Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Bám nghề để mưu sinh

08:05, 19/05/2023

Không chỉ gặp khó khăn do thu nhập thấp, công nhân thu gom rác còn thường xuyên phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm nghề nghiệp, tai nạn giao thông cũng như nguy cơ bệnh tật khi tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, rác thải độc hại… Thế nhưng, nhiều công nhân thu gom rác vẫn bám nghề mưu sinh.

[links()]Không chỉ gặp khó khăn do thu nhập thấp, công nhân thu gom rác còn thường xuyên phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm nghề nghiệp, tai nạn giao thông cũng như nguy cơ bệnh tật khi tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, rác thải độc hại… Thế nhưng, nhiều công nhân thu gom rác vẫn bám nghề mưu sinh.

Dân cư đông nên lượng rác sinh hoạt ở TP.Biên Hòa thải ra rất lớn, khiến công việc của người làm nghề thu gom rác luôn quá tải. Ảnh: Phương LIễu
Dân cư đông nên lượng rác sinh hoạt ở TP.Biên Hòa thải ra rất lớn, khiến công việc của người làm nghề thu gom rác luôn quá tải. Ảnh: Phương LIễu

Với hơn 3,2 triệu dân, Đồng Nai mỗi ngày thải ra khoảng 3,6 ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Yêu cầu công việc phải thu gom nhanh, gọn trong khi lượng rác thải quá lớn, đa phần phương tiện thu gom, vận chuyển rác còn thô sơ nên công nhân thu gom rác phải sử dụng sức lao động tự thân là chính… Điều này khiến công việc của họ thêm quá tải, sự vất vả vì thế cũng tăng lên.

* Việc quá tải, nhiều rủi ro

32 tuổi, 6 năm làm nghề thu gom rác, anh Hồ Thanh Phương (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đang phụ trách thu gom rác các khu phố 1, 2 và 3, P.Quyết Thắng
(TP.Biên Hòa). Anh Phương chia sẻ: “Công việc thu gom rác khá nặng nhọc, bản thân tôi còn trẻ, có sức khỏe mà nhiều hôm xong việc, tối về người cũng rã rời”.

Anh Phương tâm sự, thu gom rác cực nhất là vào mùa mưa. Những đống rác, bịch rác bị ngấm nước làm rác nặng hơn rất nhiều, nửa xe rác mùa mưa nặng bằng cả xe rác mùa khô. Rác ngấm nước cũng khiến công nhân thu gom phải “dầm” trong nước rỉ rác nhiều hơn. Có hôm bê thùng rác đổ lên xe mà nước rác chảy cả vào người… Ngoài ra, vào dịp lễ, Tết, lượng rác tăng gấp 3-5 lần ngày thường, để giải quyết lượng rác khổng lồ đó, công nhân thu gom gần như không được nghỉ Tết, phải làm việc từ sáng đến khuya.

Cũng theo nghề thu gom rác hơn chục năm, anh Vũ Đình Tuyền (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ, ngay từ nhỏ anh đã theo phụ giúp cha mẹ thu gom rác thải nên anh thông thạo mọi việc. Lúc trước, cha mẹ anh phải kéo xe ba gác bằng tay, nay gia đình sắm được chiếc xe ba gác máy nên đỡ vất vả hơn. Việc thu gom rác vốn đã vất vả, nhưng với anh Tuyền và không ít công nhân vệ sinh cho rằng, vất vả và nguy hiểm nhất là thu gom rác trong thời gian dịch bệnh Covid-19.

Nhớ lại những ngày tháng làm việc trong môi trường nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào năm 2021, anh Tuyền cho hay, trong lúc mọi người ở nhà tránh dịch thì các công nhân thu gom rác vẫn phải làm nhiệm vụ. Dù quy định rác thải y tế phải để riêng nhưng nhiều hộ dân đều bỏ khẩu trang, que test Covid-19 chung với rác thải sinh hoạt. Thời điểm đó, nỗi lo nhiễm virus gây bệnh Covid-19 luôn ám ảnh nhân viên thu gom rác mỗi ngày.

“Làm việc trong môi trường nguy cơ nhiễm bệnh cao, khối lượng rác thời gian phong tỏa phòng dịch cũng nhiều hơn, thu nhập lại thấp hơn do nhiều hộ không đóng phí thu gom rác nhưng tôi chưa từng nghĩ đến việc bỏ nghề, bởi nghề đã gắn bó với tôi từ nhỏ và thấy việc mình làm cũng mang lại lợi ích cho xã hội” - anh Tuyền chia sẻ.

* Thu nhập chưa tương xứng

Theo Sở TN-MT, hiện toàn tỉnh có 167 đơn vị thuộc nhiều thành phần tham gia hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt. Trong số 1 ngàn công nhân vệ sinh toàn tỉnh, riêng Công ty CP Môi trường Sonadezi đã có 350 nhân viên trực tiếp thực hiện các dịch vụ môi trường.

