Gần 60 năm qua, cho dù còn nhiều đánh giá khác nhau, nhưng rõ ràng là cuộc đàm phán Genève đã mang lại những giá trị hiện thực, cho Việt Nam và các nước về giải quyết mối quan hệ giữa quốc gia và quốc tế, giữa dân tộc và thời đại trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày nay.
Ngoại giao là nghệ thuật của cái có thể. Các cường quốc đến Hội nghị Genève để giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương, nhưng cũng hướng tới những mục đích riêng và cả những toan tính cho một ván cờ mới. Gần 60 năm qua, cho dù còn nhiều đánh giá khác nhau, nhưng rõ ràng là cuộc đàm phán này đã mang lại những giá trị hiện thực, cho Việt Nam và các nước về giải quyết mối quan hệ giữa quốc gia và quốc tế, giữa dân tộc và thời đại trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày nay.
Hội nghị Genève. |
1. Phải đánh giá chính xác tình hình quốc tế, nhất là thái độ của các nước lớn
Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương chịu tác động của xu thế hòa hoãn giữa các nước lớn và cục diện chiến tranh lạnh. Các cường quốc tham gia hội nghị có lợi ích và động cơ khác nhau. Chịu tác động của xu thế hòa hoãn, cả Liên Xô và Trung Quốc đều không muốn tiếp tục viện trợ quân sự để Việt Nam có thể giành thắng lợi cao hơn nữa trên chiến trường. Sự thỏa hiệp giữa các nước lớn đã làm phương hại đến lợi ích của Việt Nam, Lào và Campuchia. Kết quả của cuộc đàm phán Genève chưa thỏa mãn được nguyện vọng độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân các nước Đông Dương.
Những hạn chế của Hội nghị Genève do hoàn cảnh khách quan mang lại. Nhưng về mặt chủ quan, cũng cần thấy rõ rằng, Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm trong việc nhận định tình hình và chính sách của các nước lớn. Từ rừng núi đi thẳng đến bàn đàm phán, đoàn đại biểu Việt Nam chưa có đủ thông tin để đánh giá hết khó khăn của Pháp về chính trị và quân sự, đặc biệt là sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó Việt Nam lại đánh giá quá cao về ý đồ và khả năng can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Đông Dương, không thấy được khả năng răn đe của Liên Xô, Trung Quốc và dư luận quốc tế, không thấy hết động cơ của mỗi bên tham gia đàm phán. Các lực lượng kháng chiến ở Việt Nam, Lào và Campuchia đã không thể phối hợp với nhau trong cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán. Việt Nam không đủ sức kiên trì đấu tranh cho lợi ích của mình và của bạn, mà phải thuận theo tầm thế của các quan hệ quốc tế lúc đó.
Thực tiễn trên đây không chỉ biểu hiện trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mà còn đang biểu hiện trong điều kiện sau chiến tranh lạnh và bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.
2. Sử dụng con đường đàm phán hòa bình, tăng cường đối thoại và hợp tác để giải quyết các vấn đề xung đột và tranh chấp quốc tế, giữ vững ổn định và cùng phát triển
Hội nghị Genève, với sự tham gia của các nước có chế độ chính trị khác nhau, đã giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương, phá khung chiến tranh lạnh, phá khuôn mẫu hai phe đối lập và đối đầu, đem lại một tinh thần, một kinh nghiệm giải quyết những xung đột và tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Từ Hội nghị Genève đến Hội nghị Á - Âu, quan hệ Đông - Tây đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, từ đối tượng sang đối tác. Hòa bình, đối thoại và hợp tác là một trào lưu quốc tế, một xu thế chủ yếu của thế giới sau chiến tranh lạnh. Việt Nam đã và đang hợp tác với các nước trong các tổ chức và các diễn đàn quốc tế với thể chế quan hệ đối tác: Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APECT), Hội nghị Á - Âu (ASEM), Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Hội nhập là một nhu cầu xuất hiện do tác động của toàn cầu hóa, không có sự phân biệt chế độ chính trị hay trình độ phát triển giữa các quốc gia. Tuy nhiên, trong quan hệ quốc tế hiện nay, nhiều nước lớn vẫn thi hành chính sách áp đặt và cường quyền. Để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, các nước chậm phát triển đang tập hợp lực lượng, đấu tranh chống sức ép của các nước phát triển, nhằm thiết lập một trật tự thế giới công bằng.
Để giải quyết các quan hệ quốc tế phải đảm bảo những nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hòa bình.
3. Không ngừng tăng cường thực lực của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế
Bao giờ cũng vậy, sức mạnh toàn diện của đất nước là cơ sở cho hoạt động đối ngoại. Hồ Chí Minh từng nói: “Thực lực là cái chiêng. Ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Sẽ không giành thể thắng lợi trên bàn đàm phán Genève, nếu không có thắng lợi trên chiến trường.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thay cho những khó khăn ác liệt trong thời kỳ chiến tranh là những thử thách rất lớn trong quá trình phát triển và hội nhập. Mặt trận quân sự đã nhường chỗ cho các lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Toàn cầu hóa là hiện thực khách quan làm tăng tính tùy thuộc vào nhau giữa các quốc gia dân tộc. Sự hợp tác đa phương trở thành tất yếu trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu. Sự hợp tác ngày càng gia tăng, đi đôi với cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong xu thế toàn cầu hóa, vừa có những mặt thuận lợi vừa có nhiều trắc ẩn, thì quan hệ đối ngoại không chỉ là ra sức tranh thủ thuận lợi cho sự phát triển của đất nước mà còn phải tích cực và chủ động góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế, "góp phần xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế dân chủ, công bằng". Sự phối hợp của Việt Nam với các nước trong khu vực, xây dựng một cộng đồng Đông Nam Á hùng mạnh là cơ sở để phát huy thế chủ động, cùng tranh thủ những điều kiện thuận lợi, đồng thời hợp tác để vượt qua những thử thách do tình hình quốc tế mang lại, nhằm giữ vững chủ quyền, hòa bình, ổn định và phát triển.
PGS. TS. VŨ QUANG HIỂN
Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội