Báo Đồng Nai điện tử
En

Sau ly hôn vẫn có thể phân chia tài sản

08:02, 23/02/2023

Pháp luật không bắt buộc khi ly hôn vợ chồng phải chia tài sản chung. Cho nên, dù đường ai nấy đi họ vẫn có quyền để lại tài sản chung là nhà đất cho người kia quản lý, sử dụng.

Pháp luật không bắt buộc khi ly hôn vợ chồng phải chia tài sản chung. Cho nên, dù đường ai nấy đi họ vẫn có quyền để lại tài sản chung là nhà đất cho người kia quản lý, sử dụng.

Các luật sư Đoàn Luật sư Đồng Nai tư vấn pháp luật về chia tài sản cho người dân ở xã Gia Canh (H.Định Quán). Ảnh: Đ.Phú
Các luật sư Đoàn Luật sư Đồng Nai tư vấn pháp luật về chia tài sản cho người dân ở xã Gia Canh (H.Định Quán). Ảnh: Đ.Phú

Sau đó, một trong các bên gặp nhau thỏa thuận phân chia hoặc yêu cầu tòa án phân chia cũng được pháp luật tôn trọng, ghi nhận.

* Ly hôn trước, phân chia tài sản sau

Sau khi kết hôn và chung sống với nhau, anh L.Q.T. (quê tỉnh Bắc Giang) và chị H.T.S. (quê tỉnh Bình Phước) có tạo lập được căn nhà và đất với diện tích 350m2 tại P.An Hòa (TP.Biên Hòa). Toàn bộ phần đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cả hai vợ chồng. Năm 2021, cả hai xảy ra mâu thuẫn dẫn tới không thể hàn gắn nên ly hôn.

Vì có con chung 5 tuổi nên anh T. và chị S. thống nhất không yêu cầu tòa án giải quyết việc chia tài sản chung khi ly hôn, chỉ yêu cầu giải quyết phần ly hôn và giao con cho chị nuôi dưỡng mà không cần phải cấp dưỡng. Theo đó, anh T. chọn giải pháp dọn ra ngoài ở, tạm thời căn nhà trên để 2 mẹ con chị S. sinh sống.

“Tài sản chung của vợ chồng sau ly hôn mà chưa chia, khi một trong 2 người mất mà không có di chúc thì người còn sống vẫn được hưởng 1/2 tài sản này. Phần còn lại được xem là di sản thừa kế của hàng thừa kế thứ nhất gồm: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” - luật sư NGUYỄN THỊ KIỀU DIỄM bày tỏ.

Thỉnh thoảng, anh T. vẫn về thăm con và ở lại nhà, nhưng chị S. rất khó chịu. Gần đây, anh T. về thăm nhà, thăm con thì thấy chị S. có bạn lui tới nên chị S. luôn tỏ thái độ gây sự, xua đuổi. Anh T. bức xúc muốn đòi lại quyền lợi của mình về nhà ở và đất đã giao cho vợ cũ quản lý; đồng thời, xin tự nguyện trợ cấp nuôi con.

Tương tự, khi ly hôn, bà T.H.D. và ông C.V.Đ. (ngụ H.Trảng Bom) cũng thỏa thuận căn nhà và đất là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để cho chồng, con trai (12 tuổi) ở. Tuy nhiên, do bị tình mới ruồng bỏ, bà D. gặp khó khăn về việc làm, nơi ở nên lấy cớ nhà bà thì bà có quyền về ở, nhất là tiện bề chăm sóc con khi ông Đ. hay trực ca đêm.

Mới đầu, ông Đ. không đồng ý và xua đuổi bà D., nhưng thấy con trai năn nỉ cho mẹ ở và bà D. tỏ ra hối hận, nhất là ông thấy bà D. không yêu cầu đòi chia căn nhà nên cũng không phản ứng. Được một thời gian, bà D. đề nghị ông Đ. ngăn cho bà một chỗ nhỏ trong nhà để ở, chăm lo cho con, nhưng ông Đ. không đồng ý. Ông Đ. yêu cầu bán nhà chia đôi tài sản. Tuy nhiên, bà D. chỉ mong muốn ông Đ. chấp nhận cho bà ở lâu dài mà không chia tài sản. Vì thấy mình có lỗi nên bà D. đành chấp nhận ở nhờ trong căn nhà của chính mình trước đây.

* Vợ chồng bình đẳng về tài sản

 Trao đổi về trường hợp của vợ chồng anh L.Q.T., luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (thuộc Hội Luật gia tỉnh) giải đáp, do 2 người đã thống nhất việc để căn nhà cho chị và con ở, cháu bé ở với mẹ và không cần cấp dưỡng nên tòa án đã ghi nhận sự việc này. Nay anh muốn phân chia nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng tạo lập trước kia và trợ cấp hàng tháng cho con thì cần có đơn yêu cầu tòa án giải quyết.

Theo đó, pháp luật sẽ phân chia tài sản chung này ra làm đôi và có tính tới công sức đóng góp, duy tu, sửa chữa trong quá trình chị S. quản lý, sử dụng căn nhà. Đồng thời, tính tới việc ưu tiên cho chị S. được ở lại căn nhà này nếu chị có điều kiện chi trả lại cho anh bằng tiền với giá trị tương xứng phần anh được hưởng.

Riêng về phần cấp dưỡng con tới khi đủ 18 tuổi, đó là quyền và nghĩa vụ của anh đối với con. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ này của anh mà bị chị S. từ chối thì quy định pháp luật vẫn cho phép anh T. thực hiện. Bởi vì, đó là quyền của anh đối với con chứ không phải với chị S.

Nỗi lòng của bà D. cũng được luật sư Nguyễn Thị Kiều Diễm (Đoàn Luật sư Đồng Nai) chia sẻ, mặc dù bà được pháp luật cho phép quyền yêu cầu ông Đ. chia giá trị căn nhà bằng tiền hoặc chia căn nhà và đất làm đôi nếu đủ điều kiện phân chia. Tuy nhiên, bà không muốn làm như vậy vì sợ ảnh hưởng đến cha con ông Đ., chứ không phải pháp luật không cho phép.

Luật sư Nguyễn Thị Kiều Diễm giải thích, dù vợ chồng đã ly hôn thì tài sản chung chưa chia vẫn là tài sản đồng sở hữu, sử dụng. Các bên có quyền ngang nhau trong định đoạt tài sản chung này như: chuyển nhượng, sử dụng, chiếm hữu, tặng cho… Do đó, việc ông Đ. có lời nói hay hành động ngăn cản bà thực hiện quyền này là trái pháp luật nên bà có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ, can thiệp.

“Để sự việc được giải quyết ổn thỏa, có tình lý, phù hợp với hoàn cảnh của các bên, nhất là vì con, ông bà nên gặp nhau hoặc nhờ người thân cận nói chuyện. Khi không thống nhất được thì yêu cầu pháp luật can thiệp vẫn được bảo vệ quyền lợi về tài sản” - luật sư Nguyễn Thị Kiều Diễm hướng dẫn.      

 Đoàn Phú

Tin xem nhiều
số điện thoại luật sư tư vấn ly hôn miễn phí