Con số 1,64 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà Đồng Nai thu hút được trong năm 2013 không phải là một may mắn "trên trời rơi xuống". Từ mấy năm trước, Đồng Nai đã xác định trở thành một chủ nhà đầy chu đáo và chủ động, trong việc tìm cách "lái" nguồn vốn FDI về tỉnh, dù là trong những giai đoạn khó khăn.
Con số 1,64 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà Đồng Nai thu hút được trong năm 2013 không phải là một may mắn “trên trời rơi xuống”. Từ mấy năm trước, Đồng Nai đã xác định trở thành một chủ nhà đầy chu đáo và chủ động, trong việc tìm cách “lái” nguồn vốn FDI về tỉnh, dù là trong những giai đoạn khó khăn.
Khánh thành KCN Long Đức – một trong những KCN liên doanh giữa Nhật Bản và Đồng Nai với thời gian thu hút đầu tư nhanh kỷ lục. Trong ảnh: nghi thức khánh thành và trao đổi thông tin giữa lãnh đạo tỉnh và các DN Nhật. Ảnh: K.G. |
Những ngày giáp tết, công ty THNN LIXIL tổ chức khánh thành tại KCN Long Đức (Long Thành) sau hơn 2 năm đầu tư dự án. Đây là một trong những dự án sản xuất lớn mà Đồng Nai thu hút được trong vài năm qua với vốn đầu tư lên đến gần nửa tỷ USD.
Chủ động tìm vốn, đón vốn
Tổ chức các chuyến đi xúc tiến đầu tư tại những quốc gia đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ là một trong những điều Đồng Nai chú trọng trong mấy năm qua. Năm 2013, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư tại các nước như xúc tiến đầu tư tại Osaka (Nhật Bản) với gần 140 doanh nghiệp Nhật Bản tham dự, xúc tiến đầu tư tại Dubai… Sau mỗi chuyến đi, Đồng Nai đều nhận được những phản hồi tích cực từ doanh nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật Bản |
Bên cạnh đó, thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu…UBND tỉnh cũng thường xuyên tiếp xúc, trao đổi thông tin, mời gọi đầu tư. Trong năm 2013, Nhật Bản là đối tác đầu tư dẫn đầu, tiếp đến là Hà Lan, Hàn Quốc…
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: FDI tạo động lực cạnh tranh Sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là một xu thế, đặc biệt là khi chúng ta tham gia các thị trường chung. Làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tạo nên tác động tích cực là buộc doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên để thích nghi và cạnh tranh. Ví dụ dễ thấy là ngành phân phối. Vì có Big C, Metro, Lotte nên doanh nghiệp Việt buộc phải tham gia và cạnh tranh. Đến giờ phút này, ngành bàn lẻ vẫn do các doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ khoảng 70% thị phần. Tương tự là ngành ngân hàng, sản xuất…, dù doanh nghiệp ngoại rất nhiều, nhưng nhiều ngành sản xuất trọng yếu, doanh nghiệp Việt vẫn nắm thị phần lớn. Vậy nên quan trọng nhất là khả năng cạnh tranh của mình, không nên sợ hãi. Tuy vậy, tôi cũng cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách ràng buộc với những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm và người tiêu dùng nên ủng hộ hàng hóa, dịch vụ trong nước để hỗ trợ những doanh nghiệp chân chính phát triển. Điều này Chính phủ không thể ra lệnh, nó đến từ tấm lòng của mỗi người dân với doanh nghiệp của đất nước mình. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2013 của tỉnh đạt trên 1,64 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2012 và gấp đôi so với mục tiêu đề ra. Đồng Nai tiếp tục nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn FDI từ trước đến nay. Quan trọng nhất, đa số các dự án phù hợp định hướng ưu tiên đầu tư của tỉnh là thu hút các dự án đầu tư có công nghệ cao thân thiện với môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ... Cụ thể trong, năm 2013, các dự án đầu tư có công nghệ cao chiếm 56% tổng vốn đầu tư cấp mới. Ngoài ra, cũng thu hút thêm hàng chục dự án công nghiệp hỗ trợ lớn nhỏ trên địa bàn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc…
Chọn lọc dự án
Luôn vượt xa chỉ tiêu đề ra trong thu hút FDI nhiều năm gần đây, nhưng chỉ tiêu Đồng Nai đặt ra trong năm 2014 chỉ từ 700- 900 triệu USD. Bà Bồ Ngọc Thu, giam đốc Sở Kế hoạch đầu tư giải thích: “Đồng Nai không chạy theo thành tích, không phải dự án nào nộp đơn cũng được duyệt. Hướng đi vạch ra rất rõ ràng là sẽ chỉ ưu tiên duyệt các dự án công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động… Và chúng tôi sẽ rà soát kỹ càng trước khi cấp phép”.
Trao đổi thông tin giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp Nhật Bản |
Thực tế, trong các năm 2012 và 2013, dòng vốn FDI chảy vào Đồng Nai chủ yếu tập trung ở các dự án sản xuất lớn, sản xuất công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… Các dự án BĐS hay kể cả dự án sản xuất quy mô lớn nhưng thuộc các nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao cũng bị “tuýt còi”. Tỉnh cũng hạn chế phần nào sự mở rộng, xin điều chỉnh tăng vốn của những dự án lâu năm tại Đồng Nai nhưng thuộc nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm, buộc doanh nghiệp phải trình phương án xử lý hiện đại và chủ động trước khi xem xét cho tăng vốn.
Với sự quyết tâm trong đầu tư “hạ tầng cứng”, bao gồm sân bay, hệ thống cảng, đường giao thông huyết mạch… và “hạ tầng mềm” gồm các thể chế và thủ tục hành chính, Đồng Nai vẫn hứa hẹn là điểm đến trong thu hút vốn FDI những năm tới. Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc công ty TNHH Robert Bosch (Đức) – một trong những dự án công nghệ cao trị giá hàng trăm triệu USD tại Đồng Nai nhận xét: “Chúng tôi gặp rất nhiều thuận lợi từ các chính sách hỗ trợ của địa phương nơi chúng tôi đặt nhà máy (Đồng Nai) và cả những chính sách của Chính phủ trong việc xét ưu đãi cho DN công nghệ cao mà sự phát triển nhanh chóng của Bosch là một minh chứng cụ thể.
Sản xuất tại Công ty Toshiba, Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) |
Trong thời gian tới, với sự chuyển mình thực sự về hạ tầng, tôi cho rằng, Đồng Nai tiếp tục sẽ là điểm sáng trong thu hút FDI”.
KIM NGÂN