------------

* Thư góp ý cho Cương lĩnh của Đảng viết ngày 15-6-2009.

* Tựa và đề mục do tòa soạn đặt.

 

Tin xem nhiều