Nước rỉ rác ô nhiễm chứa đựng nhiều mầm bệnh khiến nhân viên thu gom rác dễ mắc nhiều bệnh tật
Nước rỉ rác ô nhiễm chứa đựng nhiều mầm bệnh khiến nhân viên thu gom rác dễ mắc nhiều bệnh tật

Do nhiều thành phần tham gia hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt nên không phải công nhân thu gom rác nào cũng được ký hợp đồng trực tiếp với công ty, đơn vị thầu thu gom rác thải (đủ điều kiện được UBND thành phố hoặc UBND huyện giao nhiệm vụ thu gom rác thải trên địa bàn) để có lương và được hưởng các chính sách của người lao động.

Để có một mạng lưới nhân viên thu gom rác, những công ty, đơn vị này sẽ hợp đồng với các đội thu gom và các đội này tiếp tục thuê khoán cộng tác viên theo mức lương thỏa thuận miệng, không được hưởng các chính sách của người lao động.

Ông Phạm Tấn Trường Phương, Đội trưởng một đội thu gom rác, thuộc Xí nghiệp môi trường (Công ty CP Môi trường Sonadezi) cho biết, đội thu gom có 17 công nhân và 80 cộng tác viên. “Trong đội của chúng tôi, công nhân chính thức và cộng tác viên đều được hưởng chế độ như nhau. Công nhân chính thức chủ yếu hoạt động trong nội ô thành phố, còn các cộng tác viên thu gom chủ yếu ở các phường, xã vùng ven” - ông Phương cho hay.

Về vấn đề thu nhập, thông tin từ Công ty CP Môi trường Sonadezi, nhân viên các đội thu gom chịu trách nhiệm thu tiền rác hàng tháng của các hộ dân mà hàng ngày mình đến gom rác với mức thu 28 ngàn đồng/hộ/tháng. Các đơn vị tổng hợp và nộp về công ty, sau khi trừ thuế 3 ngàn đồng/hộ, công ty sẽ trích lại 64% để trả thu nhập cho công nhân dựa trên số doanh thu này. Như vậy, nếu hộ dân không nộp hoặc chây ì tiền rác thì thu nhập của người thu gom sẽ bị ảnh hưởng theo.

Hiện ở TP.Biên Hòa, công nhân vệ sinh được giao phụ trách thu gom rác theo tuyến đường và khu vực dân cư, trung bình mỗi công nhân phụ trách từ 500-700 hộ. Để có thể hoàn thành số lượng công việc được giao khoán, nhiều nhân viên vệ sinh sẽ tự thuê thêm từ 1-2 người phụ việc và chịu trách nhiệm trả thù lao cho lao động họ tự thuê. Điều này đồng nghĩa với việc những lao động được thuê lại sẽ không được hưởng các chế độ, chính sách như những lao động có ký hợp đồng với công ty hay những đơn vị thầu lại, trong khi hàng ngày công việc họ làm cũng vất vả, cực nhọc không thua các nhân viên chính thức.

2 năm nay, ông Trần Văn Tỷ (55 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bị mất việc ở công ty và trở thành công nhân được thuê khoán thu gom rác với mức thu nhập chỉ bằng một nửa so với thu nhập trước đây ở công ty.

Ông Tỷ cho biết: “Công việc nặng nhọc như nhau, thời gian làm việc như nhau, tiếp cận sự độc hại như nhau, nhưng công nhân làm khoán như tôi rất thiệt thòi về quyền lợi. Với địa bàn thu gom rác cho khoảng 250 hộ dân, mỗi tháng tôi được người thuê cộng tác trả 3,5 triệu đồng và tất nhiên không được hưởng bất cứ chính sách, chế độ hỗ trợ như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngày nghỉ phép hay tiền thưởng vào các dịp lễ, Tết... Song không làm thì không có tiền trang trải cuộc sống”.

Mỗi người được phân công địa bàn cụ thể và phải đảm bảo thu gom đúng giờ, đúng tiến độ để không làm ảnh hưởng đến công việc của nhau. Chỉ cần thu rác trễ hoặc để qua ngày hôm sau hoặc nơi nào để rác ứ đọng gây ô nhiễm môi trường tức thời có phản ảnh đến công ty, nhân viên thu gom sẽ bị nhắc nhở, xử lý ngay. Đây chính là áp lực khiến cho dù trời nắng to hay mưa bão, những công nhân quét đường, thu gom rác vẫn phải có mặt trên khắp các nẻo đường để làm nhiệm vụ.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu công tác xã hội và phát triển cộng đồng (do Trường đại học Giáo dục thành lập, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện một khảo sát về vấn đề an sinh xã hội và an toàn vệ sinh lao động người làm nghề thu gom rác. Kết quả cho thấy, có 62% nhân viên thu gom rác là người nhập cư; làm việc hơn 9 giờ/ngày trong môi trường rất nặng nhọc, độc hại; thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng; 72,6% người thu gom rác mắc các chứng bệnh về khớp, 59,8% bị các bệnh ngoài da, 51,7% bị viêm phổi và phế quản, 94,6% người thu gom gác thường xuyên bị chảy máu tay chân khi làm việc; 23,6% từng bị tai nạn giao thông; 75% nhân viên vệ sinh không có bảo hiểm y tế; 96,3% không có bảo hiểm tai nạn và 86,3% số người cho biết không được đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

Kim Liễu - Phương Liễu

Bài 3: Để yên tâm gắn bó với nghề

Tin xem nhiều